Đêm rất lạnh. Đèo chỉ cao 420 m. Nhưng gió thổi dữ dội khiến ta cảm thấy nhiệt độ như ở dãy Alpes, lạnh buốt, đặc biệt là khi một đám mây dày đặc bất chợt bay qua và đổ xuống núi một trận mưa như trút nước.
Nhiệt kế tụt xuống 8 độ C. Cuộn tròn trong chăn, chúng tôi chìm vào giấc ngủ muộn, sung sướng tận hưởng thật lâu cảm giác như được trở về với mùa đông, trong bầu không khí nhẹ nhàng và gai gai của đỉnh núi này, thứ mà chúng tôi vẫn thường mong ngóng dưới bầu trời nhiệt đới.
Chúng tôi thức dậy lúc bình minh. Màn sương đêm tan biến theo làn gió nhẹ của buổi sớm mai; dưới chân chúng tôi, vũng tàu rộng lớn khoét thành một vòng cung trải dài vô tận một màu xanh bạc trong ánh sáng mờ ảo. Xa xa là Tourane, những ngôi nhà thấp, những con thuyền đang thả neo, mờ mịt, nhỏ bé như một đàn mòng biển sà xuống bãi cát: cuối cùng, xa hơn chút nữa có lẽ là Ngũ Hành Sơn như đang lơ lửng trong không trung như những đám mây hình thù kỳ lạ, và lờ mờ là đại dương. Dưới ánh sáng mỗi lúc một chói chang, đường chân trời tan biến: phía đông đột nhiên đỏ rực khiến chúng tôi không biết mặt biển kết thúc ở nơi đâu và bầu trời bắt đầu từ nơi nào.
Vào lúc 6 giờ, chúng tôi đã vượt qua đồn binh An Nam [Hải Vân quan và hệ thống đồn ải canh phòng] xưa kia từng trấn ngự đường đèo. Hiện tại đồn đã đổ nát. Những cỗ đại bác đúc bằng gang và giá súng bị gãy nằm trơ trọi ở đó: cỏ và rêu phủ kín đống đạn dược đã lỗi thời và những khẩu súng hỏa mai nòng lớn bị gỉ sắt ăn mòn. Dưới chân pháo đài cổ, một vài túp lều lụp xụp, bốn bề trống huơ trống hoác là nơi ở dành cho phu phen và gia đình của họ.
Đi thêm 200 m nữa, trên con dốc đối diện có một ngôi làng nhỏ; phần lớn các căn lều dựa vách núi và được chống đỡ tạm bợ bằng vài chiếc cọc, nhô ra phía trên vực thẳm. Người dân ở đây sống bằng nghề khuân vác hoặc bán cho du khách các đồ ăn như: khoai luộc, cá muối, cơm chan nước chè xanh.
Việc sửa sang đường sá do công binh phụ trách đã dừng tại đèo Hải Vân. Những công trình, từ nay về sau do triều đình Huế chịu trách nhiệm về kinh phí, vừa tái khởi động dựa trên bản vẽ của Sở Công chính, dưới sự chỉ đạo của các viên chức Pháp. Nhiều nhóm nhân công bản xứ tham gia làm đường; mặc dù kích thước của tuyến đường mới chỉ như đường la đi, song nó cũng không hoàn thành sớm được do khó khăn về địa hình, bị rừng rậm che phủ gần như không thể xuyên thủng, bị cắt ngang bởi những vỉa đá, và do thiếu nhân công – thường rất khó tuyển dụng. Dân bản xứ miền xuôi sợ phải ở lại quanh đèo vì lam sơn chướng khí, dù chỉ vài ngày. Phía nhân sự người Âu cũng vô cùng mệt mỏi, buộc phải đổi người thường xuyên. Ở đây, tôi đã gặp những người giám sát mới đảm nhiệm công việc được vài tuần, ở trong những căn nhà tranh rộng rãi, được tiếp tế thực phẩm tươi sống song đều nhận thấy tác động của khí hậu nơi đây khủng khiếp hơn bất cứ khu vực nào khác trên lãnh thổ, nơi điều kiện vật chất của cuộc sống còn xa mới đảm bảo được cho họ. Những gương mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, mắt long lên vì sốt. Chúng tôi cảm nhận rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ phải nhường chỗ cho những người khác và tới tận hưởng bầu không khí ấm áp hơn nhưng trong lành hơn của vùng thung lũng.
Do vậy, rõ ràng là công trình đồ sộ này sẽ phải kéo dài nhiều năm. Vả lại, người An Nam không mấy bận tâm về điều đó; họ chỉ quan tâm đến việc rút ngắn hành trình, họ đi theo những con dốc được kiến thiết một cách khéo léo và sẽ còn bám sát tuyến đường cái quan cũ trong thời gian dài nữa. Tuy nhiên, con đường này thực sự kinh khủng. Vừa mới qua đèo thì con đường lát đá thô sơ lập tức lao xuống thẳng đứng. Nhiều nơi có độ dốc lên tới 60 độ. Đó là một chiếc thang thực sự mà chỉ sơ suất nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới tử vong.
Sau 2 giờ đi bộ, đoàn lữ hành dừng chân trước một quán trà tồi tàn dưới đáy thung, gần một dòng thác… Trong nhiều giờ, thứ âm thanh duy nhất mà chúng tôi nghe thấy, đó là tiếng ầm của thác nước vô hình và tiếng rì rầm của đại dương lướt qua vách đá.
Trên khoảng đất bằng phẳng nhỏ hẹp có một ngôi chùa hiu quạnh, đó là miếu Ông Hổ. Những cây cổ thụ phủ đầy rêu và dây leo rủ xuống bao quanh thánh địa vĩnh viễn bị che khuất trong bóng tối này. Ở lối vào, bên cạnh bàn thờ nhỏ, một nhà sư ngồi đó, sẵn sàng nhận đồ cúng dường từ khách qua đường. Từ quan lại cấp cao cho đến những phu phen thuộc giai tầng thấp kém nhất, tất cả đều tới đây lễ bái và cúng dường để mong cầu được che chở trước sự tấn công của cọp và tránh gặp phải tai ương trong suốt quãng đường còn lại. Chúng tôi dừng lại ít phút để đốt một xấp vàng mã và một bó hương thơm lên bàn thờ. Và ngay sau đó, chúng tôi leo xuống một con dốc, gần như dựng đứng, hơn cả những con dốc trước đó: trong chốc lát, chúng tôi đã trở lại đất bằng, gần ngôi làng lớn Lăng Cô.
Một dải cát chắn lối vào vịnh cũ. Vịnh này chỉ còn thông với đại dương bằng một con lạch hẹp, khó đi và chỉ có ghe chài mới qua lại được lúc thủy triều lên; về phía tây, bức tường sẫm màu của dãy Trường Sơn hiện ra như đài vòng, được bao phủ bởi những cánh rừng xanh thẫm mà nhìn từ xa người ta ngỡ đó là rừng lãnh sam. Trông như hồ trên núi. (còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu trích từ cuốn sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)