Đưa hàng Việt vươn xa

Huyền Linh 42 lượt xem 19 Tháng Một, 2024

Năm 2023, dù trải qua một năm khó khăn trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, song với nhiều nỗ lực, doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đưa những sản phẩm của Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu.

4 34
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản). Ảnh: Thanh Tùng

Ghi danh trên thị trường quốc tế

Việc sản phẩm Việt khẳng định trên thị trường thế giới đã khiến giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng gia tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Báo cáo của Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh) cho thấy, nếu như năm 2016, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 141 tỷ USD thì đến năm 2021 là 388 tỷ USD, năm 2022 đạt giá 431 tỷ USD và năm 2023, đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Trong Bảng đánh giá Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121.

Đóng góp vào thắng lợi kể trên, phải kể đến câu chuyện của thương hiệu Vinamilk và Habeco, 2 thương hiệu quốc gia đứng trong bảng xếp hạng Top 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finand vinh danh năm 2023. Từ năm 2016, Vinamilk đã đưa sản phẩm sữa đặc và creamer đặc lên kệ siêu thị ở bang Arizona và California (Mỹ). Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi Mỹ là cường quốc về sản xuất và chế biến sữa với hàng nghìn thương hiệu khác nhau. Đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu đi 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thương hiệu lớn thứ 6 thế giới và được định giá thương hiệu lên tới 2,8 tỷ USD.

Còn với Habeco, sau những nỗ lực đàm phán với đối tác xuất khẩu, tháng 12/2023, container Hanoi Beer Premium đầu tiên của Habeco đặt chân đến Hoa Kỳ, đánh dấu mốc sản phẩm Habeco chinh phục thị trường tiềm năng và “khó tính” bậc nhất thế giới. Hoa Kỳ được xem là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Habeco với nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Sự góp mặt của sản phẩm bia nội hàng đầu Việt Nam tại thị trường Mỹ sẽ là tiền để để Habeco tiếp tục chiến lược “Go Global” với sứ mệnh nâng tầm vị thế thương hiệu Việt, mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm xuất khẩu.

Trường hợp Công ty TNHH MIA Group lại có hướng đi khác biệt. Không chỉ bội thu với xuất khẩu các loại nông sản (thanh long, dừa, vải, xoài, chuối, chanh không hạt) sang EU, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MIA Group Nguyễn Ngọc Huyền đã xây dựng thành công “bản đồ trái cây Việt Nam” – nơi hệ thống hóa thông tin, dữ liệu, hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu vùng miền, được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này đã hiện thực hóa việc giúp kết nối các đối tác muốn nhập khẩu nông sản Việt Nam với người nông dân.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền cho biết, “bản đồ trái cây Việt Nam” được đề cử là xu hướng kinh doanh mới của châu Á tại Hội chợ quốc tế ASIA Fruit Logistica 2022 được tổ chức tại Thái Lan. Sắp tới, đây sẽ là mạng xã hội để kết nối giữa người mua và người bán, trong đó sẽ có chợ B2B (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) nội địa và quốc tế. Tất cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều có thể tham gia. Doanh nghiệp sẽ đặt hàng, hợp tác xã nhận đơn trồng theo tiêu chuẩn khách yêu cầu. Từ đó, dần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, cũng như xóa bỏ cảnh “giải cứu” nông sản.

Thương hiệu King Coffee cũng ghi dấu ấn nổi bật về sự thành công ở thị trường nước ngoài trong những năm qua. Vào cuối tháng 5/2023 vừa qua, thương hiệu cà phê Việt Nam King Coffee đã thâm nhập thành công vào hệ thống Costco Wholesale, chuỗi cung ứng bán buôn lớn nhất tại Mỹ và tiếp tục có kế hoạch thâm nhập hầu hết các bang nước Mỹ. Hiện, ngoài thị trường Mỹ, King Coffee cũng đang tiếp tục phát triển ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc…

Xuất khẩu gạo có thương hiệu, sản phẩm chế biến trong ngành lương thực thực phẩm… cũng ghi nhận những bước tiến trong năm 2023. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã để lại dấu ấn khi “vượt bão” để đưa sản phẩm và thương hiệu gạo Việt Nam bay xa hơn. Có thể kể đến như Tập đoàn Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường Liên minh châu Âu (EU) khó tính. Hay như sản phẩm bánh tráng, bún của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) đã trở thành cái tên quen thuộc với người tiêu dùng tại 48 quốc gia trên toàn cầu.

Nâng tầm thương hiệu

Việc đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra tầm thế giới đã khó, để giữ được thương hiệu còn khó hơn. Đó là cả một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển, làm ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng cho người tiêu dùng.

Với kinh nghiệm hàng chục năm xuất khẩu hàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, Vinanutrifood luôn xác định để có vị thế trên thị trường quốc tế phải xây dựng được thương hiệu mạnh, độc đáo, đồng thời phải xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu qua con đường chính ngạch, tránh xuất khẩu sản phẩm thô dẫn tới sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng nhãn mác nước ngoài. Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển được những sản phẩm cà phê, trái cây, rau quả hòa tan mang thương hiệu Vinanutrifood được người tiêu dùng quốc tế yêu thích, tin dùng.

Ngoài ra, để có thể tiếp cận thị trường thế giới nhanh và hiệu quả, Vinanutrifood chú trọng phát triển thương mại số với đa điểm chạm, tập trung cho chiến lược “Khách hàng ở đâu kênh bán hàng Vinanutrifood ở đó”. Như với thị trường Trung Quốc, Vinanutrifood làm việc với các streamer (người phát hình trực tuyến), với các sàn thương mại điện tử lớn của đất nước tỷ dân này để có thể đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Vinanutrifood đã phát triển hệ thống “Nhà Việt Nam” tại thị trường Trung Quốc và tổ chức quảng bá hàng Việt như Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu trở nên cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp phải ổn định để giữ chân khách hàng.

Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia đến năm 2030 nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ những chính sách này để xây dựng thương hiệu.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với 2022. Tuy nhiên, do tốc độ giảm kim ngạch của nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu, nên cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 vẫn thặng dư 28 tỷ USD, vượt xa con số 11,2 tỷ USD của năm 2022. Cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Theo HẢI QUAN ONLINE

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm