Du ký Việt Nam: Huế và vùng ngoại ô

Huyền Linh 19 lượt xem 11 Tháng Mười Hai, 2024

Chúng tôi lênh đênh trên biển nội địa này trong khoảng 4 giờ và rời đồn Thuận An [Trấn Hải đài] nằm ở bên phải, án ngữ con lạch nối biển với hệ đầm phá nhưng hiếm khi lưu thông được.

Sáng nay gió thổi rất mát; sóng biển cuồn cuộn. Ba quả cầu treo trên một cây cột cảnh báo thuyền bè rằng sóng cồn không hề dễ chịu.

Qua khỏi Thuận An, cuối cùng chúng tôi đã vào sông Huế [sông Hương], tấp nập những chiếc ghe chài khá độc đáo. Một cột buồm đôi ngả hết cỡ về phía trước đỡ cánh tay đòn khổng lồ, trên đó treo một tấm lưới rộng từ 40 – 50 pied vuông. Cánh tay đòn, được giữ thăng bằng nhờ một thúng đá cuội làm đối trọng và vận hành nhờ một người đàn ông chạy trên cây đà giống như người biểu diễn động tác thăng bằng trên dây.

Thao tác được thực hiện với một sự chính xác như trong quân đội. Tín hiệu được phát ra, hàng chục chiếc thuyền độc mộc thanh mảnh lập tức rời bến, và chèo cật lực, dàn ra thành hình quạt. Một người ở mũi thuyền, nằm sấp, gần như ngang với mặt nước, đập hai thanh gỗ cứng vào nhau để làm cá hoảng sợ và lùa cá vào lưới. Quy trình bắt cá chỉ Trung kỳ mới có; du khách lần đầu tiên cắm trại ở gần bờ sông hay đầm phá lo lắng tự hỏi tiếng ồn bất ngờ phát ra trong đêm có nghĩa là gì.

20
Huế – Sông Đông Ba

Phong cảnh sống động. Những con thuyền lướt giữa hai bờ: những ngôi chùa nhỏ, quét vôi sáng màu, được dựng ở ngay lối vào làng, làm bừng sáng những ngôi nhà tranh vách đất màu xám. Đây là Bao Vinh, cảng của Huế; một vài chiếc thuyền khá rộng dường như đang tò mò quan sát bạn với cặp mắt tròn vẽ trên mũi.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi rời sông [Hương] đoạn khúc cua lớn để vào sông Đông Ba; trên đôi bờ nối với nhau bằng hai cây cầu nhỏ, cây cầu thứ nhất bằng gỗ đã mục nát rất nhiều, còn cây cầu thứ hai bằng sắt, mới khánh thành cách đây một năm, chúng tôi nhận thấy hàng loạt túp lều tồi tàn, lán hàng, nhà xây bằng gạch kiểu Tàu nhưng cũng khá nhếch nhác. Các bờ kè của Huế không quá lớn.

Thật khó tin là chúng tôi đã đặt chân đến kinh đô nếu bên trên những túp lều ọp ẹp, rách nát này không xuất hiện bức tường thành tối tăm và xa xa là một cánh cổng đồ sộ trên có tháp canh ba mái trang nhã.

Ra khỏi kênh [sông Đông Ba], chúng tôi gặp lại sông [Hương], ở đoạn này lòng sông rộng như hồ, và năm phút sau, chúng tôi đã cập bờ bên kia, cách Tòa Khâm sứ vài bước chân, trong khu nhượng địa của Pháp [nằm ở bờ nam sông Hương].

Cảnh đẹp mê hồn. Phía trước là những tòa nhà rộng lớn của Tòa Khâm sứ và đây đó, trong khu vườn, những ngôi nhà nhỏ màu trắng dành cho các phòng ban. Phía sau, một đài vòng gồm những ngọn đồi xanh ngắt, cao nhất là Montagne du Roi [núi Ngự Bình], dãy núi này nằm đối diện với kinh thành, trên núi trồng thông, hình dạng như bức bình phong.

21
Chùa Thiên Mụ – Phụ cận Huế
ẢNH: TƯ LIỆU

Phía phương trời xa màu xanh nhạt, một dãy núi lớn với những chỏm núi lởm chởm, nhọn hoắt. Tất cả đều mang dáng vẻ nhân tạo xen lẫn hùng vĩ: một sự kết hợp giữa thiên nhiên khắc nghiệt của vùng núi cao với thiên nhiên, được các họa sĩ phong cảnh Nhật Bản bài trí, tô điểm.

Không có bất kỳ dấu vết nào của thành phố thực thụ. Cho đến giờ, tôi chỉ nhìn thấy những túp lều tranh, những ngôi làng nằm rải rác trong đám cây xanh. Kỳ lạ là ấn tượng đầu tiên mà kinh đô tối tăm này đã để lại, với những ngôi nhà mong manh đến mức chỉ cần một cơn gió cũng có thể thổi bay: người ta có thể nghĩ đó là một khu trại; một vài túp lều được dựng dưới những khóm tre, nằm sát ngay một kinh thành sẫm màu.

Thật khó có thể tin rằng một tuần đã trôi qua kể từ buổi sáng tuyệt diệu khi kinh đô cổ kính của nước Nam, dòng sông, con kinh với những túp lều tranh dọc hai bên bờ, tòa thành sẫm màu, tạo nên một nốt nhạc buồn trong vở ca kịch, xuất hiện lần đầu trước mắt tôi, giữa những khóm tre và hoa mào gà nở rộ. Với sự tiếp đón ân cần và nồng hậu của Tòa Khâm sứ, chắc hẳn ta sẽ dễ dàng thông cảm cho việc lãng phí thời gian một chút. Có cách nào để không bị nhầm lẫn ngày tháng khi mà ngày tháng trôi đi quá nhanh như giờ đồng hồ?

Nếu phải tuân theo phép tính xác suất mà người lữ hành đã thực hiện trong việc phác thảo hành trình của mình bằng vài nét lớn, kỳ nghỉ của tôi tại Huế có lẽ sắp kết thúc. Tuy nhiên, sự nài nỉ đáng mến của những người chủ nhà đã biến giây phút khởi hành thành một viễn cảnh xa vời và thoáng qua hơn bao giờ hết. Họ nhấn mạnh với tôi rằng tôi chưa thể đi nếu không tham dự một số nghi lễ long trọng mà việc tổ chức sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, trong đó có lễ Nghinh Xuân, nhà vua xuất xa giá ra khỏi kinh thành, và còn thêm các lễ hội khác nữa mà tôi chưa biết?

Tóm lại, có muôn vàn lý do chính đáng khiến tôi bị khuất phục. Đó là tất cả những gì mà tôi đã làm, và thật tuyệt vời, việc giam cầm được hiểu theo cách này thật là ngọt ngào. (còn tiếp)

(Nguyễn Quang Diệu trích từ cuốn sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    Du ký Việt Nam: Trên đèo Hải Vân

    Đêm rất lạnh. Đèo chỉ cao 420 m. Nhưng gió thổi dữ dội khiến ta cảm thấy nhiệt độ như ở dãy Alpes, lạnh buốt, đặc biệt là khi một đám mây dày đặc bất chợt bay qua và đổ xuống núi một trận mưa như trút nước. Nhiệt kế tụt xuống 8 độ C....

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...

Được quan tâm