Gen Z “chuyển nhà” ra quán cà phê, tiền gọi nước nhiều hơn tiền ăn

Trần Lâm 177 lượt xem 12 Tháng Bảy, 2023

Hình ảnh các bạn trẻ thường xuyên có mặt ở các quán cà phê để chạy deadline đã không còn xa lạ. Có người đi 1 mình, có người đi cả nhóm, đây được coi là phương pháp để tập trung làm việc hơn, đồng thời có không gian thoáng đãng, mát mẻ không sợ bị ai làm phiền. Từ đó, nhiều bạn Gen Z quyết định “chuyển nhà” ra quán cà phê, không ngại chi tiền gọi nước nhiều hơn cả tiền ăn mỗi tháng.

s1
Quán cà phê là không gian làm việc, học tập lý tưởng của Gen Z. (Ảnh: Thanh Niên)

Để làm việc năng suất hơn

Phương Giang (sinh năm 2001, ở Hà Nội) – một độc giả cho hay: “Dù là học hay làm việc, nếu thời gian cho phép thì mình đều mang ra quán cà phê xử lý. Ở nhà cũng có thể set up không gian chill như ở quán nhưng mình không tập trung nổi. Ngồi cà phê, mọi người xung quanh đều cặm cụi gõ máy tính sẽ khiến mình không thể lơ đãng xem TikTok hay lướt mạng xã hội mà làm việc năng suất hơn“.

s2
Gen Z tập trung hơn khi làm việc ở quán. (Ảnh: Thanh Niên/ Trí Thức Trẻ)

Gen Z gần như “chuyển nhà” ra quán cà phê

Hiểu thị hiếu của khách hàng, nhiều quán cà phê ngày nay cũng được thiết kế với không gian “work place” (chỗ làm việc) chuyên dụng, có đủ kiểu bàn từ bàn đơn, bàn đôi cho các cá nhân đến bàn dài cho bạn trẻ làm việc, họp hành. Một khi tìm được quán ưng ý, wifi mạnh, Gen Z sẵn sàng “chuyển nhà” ra đó làm khách quen.

Như Ngọc Anh, khi có quán cà phê ưng ý, cô bạn gần như ngày nào cũng ra đó, ở quán còn nhiều hơn ở nhà. 10X chia sẻ: “Mỗi sáng mình sẽ bắt đầu với một cốc cà phê, ngồi đến tầm trưa rồi đi ăn, nhân viên cũng quen mặt nên mình bỏ luôn đồ đạc, máy tính ở đó mà không sợ mất. Đến chiều lại ra gọi nước ép và tiếp tục làm việc. Thường thì những ngày trong tuần, công việc còn thì mình sẽ ‘cắm cọc’ tiếp ở đó vào buổi tối, còn cuối tuần sẽ hẹn hò với bạn nên đổi quán khác ngồi làm việc. Mình ở quán còn nhiều hơn ở nhà vì thoải mái, mát mẻ, đồ uống ngon và mình gọi nước đều chứ không phải kiểu uống 1 cốc nước ngồi nguyên 1 ngày“.

s3
Nếu ở nhà thì khả năng cao sẽ nằm dài cả ngày. (Pinterest)

Tiền gọi nước nhiều hơn tiền ăn

Trung bình mỗi cốc cà phê sẽ có giá từ 35.000 đồng đến 45.000 đồng, nước ép hay sinh tố có thể cao hơn 1 chút, tầm 45.000 đến 60.000 tùy vào từng quán. Với mức giá như vậy, Ngọc Anh cho hay mỗi tháng cô tiêu tốn hơn 3.000.000 tiền gọi nước ở quán cà phê. “Nhiều hôm mình còn uống nước hoặc sinh tố thay bữa“, Ngọc Anh nói.

s5
Đồ uống được bày trí đẹp mắt nên giá cũng khá đắt đỏ.

Thói quen “chấp nhận được”

Nếu vẫn trong khả năng tài chính thì làm việc ở đâu không quan trọng, miễn là hiệu quả. Mỹ Ngọc chia sẻ: “Dù tốn một khoản không nhỏ nhưng đem lại giá trị cho mình thì mình vẫn thấy chấp nhận được và sẽ tiếp tục duy trì thói quen này trong thời gian tới“.

s6
Nhiều người còn “cắm cọc” ở quán cả ngày. (Ảnh: Thanh Niên)

Có thể thấy, thay vì ở nhà “làm bạn” với cái giường, trì hoãn mãi chưa dậy thì việc chủ động “lên đồ” ra quán cà phê sẽ khiến Gen Z có nhiều cảm hứng để bắt tay vào công việc hơn. Dù khá tốn kém để thuê chỗ ngồi nhưng các bạn trẻ vẫn coi đây là thói quen phù hợp, vừa thay đổi không khí giúp tâm trạng thoải mái, vừa mang lại hiệu suất cao.

Theo Thế Thao& Văn Hóa

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm