Ðổi mới công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo

Hồng Đào 136 lượt xem 24 Tháng Năm, 2021

Thông tin, truyền thông về tôn giáo dân tộc đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống những thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẻ Nhân dân, dân tộc, làm mất an ninh trật tự và an ninh quốc gia.

dan toc thieu so 1
Gặp gỡ, trực tiếp trao đổi là dịp để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS.

Vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc, tôn giáo

Ý thức được vai trò của vấn đề dân tộc, tôn giáo trong phát triển đất nước, ngay từ sau khi đất nước được giải phóng, trong suốt quá trình lãnh đạo, Ðảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

“Quan điểm của Ðảng về vấn đề dân tộc là xuyên suốt và cụ thể. Ðảng ta luôn xác định “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” – ông Hà Việt Quân – Chánh  Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Ủy ban Dân tộc – nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, Ðảng và Nhà nước đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chính sách dân tộc, các chương trình, đề án, góp phần quan trọng vào việc “thay da đổi thịt” nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới.

Cùng với chính sách dân tộc, theo PGS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thời gian qua, chính sách tôn giáo được Ðảng và Nhà nước hết sức quan tâm, trong đó tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo. Ðặc biệt, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đưa ra quan điểm mới, đó là ngoài phát huy các giá trị tích cực, nhân văn của tôn giáo, cần tập trung phát huy các nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bàn về công tác thông tin, truyền thông, một “kênh” quan trọng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến cộng đồng, đồng bào các dân tộc, ông Ðặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết: Việt Nam hiện có gần 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh – truyền hình. Thực hiện các nghị quyết của Ðảng, Quốc hội về công tác, chính sách dân tộc, tôn giáo, thời gian qua, Bộ TTTT đã tập trung phủ sóng, số hóa các chương trình, tăng cường thời lượng tin/bài, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc; đẩy mạnh phổ biến các quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước đối với cán bộ, Nhân dân, đồng bào – nhất là với các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Ngoài các ấn phẩm chuyên môn về tôn giáo, hiện mỗi tôn giáo đều có ấn phẩm riêng.

Gần đây, ngày 21-2-2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án hỗ trợ thông tin, truyền thông về dân tộc, tôn giáo. Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 cũng dành riêng dự án số 10 để truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tận dụng triệt để lợi thế của mạng xã hội

Trên thực tế, do vùng DTTS và miền núi có địa bàn rộng, chia cắt, nhiều nhóm dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa cũng như khả năng tiếp cận thông tin…, cho nên ở một số địa phương, công tác thông tin, truyền thông vẫn chưa thật sự “chạm” tới, hoặc chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Ðể khắc phục thực trạng này, ông Hà Việt Quân cho rằng, cần phải bỏ qua một số định kiến nhất định trong việc tiếp cận thông tin của đồng bào. Cũng như cần chú trọng lựa chọn hình thức, phương pháp thông tin sáng tạo, đổi mới, phù hợp hơn với người DTTS. Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân, 130 triệu thuê bao điện thoại với 65 triệu người dùng mạng xã hội, nhưng chúng ta vẫn không tận dụng hết được lợi thế mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ để truyền thông về các vấn đề dân tộc, tôn giáo – ông Hà Việt Quân nêu vấn đề.

Với tôn giáo, tín ngưỡng – lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế – PGS Chu Văn Tuấn khẳng định: Lâu nay, công tác thông tin, truyền thông về tôn giáo vẫn chủ yếu là về chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, mà chưa có nhiều nội dung tuyên truyền về các giá trị tốt đẹp, đóng góp của tôn giáo; sự tham gia của tôn giáo với các vấn đề của đời sống xã hội. Chính vì vậy, xã hội chưa hiểu về tôn giáo, thậm chí e ngại tuyên truyền về tôn giáo.

Giải pháp được PGS Chu Văn Tuấn đưa ra, đó là người làm công tác thông tin, truyền thông phải được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết cơ bản về tôn giáo, tránh sai sót, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng. Ðồng thời, các cơ quan báo chí cần có chuyên mục về tôn giáo, để cộng đồng hiểu hơn về những giá trị cũng như đóng góp của các giáo dân và các tổ chức tôn giáo.

Ở góc độ của cơ quan quản lý báo chí, ông Ðặng Khắc Lợi nhấn mạnh: “Song song với việc phát hiện kịp thời các âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng; cơ quan báo chí cần thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước để lan tỏa thông tin tích cực, chính thống; từ đó giúp Nhân dân hiểu đúng về những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo”.

Theo nhandan.com.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm