Doanh nhân Quách Đàm: Góp phần mở mang kinh doanh cho đồng nghiệp

Huyền Linh 131 lượt xem 28 Tháng Hai, 2024

Nhắc đến chợ Bình Tây thì phải nhắc đến Quách Đàm – một thương nhân người Việt gốc Hoa rất nổi tiếng tại Sài Gòn – Chợ Lớn đầu thế kỷ XX. Ông không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành đạt, giàu có bậc nhất Nam Kỳ mà còn được biết đến là một người làm từ thiện đã xây dựng nên khu chợ biểu tượng của Sài Gòn – TP.HCM.

Kỳ 1: Gầy dựng cơ ngơi lớn nhất Nam kỳ

3 26
Chân dung Quách Đàm

Quách Đàm còn có tên gọi khác là Quách Diệm, sinh năm 1863 tại làng Long Khanh, quận Triều An, TP. Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vào giữa những năm 1880, ông rời Quảng Đông đến Nam kỳ lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Những năm mưu sinh tại Sài Gòn – Chợ Lớn, ông đi khắp ngõ hẻm mua bán phế liệu và lông vịt để kiếm sống.

Dù cuộc sống rất vất vả trong những năm đầu di cư đến Sài Gòn – Chợ Lớn, Quách Đàm dần tích lũy được một số vốn chuyển sang buôn bán da trâu, vi cá mập, bong bóng cá đường. Để có được những mặt hàng này, ông phải đi khắp các tỉnh Tây Nam bộ để tìm mua.

Những năm 1890, sau nhiều thương vụ thua lỗ cũng như nhiều lần bị kẻ xấu lừa mất vốn liếng, nhưng không nản chí trước nghịch cảnh, Quách Đàm đã có đủ vốn mua một chiếc tàu hơi nước và bắt đầu lập nghiệp tại Cần Thơ bằng cách buôn gạo.

Trong hai năm 1906-1907, Quách Đàm chuyển kinh doanh về Chợ Lớn và thành lập một công ty nhằm phát triển sự nghiệp buôn gạo. Theo nghiên cứu của học giả Vương Hồng Sển về Sài Gòn, Quách Đàm mở cửa hiệu, theo lệ của Hoa kiều ở Sài Gòn, khi buôn bán phải xin chữ đặt tên hiệu buôn, ông đã được một thầy chữ viết tặng câu đối: “Thông thương sơn hải/ Hiệp quán càn khôn”. Ưng ý, ông liền lấy hai chữ đầu là “Thông Hiệp” đặt tên cho công ty.

Ban đầu, trụ sở của Công ty Thông Hiệp đặt tại một căn hộ hai tầng tại số 55 Quai de Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) hướng thẳng ra con rạch chảy ngang trung tâm Chợ Lớn. Sau đó, Quách Đàm được một thầy phong thủy thuyết phục rằng vị trí kinh doanh đắc địa nhất tại khu vực bến tàu Chợ Lớn là tòa nhà ba tầng nằm ở số 45, lúc đó là hai cửa hiệu xà bông Nam Thái và Trường Thành, cách Thông Hiệp mười căn về hướng Đông, bên dưới tòa nhà được cho là có một con rồng thân vươn ra biển, người nào làm ăn ở đó sẽ vô cùng thành công, nên Quách Đàm liền thuê căn nhà này. Dù rất muốn mua căn nhà số 45, nhưng nhiều lần thương lượng, chủ nhà vẫn không bán, Quách Đàm đành phải tiếp tục thuê để làm trụ sở công ty.

Những năm 1910, Công ty Thông Hiệp tiếp tục mở rộng kinh doanh gạo. Không chỉ sở hữu nhà máy xay gạo tại Cần Thơ, Quách Đàm còn xây dựng thêm hai nhà máy gạo lớn tại Chánh Hưng (quận 8) và Lò Gốm (quận 6). Ông còn mở thêm Công ty Vận tải Quach-Dam et Cie ở Phnôm Pênh, Camphuchia để quản lý đội tàu gồm 4 tàu hơi nước.

