Điểm đến bảo tàng xanh ở Hội An

Huyền Linh 124 lượt xem 17 Tháng Một, 2024

Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An (33 Nguyễn Thái Học, TP Hội An) là một trong 20 đơn vị đạt chứng nhận “Du lịch xanh” của tỉnh Quảng Nam. Đây là kết quả đáng khích lệ, ghi nhận những nỗ lực của đơn vị trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy tốt giá trị về tham quan, tuyên truyền di sản, thu hút đông đảo du khách trong thời gian qua.

1 41

Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, năm qua, đơn vị đã nỗ lực trong công tác xây dựng địa điểm du lịch xanh tại các bảo tàng và di tích, triển khai thực hiện thiết kế maket bảng cảnh báo nguy hiểm, bảng hướng dẫn bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm nước… Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận, tháng 11.2023, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận “Du lịch xanh” theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam. Theo đó, Bảo tàng Văn hóa Dân gian đạt chứng nhận 3/3 Lá sâm Ngọc Linh dành cho hạng mục Điểm tham quan.

Nằm ở trung tâm Phố cổ, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An bắt đầu đón tiếp khách tham quan từ năm 2005. Nơi đây trưng bày, giới thiệu gần 500 hình ảnh, hiện vật gốc, thể hiện rõ nét các giá trị văn hóa phi vật thể; đặc biệt, các hoạt động trình diễn đã giới thiệu sinh động đến du khách về bề dày truyền thống văn hóa, sự sáng tạo, đóng góp của nhiều thế hệ cư dân địa phương trong tiến trình xây dựng, phát triển vùng đất Hội An.

Trong không gian ngôi nhà cổ điển hình của Đô thị cổ Hội An, Bảo tàng đã tổ chức trưng bày các hiện vật với bốn chủ đề chính: Nghệ thuật tạo hình dân gian; Nghệ thuật diễn xướng dân gian; Các làng nghề truyền thống; Sinh hoạt dân gian. Theo đó, Không gian trưng bày nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ, phù điêu bằng sành sứ, tượng thờ, tượng trang trí bằng đồng, hợp chất, gỗ, đất nung, các loại tranh thủy mặc, tranh màu, các hoành phi, liễn đối khảm, cẩn xà cừ, ốc… được lưu giữ, bài trí ở gia đình, di tích tôn giáo – tín ngưỡng. Nghệ thuật diễn xướng dân gian với các loại hình như múa Thiên cẩu, hát Bả trạo, Bài chòi… Không gian Làng nghề truyền thống giới thiệu các nghề đặc trưng, lâu đời của Hội An như nghề đánh bắt sông nước, buôn bán, làm nông, y học cổ truyền… Các làng nghề thủ công truyền thống nổi danh, gắn liền với tiến trình lịch sử, văn hóa của vùng đất Hội An như mộc Kim Bồng, gốm Nam Diêu – Thanh Hà… Không gian sinh hoạt dân gian truyền thống giới thiệu trang phục cùng với nếp ăn, nếp ở, thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa của một cộng đồng cư dân gồm nhiều lớp, nhiều cội nguồn khác nhau ở Hội An…

2 37
Các hoạt động “Phiên chợ xưa”, “Bác nông dân vui tính” được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa dân gian năm 2023 vừa qua

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn lưu giữ rất nhiều hiện vật đa dạng về chất liệu và chủng loại, trong đó có bộ sưu tập trang phục của người Hoa, người Việt; các dụng cụ, công cụ và sản phẩm của làng nghề truyền thống… Đây là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày luân chuyển hiện vật trong hệ thống bảo tàng.

Để thích ứng với xu thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của công chúng, thời gian qua, Bảo tàng Hội An tiếp tục điều chỉnh, đa dạng hóa và đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động. Nằm trong hệ thống bảo tàng chuyên đề của Hội An, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An cũng đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, trình diễn, không gian hoạt động của Bảo tàng thật sự hấp dẫn, sống động, thu hút sự tham gia, tương tác của công chúng, đặc biệt là những bạn trẻ. Thường xuyên đầu tư nâng cấp trưng bày nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách đến tham quan, hướng đến xây dựng điểm du lịch xanh, nhiều hoạt động như Phiên chợ xưa, Bác nông dân vui tính, Vui đón Trung thu… được Bảo tàng tổ chức trong năm 2023 vừa qua đã được công chúng, các bậc phụ huynh, các em nhỏ cùng du khách yêu thích, tham gia rất đông.

Đây cũng là một trong những điểm đến tiêu biểu nhất của hoạt động Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng do Bảo tàng Hội An phối hợp với ngành Giáo dục địa phương tổ chức thường xuyên cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS và các nhóm trẻ theo độ tuổi từ 5-16 tuổi từ nhiều năm qua.

Có những thời điểm để thích ứng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Hội An đã linh động thay thế hoạt động trực tiếp này bằng phương pháp trực tuyến livestream Một giờ tham quan bảo tàng, tạo điều kiện cho công chúng ở bất cứ đâu cũng có thể chủ động tương tác, trao đổi, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa Hội An thông qua các hiện vật.

Theo bà Lê Thị Tuấn, năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trưng bày – giáo dục, tuyên truyền – phát huy tại hệ thống các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Văn hóa dân gian. Tổ chức hoạt động giáo dục di sản qua chương trình Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng; Triển khai nhân rộng tài liệu Giáo dục di sản trong học đường cho khối THCS; Truyền thông về di sản trên qua các kênh Facebook, website; Xây dựng phương án tổ chức tour trải nghiệm tại các bảo tàng, di tích… 

Theo VĂN HÓA

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm