Là một trong những quốc gia hiếm hoi có mức tăng trưởng dương (2,91%) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tới đây nhờ thành công trong kiểm soát đại dịch này.
Các tổ chức thế giới nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ năm 2021
Sau đây là những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo từ các tổ chức kinh tế, tài chính…
Ngân hàng Thế giới (WB): Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2021
Tại buổi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 21/12, ông Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam đánh giá kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với triển vọng tích cực, mức tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Cơ sở để WB đưa ra dự báo này là các ngành trọng điểm của Việt Nam dần thoát khỏi những khó khăn. Chẳng hạn, nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi…; Dịch vụ nhờ các biện pháp cách ly, giản cách được gỡ bỏ…
IMF: Kinh tế Việt Nam hồi phục hoàn toàn trong năm 2021
Dựa trên tổng sản phẩm trong nước (GDP), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu về tăng trưởng tại Đông Nam Á trong năm tới, với chỉ số tăng trưởng như tính toán ở trên đạt 108,4 điểm. IMF lấy ngưỡng cơ sở thang điểm là 100 và xếp kinh tế Việt Nam, Indonesia, và Malaysia đều đạt mức hơn 100 điểm trong năm 2021. Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt nếu thương chiến Mỹ-Trung còn tiếp diễn khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh… là một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
CEBR: Việt Nam sẽ vào nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035
Trong báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế trên thế giới,Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035. Kiểm soát tốt dịch COVID-19 giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 và sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.
Thủ tướng Chính phủ – Nguyễn Xuân Phúc: GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,5%
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2021 sẽ đạt 6,5%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra là 0,5%. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Với các giải pháp cụ thể như kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.
Song song đó, Chính phủ cũng sẽ thực hiện cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Hoàng Anh