Ngày 26/03/2023, ngành thiết kế thời trang trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức buổi bảo vệ tốt nghiệp cho các sinh viên sau thời gian 4 tháng thực hiện đồ án tốt nghiệp.
Mỗi sinh viên đều đem đến thông điệp “Năng Lượng – Sáng Tạo – Bứt Phá” và mang một màu sắc riêng biệt không hòa lẫn vào nhau. Từng thiết kế của mỗi bộ sưu tập là góc nhìn thẩm mỹ qua lăng kính cá nhân của từng sinh viên, thể hiện được cá tính thiết kế và gu thẩm mỹ, qua đó cũng phản ánh được tư duy cũng như tâm tư và tình cảm được sinh viên gửi gắm vào bộ sưu tập của mình.
Sự phong phú và đa dạng của đề tài đã tạo ra tính hấp dẫn và sự háo hức mong đợi của tất cả mọi người có mặt trong khán phòng của buổi bảo vệ. Phạm vi của đề tài trải rộng ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống, từ nhân sinh quan của con người về những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống như sự kì thị giới tính đến vấn nạn miệt thị hình thể hoặc các chủ đề gần gũi trong sinh hoạt đời sống như căn nhà, gian bếp, quê hương đến các vấn đề của tự nhiên cần tiếng nói của cộng đồng.
Những đề tài tốt nghiệp năm 2023 đã nhận được rất nhiều những sự đồng ý và đồng cảm đến từ hội đồng ban giám khảo là những thầy cô và nhà thiết kế có chuyên môn cao ở lĩnh vực thiết kế thời trang, những cơn mưa lời khen,, những lời góp ý, những tiếng vỗ tay không ngớt đến từ hội đồng giám khảo và khán phòng là sự đón nhận ý nghĩa nhất cho quá trình lao động, cống hiến, sáng tạo không ngừng của các bạn khi trình bày các tác phẩm của mình.
Thông tin về sinh viên
- Tăng Vĩnh Đằng – Đề tài “DAISY”: BST được thiết kế từ những cảm hứng về loài hoa cúc trắng, Vĩnh Đằng đã mang đến bộ sưu tập trong trẻo, nhẹ nhàng như ý nghĩa của đề tài được chọn. Hình ảnh chi tiết hoa cúc được xử lí theo nhiều cách với các chất liệu có độ cứng mềm khác nhau được ứng dụng vào bộ sưu tập cùng với sự ngọt ngào của tone màu hồng đã diễn tả trọn vẹn sự đáng yêu của các thiết kế.
- Đỗ Nguyễn Thế Vinh – BST ‘Vũ công của biển”: Lấy ý tưởng từ hình ảnh của loài cá Sư Tử, bằng những cảm nhận của mình Thế Vinh đã nghiên cứu hình ảnh của loài cá này để chuyển tải vào các thiết kế của mình, hình ảnh nhẹ nhàng của từng chiếc vây, từng chuyển động mềm mại được đưa vào các chi tiết của thiết kế, kèm theo đó là sự hiện đại trong form dáng trang phục tạo ra sự kết nối linh hoạt giữa ý tưởng và thời trang.
- Nguyễn Hoàng Phúc – BST “RE-DOM”: Lấy ý tưởng từ phong trào bình đẳng giới, một phong trào đã ra đời và tồn tại trong suốt một thời gian dài từ những năm 60,70 của thế kỉ 20 đến nay. Sự kì thì được hình tượng hóa và hiện thực hóa thành những xiềng xích, những đôi bàn tay… để nói lên sự hà khắc, định kiến cũng như những tổn thương hữu hình, vô hình do chính con người gây ra lẫn nhau ở các bản dạng giới khác nhau. Với đề tài của mình, bằng cách viết ghép nối 2 chữ RESPECT- FREEDOM, Hoàng Phúc mong muốn được gửi đến cộng đồng một phần đóng góp thông qua các sản phẩm thời trang về sự nhìn nhận công bằng của cuộc sống ở khía cạnh bình đằng giới tính và thái độ tích cực với những gì đang diễn ra trong cuộc sống này.
- Nguyễn Thị Kiều Chinh – “PERMAFROST”: Đề tài về sự nóng lên của trái đất chưa bao giờ ngừng sôi nổi trên các phương tiện thông tin, từ sự nghiên cứu, phân tích và sáng tạo của mình, Kiều Chinh đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới khi kết hợp thời trang và hiện tượng băng tan. Từng vệt màu quang phổ, từng sự dứt gãy cùa tự nhiên được tái hiện qua ngôn ngữ cùa thời trang với các cách xử lí chất liệu phức tạp đã chuyển tải được góc nhìn và mong muốn của bạn. Bộ sưu tập không chỉ là màn trình diễn mà còn là sự góp phần cho sự nổ lực không ngừng của loài người trong việc bảo vệ môi trường sống.
- Nguyễn Thị Ngọc Ánh – BST “VOCALNO”: Lấy cảm hứng từ hiện tượng phun trào của núi lửa, với sự khéo léo của mình, Ngọc Ánh đã thực hiện một cuộc dạo chơi với màu sắc và chất liệu, từng mảng màu xám khói, đen, vàng, cam lửa được kết hợp với nhau trên sự tính toán của tổng thể trang phục đã tạo ra tính mới cho một đề tài đã quen thuộc. Ngoài việc xử lí bề mặt chất liệu để tạo ra tính chất của đề tài, sinh viên cũng đã nghiên cứu các phương pháp xử lí rập và cấu trúc trang phục để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản và mới lạ.
- Vũ Thị Lan Anh – BST “ MOULD”: thế giới của vi khuẩn, nấm mốc và các loại vi sinh là một thế giới mới mà ở đó chưa có nhiều sự khai mở của thời trang, với mong muốn mở ra một cánh cửa mới cho chính mình, Lan Anh đã chọn đề tài về nấm mốc để triển khai thành đồ án tốt nghiệp của, hình ảnh những bề mặt chất liệu được xử lí công phu bằng phương pháp đan móc thủ công, kết hợp nhiều loại sợi khác nhau để diễn tả được sự phức tạp trong cấu trúc của ý tưởng cũng đồng thời tạo ra sự khác lạ trong form dáng sản phẩm.
- Nguyễn Thị Phương Huyền – BST “CORROSION”: Lấy cảm hứng từ hội chứng HANAHAKI – Phương Huyền đã xây dựng nên bộ sưu tập mang đầy đủ các cung bậc cảm xúc của một tình yêu chưa từng được hồi đáp. Hình ảnh khung xương nở hoa được xử lí ở cả hình thức 2D và 3D để tạo sự hấp dẫn thị giác và được cân nhắc khi đặt vào các thiết kế. Bộ sưu tập thể hiện rõ tính xu hướng trong thiết kế thời trang và ý nghĩa của đề tài.
- Hồ Lê Phước Linh – BST “LOVE YOURSELF – Hãy yêu chính bạn”: là thông điệp Phước Linh muốn mang đến cộng đồng thông qua các thiết kế của mình. Sự e dè, tự ti, sợ sệt, ấm ức về những khác biệt trong hình thể bị giễu cợt được chọn làm chất liệu thiết kế: hình ảnh đôi mắt, chiếc miệng, những lời nói thiếu sự đồng cảm đã được khéo léo cách điệu thành các họa tiết, hoa văn để nói lên các vấn đề của định kiến , đồng thời sự tự tin của các người mẫu khi trình diễn đã mang lại một cảm giác rất mới, rất thời trang, sự duyên dáng của các hình thể khác nhau làm mờ đi ranh giới các định kiến vốn dĩ như trò đùa ác ý.
- Nguyễn Tú Hảo – BST “Sắc màu Chợ Nổi”: Là môt người con sinh ra từ vùng đất Tây Đô – Cần Thơ, với niềm yêu mến quê hương và mong muốn đưa hình ảnh của quê hương mình đến khán giả Tú Hảo đã chọn những hình ảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của Chợ Nổi Cái Răng để làm đề tài nghiên cứu của mình. Hình ảnh từng chiếc thuyền dập dềnh sóng nước, từng cây bẹo với các món hàng xuất hiện trong các thiết kế mình, Tú Hảo bằng góc nhìn đã mang đến cho khán giả của mình những cảm nhận mới trong sự kết hợp giữa Chợ Nổi và thời trang.
- Nguyễn Thị Nguyệt Huế – BST “Bếp Quê”: Lấy ý tưởng từ những điều gần gũi nhất trong cuộc sống của gia đình mình, Nguyệt Huế đã mang những gì dung dị nhất từ hình ảnh khung cửa, chiếc rèm, chiếc giỏ cói, chiếc rổ… cho đến các loại rau quả dân dã, những điều quá đỗi bình dị của đời sống. Bằng những lãng mạn trong tâm hổn của mình và những ý tưởng táo bạo, Nguyệt Huế đã thổi hồn quê vào những thiết kế của mình bằng các phương pháp xử lí chất liệu đa dạng, mang đậm chất dân dã cùa người miền Tây nhưng không làm mất đi tính dự báo và xu hướng của thời trang.