Du ký Việt Nam: Lễ Nghinh Xuân

Huyền Linh 9 lượt xem 12 Tháng Mười Hai, 2024

Mỗi năm vua chỉ ra ngoài từ ba đến bốn lần, không nhiều hơn, đặc biệt là vào dịp lễ Nghinh Xuân, lễ Tịch Điền và lễ viếng lăng mộ của các vị vua mang tính bắt buộc.

Lẽ ra chuyến du ngoạn vào dịp lễ Nghinh Xuân diễn ra cách đây sáu tuần. Một loạt tình huống phiền toái đã xảy ra, thời tiết xấu, các thái hậu, thái phi bị bệnh, các quan phụ chính gây khó dễ, tôi không biết còn nguyên nhân gì khác không nữa, đã làm chuyến đi bị trì hoãn.

Chúng tôi đã thực hiện chuyến đi đó tám ngày trước, vào một buổi chiều rực rỡ. Ngay từ hôm trước, dọc theo những tuyến đường mà đoàn rước đi qua, cờ hiệu, biểu ngữ đủ màu sắc phấp phới bay trong gió, người dân thành phố và các làng lân cận dựng bàn thờ nhỏ bày đầy hoa quả, trên che lọng vàng, lư hương và đèn được xếp thẳng hàng.

1 4
Dàn nghệ sĩ của cung đình Huế
ẢNH: TƯ LIỆU

Lễ hội bắt đầu bằng chuyến thăm Tòa Khâm sứ. Nhà vua, được đội thị vệ mặc đồ đỏ, đội nón sơn hộ tống, đi về phía sông, nơi thuyền ngự đang chờ. Ở đó, những người đàn ông chân trần, xếp thành hàng ngay ngắn nhất có thể, người vung giáo, người bồng những khẩu súng trường. Tổng thể rất long trọng. Ánh sáng mặt trời làm cho những bộ quần áo cũ trở nên mới hơn, người ta ngắm nhìn các quan lại trong bộ áo lễ bằng lụa tuyệt đẹp, bên cạnh là những người che lọng, giữ tẩu và giữ khay đựng trầu.

Một chiếc thuyền dài do khoảng 40 tay chèo điều khiển kéo theo thuyền ngự, ở mũi thuyền, viên chỉ huy cầm loa ra lệnh, ông đi đi lại lại, khoa chân múa tay, tỏ vẻ rất xúc động trước trọng trách của mình như thể đang điều khiển một đội tàu tuần tra gặp nguy hiểm. Để chắc chắn hơn, một người hầu tận tụy và hơn thế, lại là một tay bơi cừ khôi bơi ngay cạnh thuyền để cứu giá trong trường hợp đắm thuyền.

Việc băng qua sông kéo dài mười phút. Từ bến thuyền tới Tòa Khâm sứ, đội thủy quân lục chiến đứng làm hàng rào danh dự. Khoảng cách cùng lắm là 100 mét. Vua Thành Thái ngồi kiệu hết quãng đường, dáng vẻ uy nghi, mắt nhìn chăm chú, chắp tay, như tượng Phật. Đến thềm, nhà vua chậm rãi, nghiêm trang bước lên từng bậc, rồi băng qua tiền sảnh lớn và phòng khách đầu tiên.

Bữa ăn nhẹ đã được chuẩn bị. Ở bàn vua ngồi, chỉ có Khâm sứ, Chỉ huy quân đội và nhân vật cao cấp nhất trong triều đình sau nhà vua – Tuy Lý Vương, con vua Minh Mạng. Ở độ tuổi đã cao, ngoài 80, ông vẫn lạy khi thấy vua. Thật kỳ lạ khi thấy cụ già này quỳ lạy một vị vua trẻ – người đón nhận sự cung kính một cách thản nhiên, gương mặt kiêu kỳ, trong tấm áo choàng dài bằng vàng nạm ngọc, lấp lánh như chiếc hòm đựng thánh tích.

Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn và rượu sâm panh được rót ra, vua Thành Thái thể hiện đúng bản chất của mình. Thần tượng được thay bằng một cậu bé kháu khỉnh, nhìn từ đồ vật này sang đồ vật khác với vẻ tò mò và nhảy nhót như chú chim sẻ táo bạo. Qua ô cửa lớn, vị vua trẻ sẵn sàng dừng lại để quan sát nhóm quan khách tụ tập ở phòng kế bên, quanh bàn tiệc được chuẩn bị thịnh soạn: có khoảng 30 sĩ quan và quan chức dân sự nhưng không có phái nữ. Phụ nữ không được tham gia các cuộc hội họp như thế này.

Cuộc trò chuyện chỉ giới hạn ở những câu chuyện xã giao. Hơn nữa, nhà vua rất kiệm lời; vài lời hỏi thăm cựu Toàn quyền, lời chào mừng tân Toàn quyền, một vài câu hỏi về một chi tiết liên quan đến nội thất, về một bức tranh, về một tấm màn trướng, tất cả chỉ có vậy. Tuy nhiên, rõ ràng là nhà vua đang vui vẻ và tìm cách kéo dài cuộc viếng thăm. Hai hoàng đệ của vua Thành Thái, hai đứa trẻ từ 8 – 10 tuổi cũng vui đùa không kém. Trong trang phục màu xanh lá cây, họ đứng sau ghế của vua, ăn bánh, kẹo hạnh nhân và nói chuyện.

Sau một giờ đồng hồ, nhà vua rút lui, lại qua sông và tiếp tục tham quan thành phố. Cho đến chiều tối, đoàn rước dài diễu hành ở hai bên bờ sông Đông Ba. Dân chúng phải ẩn náu ở trong nhà để thể hiện sự kính trọng: quan sát nhà vua đi qua và nhìn nhà vua bị coi là phạm thượng. Trước bàn thờ nhỏ bày những lư hương nghi ngút khói, chỉ có vài cụ già đang quỳ lạy. Những người trải qua nỗi gian truân của cuộc sống trong thời gian dài mới được hưởng một số đặc quyền.

Khi lặng ngắm cảnh tượng mang tính tôn giáo này, khi nhìn thấy những mái đầu bạc trắng gập người trước thần tượng sống mà chuyến hành trình của ông ta mang lại may mắn cho thành phố, làm cho hoa nở, cây trái chín đỏ, khiến người ốm trở nên khỏe mạnh, mang đến niềm hy vọng cho những người nghèo khổ, tôi mới hiểu rằng việc tuân thủ các tập quán cổ truyền và nghi thức cổ truyền đã ăn sâu bén rễ vào tâm hồn của dân tộc này đến nhường nào, những người cho rằng có thể xóa bỏ tất cả những thứ đó mà không cần đến thời gian thì thực là liều lĩnh hoặc ngây thơ.

Chỉ tới khi mặt trời lặn, đám rước mới chậm rãi trở về thành. Những người cuối cùng trong đoàn hộ tống cũng đã biến mất từ lâu, chúng tôi vẫn đoán được con đường mà đám rước vừa đi qua, nhờ lớp bụi bay lên dưới bước chân của họ, nhờ lớp bột vàng lơ lửng trong không khí tĩnh lặng. (còn tiếp)

(Nguyễn Quang Diệu trích từ sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    20

    Du ký Việt Nam: Huế và vùng ngoại ô

    Chúng tôi lênh đênh trên biển nội địa này trong khoảng 4 giờ và rời đồn Thuận An [Trấn Hải đài] nằm ở bên phải, án ngữ con lạch nối biển với hệ đầm phá nhưng hiếm khi lưu thông được. Sáng nay gió thổi rất mát; sóng biển cuồn cuộn. Ba quả cầu treo...
    1

    Du ký Việt Nam: Trên đèo Hải Vân

    Đêm rất lạnh. Đèo chỉ cao 420 m. Nhưng gió thổi dữ dội khiến ta cảm thấy nhiệt độ như ở dãy Alpes, lạnh buốt, đặc biệt là khi một đám mây dày đặc bất chợt bay qua và đổ xuống núi một trận mưa như trút nước. Nhiệt kế tụt xuống 8 độ C....

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...

Được quan tâm