Doanh nhân xuống tiền mua dinh vua Bảo Đại tại Hà Nội là ai?

Trần Hùng 152 lượt xem 9 Tháng Tư, 2021

Dinh thự Bảo Đại tại Hà Nội là một công trình kiến trúc đặc biệt, có tuổi đời gần 100 năm. Do những thay đổi của thời cuộc, nhiều hạng mục tuyệt đẹp tòa nhà đã bị băm nát, biến dạng.

dinh bao dai 1
Doanh nhân Hồ Hoàng Hải trò chuyện với PV Ngày Nay

Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Hoàng Hải – chủ nhân mới của tòa dinh thự độc đáo này.

Phóng viên (PV): Vì sao anh quyết định bỏ một số tiền rất lớn để trở thành chủ nhân sở hữu phần lớn tòa dinh thự Bảo Đại tại Hà Nội?

Ông Hồ Hoàng Hải: Đầu năm 2021 tôi được một người bạn báo tin, chủ sở hữu một nửa tầng 1, tầng 3, tầng 4 của khu nhà này muốn bán, vì rất tò mò với lời giới thiệu, đây là nhà của vua Bảo Đại nên tôi tới xem luôn.

Chỉ mới bước chân đến cửa dinh thự, gần như tôi đã có quyết định sẽ mua ngay lập tức. Phải nói rằng đây là công trình kiến trúc rất rất đẹp, có lẽ độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Dù nó không quá bề thế, quy mô như các khu biệt thự nghỉ dưỡng khác của vua Bảo Đại tại các tỉnh như Vũng Tàu, Đà Lạt, Hải Phòng nhưng so về kiến trúc thì đặc biệt hơn cả.

Công trình này có sự kết hợp, pha trộn rất hài hòa giữa kiến trúc Á – Âu.

Qua hồ sơ lưu trữ tôi được biết, tòa dinh thự được thiết kế, xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp có tên Arthur Kruze. Ông sang Việt Nam làm giáo sư giảng dạy bộ môn kiến trúc tại trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương từ năm 1930 đến 1954.

dinh bao dai 2
Kiến trúc tuyệt đẹp của tòa nhà đã bị biến dạng. Khu vực sân vườn đã không còn nguyên vẹn.

Không giống các biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội, tòa nhà này bề ngoài mang đậm lối kiến trúc phương Đông với mái ngói kiểu cung đình rồng phượng, vòm cửa hình tròn, những họa tiết trang trí phía ngoài cũng cực kỳ mềm mại, tinh tế. Bức tường bao quanh nhà và vườn thượng uyển uốn lượn hình rồng rất đặc sắc. Tôi chưa từng nhìn thấy một bức tường bao nào tại Việt Nam đẹp và lạ và mang nhiều ý nghĩa như vậy.

Ở phía trong, hiện nay khu nhà thì lại mang đậm phong cách châu Âu với phong cách đơn giản nhưng rất thẩm mỹ chứ không thô kệch.

dinh bao dai 3 dinh bao dai 4

Rất may mắn là do chủ sở hữu là những trí thức lớn nên tới giờ phút này, 4 tầng của tòa nhà vẫn cơ bản nguyên vẹn.

dinh bao dai 5

Các chi tiết nội thất như sàn nhà, hệ thống điện, nước, cửa, tủ âm tường… tất cả vẫn còn rất tốt, tốt đến mức kinh ngạc, chưa một chi tiết nào bị mối mọt, cong vênh.

dinh bao dai 6

Thậm chí, chiếc máy bơm nước có từ những năm 1939 đến nay vẫn hoạt động tốt.

Thực sự tôi vẫn hạnh phúc, tự hào vì đã là chủ sở hữu của một nửa tầng 1, tầng 3, tầng 4 của khu dinh thự này. Tầng 1 tôi cũng đang đàm phán với chủ, tình hình rất khả quan. Duy nhất tầng 2 thì là câu chuyện khác và có lẽ phải đợi sự may mắn chứ yếu tố kinh tế không thể quyết định được.

dinh bao dai 7
Bức tường bao quanh vườn thượng uyển được thiết kế uốn lượn hình rồng rất đẹp mắt và hài hòa với tổng thể khu nhà

PV: Sau khi đã trở thành chủ nhân của phần lớn tòa nhà, ông đã có thông tin chi tiết về nguồn gốc căn nhà hay chưa?
Ông Hồ Hoàng Hải:
Sau 1 thời gian cất công tìm hiểu từ rất nhiều nguồn khác nhau và cuối cùng đã may mắn nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, tôi đã có được những thông tin cơ bản.

Dinh thự 186 Ngọc Hà có tên chính thức trong Hồ sơ quản lý tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 là “Dinh thự Didelot”, được xây năm 1939. Đây là nhà của Nam tước người Pháp có tên Pierre Didelot. Vợ của ông Didelot là bà Marie – Agnes Nguyễn Hữu Hào. Bà Hào là chị ruột của Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại).

Nam tước Didelot từng là đại tá phụ trách pháo binh, là giám đốc thông tấn xã Havas của Pháp tại Hà Nội. Năm 1949, vua Bảo Đại, thời điểm này là Quốc Trưởng Bảo Đại đã cho mua lại Dinh thự Didelot để phục vụ cho Quốc Trưởng và quan chức Chính phủ mỗi khi ra Hà Nội kinh lý.

Hồ sơ được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 có lưu tờ trình của Thủ hiến Bắc Việt và của Phủ Thủ Tướng trình Quốc Trưởng Bảo Đại đề nghị mua lại Dinh thự Didelot để làm Công thự, có văn bản phê duyệt của “Văn phòng Đức Quốc Trưởng” và có cả những văn bản của Nha Công Chính đề xuất kinh phí sửa chữa nhà.

Sau năm 1954, thời cuộc thay đổi thì tòa nhà được phân chia cho nhiều cán bộ cao cấp. Tiếp đó, tòa nhà được hóa giá nên các gia đình sống tại đây cũng đã được cấp sổ đỏ riêng.

Việc đàm phán, mua lại chính vì thế cũng có không ít khó khăn. Nhưng nếu bây giờ giữ lại và phục dựng mà để công trình tuyệt tác này biến mất, đó sẽ là điều vô cùng đáng tiếc thậm chí là có lỗi với lịch sử.

dinh bao dai 8
Hồ sơ về khu dinh thự Bảo Đại được lưu trữ, bảo quản rất tốt tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia

PV: Anh quyết tâm mua lại khu nhà đặc biệt này chỉ vì yêu thích hay sau khi mua xong sẽ sử dụng vào việc khác, làm nhà hàng, khách sạn hoặc dự án khác?

Ông Hồ Hoàng Hải: Tôi mua lại khu nhà này không phải để kinh doanh hay đập đi xây khách sạn, nhà hàng. Đơn giản tôi mua lại khu nhà vì tình yêu với di sản, một di sản tuyệt đẹp mà tiền nhân đã ở lại, nếu bây giờ không giữ lại, khôi phục thì có lẽ không còn cơ hội nào nữa.

Để di tích này biến mất, đó là một điều cực kỳ đáng tiếc, chính vì vậy nên dù có gặp khó về kinh tế thì tôi cũng đã cố gắng. Nó giống như một sứ mệnh mà tự tôi đã lựa chọn vậy.

Chắc hẳn khi anh tới đây cũng có cảm giác sửng sốt, choáng ngợp vì công trình quá đẹp, quá độc đáo, kiến trúc độc nhất vô nhị. Nhưng cái đẹp của tổng thể tòa dinh thự đã không còn nguyên vẹn, nhìn rất xót xa. Khu vườn thượng uyển hoàn mỹ như vậy mà nay bị băm nát ra, khoảng 15 hộ dân đã được chia đất, xây nhà ở trong đó, nó không còn hình dáng khu vườn nữa.

dinh bao dai 9
Vẻ đẹp của khu dinh thự bị che lấp bởi vô số công trình dân sinh xây bên cạnh và phía trong vườn thượng uyển

Những người dân quanh đây kể lại, trước đây khu vườn rất rộng, đường đi được lát đá rất đẹp, trong vườn còn có hòn non bộ, có hồ nước nhỏ với nguồn nước ngầm chảy liên tục, nó là nước ngầm tự nhiên chứ không phải từ máy bơm. Trong vườn còn có nhiều cây cổ thụ, các tượng đá hình con vật, tiếc rằng mọi thứ đã thất lạc, tôi đang cố gắng để tìm lại.

Mong ước một ngày nào đó tôi sẽ khôi phục được nguyên trạng, thì đây sẽ trở thành điểm thăm quan tuyệt vời, cũng là nơi chúng ta có thể tự hào giới thiệu với du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế, rằng Việt Nam đang sở hữu một công trình – một tác phẩm nghệ thuật rất đẳng cấp. Hơn nữa, ẩn chứa trong đó còn những giá trị về văn hóa, lịch sử vô giá.

PV: Theo anh, khó khăn lớn nhất trong việc khôi phục khu vườn là gì?

Ông Hồ Hoàng Hải: Là vấn đề kinh phí, khu vườn đã chia cho khoảng 15 hộ dân để nhà, chưa kể kinh phí tôi đã bỏ ra mua lại khu nhà chính nữa, cộng tất cả vào thì đó là khoản kinh phí rất lớn.

Nhưng tôi hy vọng rằng, với những gì tôi làm trong thời gian vừa qua, các bác sống ở khu vườn thượng uyển và trong căn nhà này sẽ cảm kích. Họ sẽ thấy được giá trị, tầm vóc của căn nhà di sản này… đến lúc nào đó họ sẽ tạo điều kiện cho tôi hợp nhất.

Tôi là một doanh nhân, khi bắt tay vào việc mua lại khu nhà, tiếp đó là hướng đến mục tiêu khôi phục nguyên trạng thì cũng giống như mục tiêu tôi duy trì phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động thôi. Hai mục tiêu đó tôi làm song song, hy vọng rằng với tâm huyết của mình, tôi sẽ có được kết quả tốt nhất.

PV: Xin trân trọng cám ơn anh!

Theo ngaynay

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm