“Đường băng” trên đỉnh Trường Sơn

Trần Hùng 27 lượt xem 27 Tháng Bảy, 2021

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh chạy qua A Lưới dài hơn 100 km, tựa như một “đường băng” lớn để các địa phương phía Tây tỉnh Thừa Thiên -Huế thêm cơ hội “cất cánh”. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh còn phá thế ngõ cụt, đưa huyện A Lưới trở thành cửa ngõ giao lưu trên đỉnh Trường Sơn.

11 4
Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới như một “đường băng” lớn để huyện cất cánh

Đánh thức tiềm năng

Trên cung đường chạy dài trên đỉnh Trường Sơn, từ cầu Đakrông thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị) đến Thừa Thiên-Huế, nếu so sánh tỉ lệ địa phương “bám” tuyến đường Hồ Chí Minh với tốc độ phát triển nhanh, không thể không kể đến A Lưới. Đi dọc các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Hồng Thượng và một phần của xã Phú Vinh, không gian đô thị A Lưới mở rộng từ thị trấn A Lưới đến thị tứ Bốt Đỏ đang ngày càng sầm uất.

Nội thị A Lưới khiến nhiều người phải “lác mắt” ngay lần đầu đặt chân đến, bởi các tuyến đường rộng thênh thang, phẳng lì. Lãnh đạo huyện A Lưới tiết lộ: Đã có 28 tuyến đường giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp và kết nối với đường Hồ Chí Minh.

Kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, huyện xác định đây là đòn bẩy cho phát triển kinh tế, vì chính tuyến đường này không chỉ phá thế ngõ cụt, đưa A Lưới trở thành cửa ngõ hai miền trên đỉnh Trường Sơn, mà quan trọng hơn, chính nhờ đường Hồ Chí Minh, từ A Lưới có thể thông thương qua Lào bằng các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, A Đớt, Hồng Vân; rồi cũng từ A Lưới, có thể xuôi về các huyện đồng bằng bằng quốc lộ 49 theo trục giao thông Đông-Tây.

12 2
Du lịch cộng đồng trải nghiệm mang đến cảm giác riêng cho du khách khi ghé thăm A Lưới

Nếu không tính tổng chiều dài các nhánh rẽ về đồng bằng của bốn con đường 71, 72, 73, 74 và tuyến đường Tây Trường Sơn từ Lào sang, thì đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh đông đi qua huyện A Lưới, có chiều dài gần 90km và chạy gần như xuyên suốt cả A Lưới. Vì thế, không có gì lạ khi tuyến đường rộng thênh thang này được ví như một “đường băng” lớn để A Lưới “cất cánh” .

Lợi thế địa lí và khi giao thông thông suốt, đã là điều kiện quá lí tưởng cho A Lưới phát triển. Thông tin từ Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội A Lưới Hồ Văn Rêm khiến tôi vững tin hơn: Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình kinh tế hình thành. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống dưới 15%. A Lưới cũng đã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 3 sao…

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm về A Lưới để đầu tư. Hàng loạt dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động như, Nhà máy thủy điện A Lưới, với công suất 170MW, nhà máy gạch Tuynen, nhà máy tuyển lọc cao lanh, hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp A Co, khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng A Roàng, nhà máy chế biến dăm gỗ… đã mang đến một diện mạo mới cho vùng “cửa ngõ hai miền trên đỉnh Trường Sơn”.

Các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chuyển biến tích cực; hình thành nhiều vùng trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa như vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, gạo đặc sản ra dư và chăn nuôi bò vàng hàng hóa, vùng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng…

13 1
Đồng bào DTTS ở A Lưới giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống tới khách du lịch

Bốn mũi nhọn đột phá

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới- Hồ Viết Ái thông tin: Huyện A Lưới có đông đồng bào DTTS sinh sống. Người dân A Lưới can trường, dũng cảm, chịu khó, chịu khổ… là nét đặc trưng và cũng là lợi thế trong phát triển của huyện. Để phát huy lợi thế đó, A Lưới đang tập trung khơi dậy “nội lực của người dân”.

A Lưới không chỉ hấp dẫn bởi hàng chục di tích lịch sử gắn liền với 2 cuộc kháng chiến  của dân tộc; những danh thắng, hang động tuyệt đẹp của A Lưới có sức hấp dẫn riêng, khi tự nó đã mang trong mình thương hiệu “Đà Lạt xứ Huế”, với bóng dáng phố núi của đại ngàn nguyên sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Chính thế mạnh này, đang là cơ hội để huyện tập trung vào mũi nhọn “đột phá về nông nghiệp”, “đột phá về phát triển du lịch”.

Một mũi nhọn khác cũng đang được huyện đặc biệt quan tâm là “đột phá về công tác cán bộ”. Tất cả bốn mũi đột phá kể trên, là đòn bẩy để A Lưới “cất cánh”.

Lãnh đạo huyện A Lưới nói với chúng tôi rằng, trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng NTM, phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân…

14 1
Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng A Lưới

Chia tay A Lưới, tôi mang theo niềm tin từ ông Trưởng phòng Dân tộc Hồ Viết Ái: Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát nghèo bền vững và giảm khoảng cách phát triển giữa A Lưới với các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt sẽ xây dựng A Lưới là vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh trong hành trình xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Báo Dân Tộc

Bài viết cùng chủ đề:

    Chu Tich Quoc Hoi 6

    Hôm nay Quốc hội chất vấn các vấn đề nóng về y tế, giáo dục và đào tạo

    Trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội sẽ chất vấn đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội;...
    daquy2 1638027534

    Vườn dã quỳ rực rỡ giữa Hà Nội

    Vườn dã quỳ nở vàng giúp người dân thủ đô có thêm lựa chọn chụp ảnh mà không cần lên Ba Vì. Hằng năm, cứ đến mùa dã quỳ nở, người dân thủ đô lại ùn ùn kéo nhau tới vườn quốc gia Ba Vì để chụp ảnh. Nhận thấy tiềm năng và vẻ đẹp...
    1699318810 p12 6 11 thanh co dien khanh anhlon 4852 4575 width850height661

    Xót xa thành cổ Diên Khánh ngập rác, bốc mùi

    Di tích thành cổ Diên Khánh có niên đại 230 năm được công nhận là di tích quốc gia, đang xuống cấp trở thành nơi xả rác, phóng uế, cỏ dại mọc um tùm. Di tích thành cổ thành nơi xả rác Tại cửa Đông, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đây là cổng khách...
    a225da86fbca12944bdb

    Ông Lãnh là ai?

    Dù cầu Ông Lãnh là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM, nhiều người không biết ông Lãnh là ai. Cây cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất thành phố từng nằm...
    campuchia 5

    Cây cầu cổ bằng đá ong, được in trên tiền của Campuchia

    Trên đường tiến vào Xiêm Riệp để viếng thăm Angkor Wat tráng lệ của đất nước Campuchia, du khách có thể dừng chân ít phút chiêm ngưỡng nét cổ xưa của cầu Kompong Kdei. Cầu Kompong Kdei hay còn gọi là cầu Spean Praptos, được xây dựng vào thế kỷ 12 dưới thời vua Chayravaman...

Được quan tâm