DN Đài Loan, Trung Quốc tăng cường rót vốn vào Việt Nam: Tập trung vào linh kiện điện tử, năng lượng tái tạo…

Huyền Linh 119 lượt xem 5 Tháng Một, 2024

Với việc xây dựng chiến lược “Trung Quốc+1” và thực hiện Chính sách hướng Nam mới, các công ty Đài Loan đã dần chuyển sang Việt Nam sản xuất, chế tạo.

1 2

Năm 2023 vừa đi qua với loạt khó khăn, song vẫn có điểm sáng đến từ mảng đầu tư công và dòng vốn FDI. Trong số đó, làn sóng trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông ngày càng rõ rệt. Trọng tâm của sự chuyển dịch là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ và đáng chú ý hơn là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét.

“Làn sóng trở lại của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ… đang là trọng tâm chuyển dịch đầu tư”, chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chia sẻ. Theo VDSC, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét hơn với 9 dự án đầu tư mới (1,7 tỷ USD) và 7 dự án mở rộng quy mô đầu tư (2,6 tỷ USD trong năm 2023).

Thống kê từ đầu năm cũng ghi nhận, loạt đối tác của Apple như BOE Technology, Foxconn, Goertek, Quanta Computer… rót thêm tỷ USD đặt nhà máy tại Việt Nam. Đơn cử có Biel Crystal – đối tác mặt kính lớn của Apple – vừa đề xuất đầu tư dự án 6.000 tỷ đồng tại khu công nghiệp An Phát 1 huyện Nam Sách. Trước đó, BOE Technology Group đã công bố kế hoạch rót 400 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Việt Nam và đã đàm phán thuê đất tại miền Bắc ngay đầu năm.

Hay tháng 4/2023, Quanta Computer cũng ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển nhà máy sản xuất máy tính quy mô 22,5ha, tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt nhóm sản xuất và bất động sản khu công nghiệp.

Cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực của Trung Quốc năm 2023

2 2
Nguồn: Digitimes, CTCK Rồng Việt

Nói về làn sóng dịch chuyển vốn này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam luôn là thị trường quan trọng đối với các tổ chức đầu tư nước ngoài. Các công ty Đài Loan đã đầu tư rất lớn vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam trong một thời gian dài. Các công ty Đài Loan đã và đang di chuyển vào Việt Nam để thành lập cơ sở sản xuất, chế tạo. Ngoài ra, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tổ chức lại, nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp đang rời khỏi Trung Quốc và tiến vào Đông Nam Á.

“Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài vẫn còn mạnh mẽ, minh chứng là dòng vốn nước ngoài ổn định vào nước này” –  chia sẻ của Ông Benny Miao, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á Cathay United Bank (CUB).

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do và chế độ thuế quan ưu đãi, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Với việc xây dựng chiến lược “Trung Quốc+1” và thực hiện Chính sách hướng Nam mới, các công ty Đài Loan đã dần chuyển sang Việt Nam sản xuất, chế tạo. Các công ty Đài Loan này đã trở thành khách hàng ưu tiên của các ngân hàng Đài Loan.

Tuy nhiên, với làn sóng đầu tư nước ngoài từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc, chi phí lao động và đất đai, vốn tại Việt Nam từng được coi là tương đối thấp, đã dần tăng lên trong những năm gần đây.

Theo NHỊP SỐNG THỊ TRƯỜNG

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm