Đời… rớ trên sông Trà Khúc

Trần Hùng 138 lượt xem 16 Tháng Năm, 2021
Nơi con sông Trà Khúc chuẩn bị đổ ra biển lớn, có hàng chục chiếc rớ giàn cứ dăm phút lại nhô lên khỏi mặt nước một lần. Đằng sau những chiếc rớ chìm, nổi theo con nước là từng phận đời mưu sinh, mải miết bám sông, bám nghề.
Rớ giàn là cách gọi dân dã mà những cư dân sống cuối dòng Trà Khúc dùng để phân biệt với rớ bè. Thay vì ngồi trên ghe lênh đênh nay đây mai đó để thả rớ như nghề rớ bè, ngư dân làm nghề rớ giàn dựng giàn tre để cố định lưới rớ giữa sông. Là nghề sông nước đặc trưng của cư dân sống đôi bờ sông Trà Khúc, nên phía bắc cửa Đại, xã Tịnh Khê và phía nam cửa Đại, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) đều có những ngôi làng mang tên “xóm Rớ”…
Neo đời cùng sông
Càng xuôi về gần cửa Đại, nước sông Trà Khúc càng chảy xiết. Ấy vậy mà, từ bao đời nay, những cư dân làm nghề sông nước sống ở đôi bờ sông Trà lại chọn khúc sông này để dựng rớ giàn. Giữa sóng nước mênh mông, những chiếc rớ giàn có chiều dài ngót nghét cả trăm mét, chốc chốc lại “đội” sông nhô lên mặt nước. Bao quanh 4 góc của rớ, là giàn tre và dây thừng để giằng giữ, cố định rớ trên sông.
21 9 e1621145362276
Từng là nơi neo của khoảng 60 rớ giàn, nhưng nay cửa Đại chỉ còn lưa thưa vài rớ giàn. Ảnh: Ý THU
“Nhìn thì đơn giản, nhưng để các thanh tre xung quanh rớ không bị nghiêng ngả, để lưới rớ không bị xếp lại hoặc trôi đi… đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật rất cao. Phải dựng và kết nối tỉ mỉ để rớ giàn luôn được cân bằng. Tôi theo ba làm nghề này từ năm  15 tuổi, nhưng đến 20 tuổi, tôi mới thành thục bí kíp dựng rớ giàn”, ngư dân Võ Văn Trung, người đã có “thâm niên” làm nghề rớ giàn hơn 30 năm tại cửa Đại, tự hào kể.
Chủ nhân của những chiếc rớ giàn ở cửa Đại bây giờ tất thảy đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống làm rớ giàn từ 3 – 4 đời. Vậy nên, họ không chỉ rành kỹ thuật làm rớ giàn, mà còn thuộc nằm lòng giờ giấc ra vào cửa sông của từng loại cá. Nghề rớ giàn ở cửa Đại vì vậy mà được ngư dân chia ra thành: Rớ đêm và rớ ngày. Nghề rớ ngày thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chuyên săn các loại cá nổi. Còn nghề rớ đêm, hay còn gọi là rớ đèn – nghề dùng ánh sáng để nhử cá vào rớ, thì thường bắt đầu từ 17 giờ chiều cho đến rạng sáng. Những người làm rớ giàn vì vậy chỉ ở bờ chừng 5 – 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn lại đều túc trực trên sông.
Trên chiếc chòi tre bốn bề gió thổi, rộng chưa tới… 1m2 dựng ngay bên cạnh chiếc rớ giàn của gia đình mình, ngư dân Võ Văn Chanh (50 tuổi) cùng vợ là bà Trần Thị Hoa tỉ mỉ quan sát để canh luồng cá. Thấy đàn cá bơi vào rớ, ông vội vã nhắc vợ quay trục để thâu dây, kéo rớ lên khỏi mặt nước thật nhanh; còn mình thì lật đật bước xuống chiếc ghe neo ngay dưới chân chòi tre, rồi chèo thật nhanh tới rớ để thu “chiến lợi phẩm”. “Được con cá cồi gần cả ký lận bà ơi”, ông Chanh mừng rơn cầm con cá lên khoe với vợ. Ở trên chòi, người phụ nữ 46 tuổi quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má rám nắng, rồi trả lời: “Con cá to nhất từ sáng tới giờ ông hê!”.

22 7 e1621145399772
Gắn đời mình với rớ, chủ nhân của những rớ giàn ở cửa Đại phải túc trực ở những chòi rớ nhỏ xíu trên sông. Ảnh: Ý THU
Cùng sinh ra và lớn lên ở xóm Rớ, thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) – nơi  mà từ đời cha ông đã làm nghề rớ giàn, nên ông Chanh, bà Hoa mặc nhiên bám lấy giàn rớ để mưu sinh. Cưới nhau 23 năm cũng là ngần ấy thời gian ông cùng vợ chắt chiu, nhặt nhạnh từng con cá trên rớ để nuôi ba đứa con nên người. “Đêm xuống, hai vợ chồng đều đi làm ngoài sông, con cái gửi ông bà nội. Đến khi con lớn, đứa lớn lo cho đứa nhỏ. Biết là các con phải thiệt thòi nhiều, nhưng nghề này là vậy! Cứ 10 – 15 phút phải kéo rớ một lần, mà chỉ một người vừa lo kéo rớ, vừa lo vớt cá thì làm không nổi”, giọng bà Hoa trầm ngâm.
Trĩu lòng khi rớ nhẹ tênh
Chầu chực canh, kéo rớ từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nhưng chiếc thùng đựng cá trên ghe của ngư dân Võ Văn Chanh chỉ có 4 con cá cồi. Không khá hơn là mấy, rớ giàn của ngư dân Võ Văn Nung ngay kế bên ông Chanh cũng chỉ thu về được 8 con cá viễn nhỏ bằng 3 ngón tay. “Ngày trước, cứ kéo mẻ rớ nào, là cá quẫy đạp xôn xao mẻ đó. Còn giờ, hứng gió, nằm sương cả ngày lẫn đêm. Vậy mà, những ngày đi về tay không cứ diễn ra ngày càng nhiều”, chủ nhân của cặp rớ giàn ở cửa Đại Võ Văn Chanh thở dài cho biết.
23 7 e1621145531623
Cứ 15 – 20 phút, chủ nhân của từng rớ giàn phải chèo ghe đến các rớ để giũ giàn lưới diện tích hơn 100m2 để vớt cá. Ảnh: Ý THU
Đưa mắt nhìn ra khu vực cửa sông nay dày đặc những chiếc ghe làm nghề thả lưới rập, anh Võ Văn Trung, người từng một thời được mệnh danh là ngư phủ “sát cá” ở xóm Rớ, đượm buồn nhớ lại: “Rớ giàn nhà tôi từng thường xuyên bắt được cá vược nặng từ 5 – 10kg. Có năm, còn bắt được cá vược nặng 19kg, được thương lái mua ngay tại rớ với giá gần 1 chỉ vàng. Ấy thế mà gần chục năm nay, tôi không còn thấy cá vược xuất hiện tại cửa sông này nữa. Ngay cả mấy loại cá nhỏ như cá cơm, hoặc tôm đất, cũng chỉ lạc rớ vài con, chứ không nhiều như trước”.
Nguồn cá trên sông ngày càng cạn kiệt, nên những người làm nghề rớ giàn từ chỗ “sống khỏe” với nghề, dần trở nên chật vật. Nhiều gia đình, dẫu đã có truyền thống 3 – 4 đời làm nghề rớ, nhưng rồi đành nhổ cọc, cất rớ vì không còn ai tiếp nối. Xóm Rớ bên bờ nam sông Trà, từ hơn 10 hộ gia đình, nay chỉ còn đúng một hộ bám nghề. Còn xóm Rớ bên bờ bắc sông Trà, từ hơn 50 hộ làm nghề, nay chỉ còn lại chưa đến 10 hộ giữ lấy nghề xưa. Rớ giàn từ ngót nghét 60 chiếc nằm ngang, dọc ngay cửa sông, nay chỉ còn lại 14 chiếc.
24 6 e1621145569720
Thả rớ từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nhưng ngư dân Võ Văn Chanh chỉ thu về được 4 con cá cồi. Ảnh: Ý THU
“Nhà tôi 4 đời làm nghề rớ giàn, nên tôi chẳng mong muốn mình sẽ là thế hệ cuối cùng. Nhưng biết làm sao thuyết phục được con mình theo đuổi nghề, khi mà nước thải từ các hồ tôm cứ xả thải thẳng ra cửa Đại, khi mà lưới rập tận diệt thủy sản cứ “vô tư” giăng dọc, giăng ngang dưới lòng sông… khiến cá tôm vào rớ cứ vắng dần?”, một lão ngư ở  xã Nghĩa Phú trải lòng.
Chẳng biết chủ nhân của 14 rớ giàn còn sót lại trên sông Trà có phải là lớp người cuối cùng của xóm Rớ còn bám đời mình với rớ hay không? Chỉ biết rằng, những người trẻ ở xóm Rớ bây giờ, chưa có ai có ý định rời xa những công việc trên bờ để ra sông, bám nghề. Bởi với họ, nghề phụ hồ, bốc vác… dẫu nhọc nhằn, vất vả, nhưng có “đồng ra đồng vào” hằng ngày. Còn nghề rớ giàn bây giờ, một ngày bỏ công kéo rớ cả trăm lần, cũng chưa chắc thu về được 1, 2kg cá…
Theo Báo Quảng Ngãi

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm