PV đã có cuộc trò chuyện với bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những triển vọng kinh tế ở Việt Nam trong năm 2021.
Bà đánh giá thế nào về công tác kiểm soát dịch COVID và điều hành kinh tế trong bối cảnh COVID của Việt Nam? Và bà có dự báo như thế nào về tốc độ tăng trưởng?
Bà Carolyn Turk: Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát dịch COVID rất hiệu quả. Khi dịch bắt đầu xuất hiện, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp y tế theo tình hình thực tế, vốn là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng ngoài các biện pháp về y tế, Việt Nam cũng có những giải pháp quan trọng về kinh tế. Một trong số đó là việc Chính phủ sớm đưa ra các biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Sau những hỗ trợ ban đầu như vậy, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy các chương trình đầu tư công, tập trung vào các dự án đầu tư tạo ra tăng trưởng, qua đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.
Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn khi sớm kiểm soát được dịch bệnh. Theo bà, Việt Nam sẽ đón bắt cơ hội thế nào khi các nước đang dần mở cửa trở lại các nền kinh tế?
Bà Carolyn Turk: Tôi nghĩ chúng ta có thể cho rằng khả năng cạnh tranh của Việt Nam đang được nâng lên. Vì vậy, hoàn toàn chính xác khi cho rằng những giải pháp y tế nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch COVID đã giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngắn hạn, bởi mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường ở Việt Nam, trong khi nhiều quốc gia khác đóng cửa biên giới hoặc đang giãn cách xã hội. Nhưng chúng ta cũng phải đánh giá khả năng cạnh tranh trong tương lai và làm thế nào để duy trì mức độ cạnh tranh đó. Chúng tôi hy vọng vắc-xin phòng dịch sẽ sớm được phổ biến trên toàn cầu. Điều đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu. Đó là cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng có nghĩa là các quốc gia khác sẽ mở cửa trở lại. Và câu hỏi đặt ra cho Việt Nam vào thời điểm đó là làm thế nào có thể duy trì lợi thế cạnh tranh đã có trong khoảng thời gian COVID diễn ra? Làm thế nào Việt Nam có thể duy trì lợi thế đó trong hiện tại và tương lai?
Bà có những gợi ý chính sách, hành động gì để Việt Nam vực dậy nền kinh tế sau những ảnh hưởng của COVID và đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng?
Bà Carolyn Turk: Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020, và trong một kịch bản lý tưởng, tăng lên 6,8% trong năm tài chính tiếp theo. Nhưng điều đó có nghĩa là Việt Nam phải tiếp tục phát triển cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi nghĩ rằng hiện nay chính là thời điểm phù hợp để thực hiện một số đổi mới mà Việt Nam chưa thực hiện trong thời gian qua. Điều này sẽ giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh ở mức cao khi đại dịch COVID được kiểm soát hoàn toàn và vắc xin được phân phối trên thị trường. Ví dụ, Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn. Điều này có thể nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tại Việt Nam trong tương lai. Tương tự như vậy, chúng ta có thể cân nhắc đầu tư vào nền kinh tế xanh, đảm bảo rằng quá trình phục hồi tại Việt Nam và định hướng tăng trưởng mà Việt Nam xây dựng cho tương lai sẽ thúc đẩy một nền kinh tế xanh và bền vững.
Một trong những vướng mắc của Việt Nam là tháo gỡ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn. Vấn đề này sẽ được giải quyết theo hướng nào và Ngân hàng Thế giới sẽ có những hỗ trợ gì đối với Việt Nam?
Bà Carolyn Turk: Chúng tôi xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các biện pháp thúc đẩy các chương trình đầu tư công. Chúng tôi cho rằng đây là một hành động rất phù hợp. Chúng tôi mong muốn nhìn thầy nhiều giải pháp khác để đẩy nhanh tốc độ giải ngân hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển, phần lớn trong số đó được đưa vào nguồn vốn chi đầu tư. Và chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ một số biện pháp có thể đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phát triển khác. Một số thủ tục cần được điều chỉnh. Một số quy trình có lẽ nên được thực hiện ủy quyền, nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện hoạt động so với hiện tại.