4 21
Chợ Bình Tây trước năm 1975

Trong “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển có ghi lại một mánh lới làm ăn giúp Quách Đàm trở nên giàu có. Một lần nọ Quách Đàm gom lúa miền Tây đưa về trữ chờ ngày xuất khẩu, bất ngờ giá lúa thế giới sụt giảm khiến công ty có nguy cơ lỗ nặng. Trong khi người nhà hốt hoảng thì ông vẫn bình tĩnh cho người tiếp tục mua gom lúa gạo, còn trả giá cao hơn người khác. Sau đó, ông khéo léo tung tin đồn giá lúa thế giới sắp tăng vọt. Thương lái nghe tin đồn ấy thì đua nhau mua lúa với giá cao chờ bán kiếm lời. Khi đó Quách Đàm âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Khi các nhà buôn khác phát hiện giá gạo tăng là “tin giả” thì lượng lúa của Quách Đàm trong kho đã vơi. Nhiều người dù “sập bẫy” thương nhân họ Quách nhưng ít nhiều cũng phải nể phục ông.

Quách Đàm từng mua lại một số doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản, nhất là trong ngành mía đường. Khi vào tay ông, các công ty ấy được vực dậy, phát triển, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm nhiều tiền.

5 17
Chợ Bình Tây ngày nay

Trong khối tài sản làm nên sự giàu có của Quách Đàm phải kể đến việc mua lại nhà máy gạo Di Xương vào năm 1915, là nhà máy gạo lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất tại Chợ Lớn thời bấy giờ. Theo thống kê do Revue de la Pacifique thực hiện vào năm 1923, cứ sau 24 giờ, lượng gạo được xay xát trong các nhà máy của Quách Đàm lên tới 230 tấn ở Chánh Hưng, 250 tấn ở Lò Gốm và 1.000 tấn ở Di Xương.

Vào thời cực thịnh, Quách Đàm còn mở thêm ba nhà máy xay gạo ở Mỹ Tho là Thông Mậu, Thông Thạnh và Thông Nguyên. Ông còn lập thêm hãng tàu biển Nguyên Lợi để vận chuyển lúa gạo trên các tuyến Sài Gòn – Singapore, Hồng Kông, Quảng Châu… Điều đó khẳng định Quách Đàm là nhà buôn gạo thành công nhất xứ Nam Kỳ.

Sự giàu có đã tạo nên uy tín và quyền lực cho Quách Đam. Từ năm 1908, Quách Đàm trở thành một trong số ít những thương nhân người Hoa là thành viên của Hội đồng Hành chánh Chợ Lớn. Ông còn giữ chức Phó đô trưởng thứ ba của Chợ Lớn trong nhiều năm với nhiều đóng góp trong việc quản lý đô thị.

Trong giai đoạn này, danh tiếng của Quách Đàm còn được biết đến như một nhà hảo tâm, một nhà từ thiện của Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông thường trợ cấp định kỳ cho nhiều bệnh viện, trường học, công đoàn và chưa bao giờ thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Ông là nhà tài trợ cho nhiều trường học dành cho người khiếm thị. Ông còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng và thương nghiệp tại Chợ Lớn cho đến tận những năm cuối đời. Đặc biệt, sau trận động đất tại Nhật Bản năm 1923, Quách Đàm quyên góp và vận chuyển đến Nhật Bản khoảng 4.000 tấn gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đến cuối những năm 1920, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Công ty Thông Hiệp của Quách Đàm vẫn kinh doanh thành công và có ảnh hưởng nhất trên thương trường Việt Nam lúc bấy giờ.

Con trai của Quách Đàm là Quách Khôi kế thừa sự nghiệp của cha sau khi Quách Đàm mất năm 1927. Tiếc thay, đến năm 1929, Quách Khôi đột ngột qua đời nên em trai ông là Quách Tiên lên nắm quyền quản lý Công ty Thông Hiệp. Vào những năm 1929-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xẩy ra, do Quách Tiên hào phóng bảo lãnh cho các khoản nợ của một số thương nhân sắp phá sản nên Thông Hiệp dần rơi vào cảnh nợ nần.

Sau năm 1933, cái tên Thông Hiệp biến mất khỏi các giao dịch thương mại, mặc dù vào năm 1939, có những ghi nhận về việc Quách Tiên xuất hiện trở lại với tư cách chủ sở hữu một đồn điền cao su tại Biên Hòa, trụ sở đăng ký vẫn ở số 45 đường Gaudot.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm