Để gió cuốn đi: Người gìn giữ ‘căn nhà di sản’

Huyền Linh 116 lượt xem 29 Tháng Ba, 2024

23 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1.4.2001 – 1.4.2024), hình bóng cũng như những di sản của ông vẫn sống mãi trong lòng người ái mộ. Xin mượn lời bài hát Để gió cuốn đi để nói về những tấm lòng giản dị hướng về cố nhạc sĩ.

Căn nhà xưa nơi nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn từng sinh sống với gia đình được một người đàn ông lãng tử bài trí thành một quán cà phê nhỏ với tên Gác Trịnh. Nhiều năm qua, Gác Trịnh trở thành chốn đi về của những nghệ sĩ, những người yêu mến ông.

1 20
Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm kể về bức tường gạch thô mộc – nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các bạn thân từng ngồi đối ẩm
Hoàng Sơn

“Căn nhà của những gã lang thang”

Mùa này, hàng cây trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đang trút lá. Lá rơi đầy hành lang chung cư số 19 và cả trước căn hộ số 203, nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sinh sống vào thập niên 60 – 70 thế kỷ trước, tạo nên khung cảnh lãng mạn… Đón tôi trong căn nhà phủ màu xanh nhẹ nhàng ấy là nhà thơ Lê Huỳnh Lâm (57 tuổi), một người vì mến mộ âm nhạc Trịnh mà hết lòng chăm chút căn nhà.

2 16
Bạn trẻ nhiều nơi trên cả nước đến tham quan, tìm hiểu Gác Trịnh
Hoàng Sơn

“Tôi cố gắng gìn giữ nguyên bản căn nhà ở thời điểm mà nhạc sĩ từng sống. Để những người thân quen như bạn bè của ông hay cả những vị khách xa lạ, những bạn trẻ… khi đứng giữa không gian nhỏ này có thể cảm nhận hay hình dung được hoàn cảnh ra đời của những bản tình ca bất hủ”, ông Lâm nói. Ông Lâm không phải là người sở hữu căn nhà này mà chủ nhân của nó chính là vợ chồng cố nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Trước năm 1975, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng lui tới để dạy học cho các em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau khi gia đình nhạc sĩ vào nam sinh sống, nhà văn đã sở hữu căn nhà.

3 8
Bộ bàn ghế nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngồi suy tư để viết nên những tình ca đầu tiên của sự nghiệp sáng tác
Hoàng Sơn

“Ai đã từng đọc bài viết Căn nhà của những gã lang thang của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ biết rằng, căn nhà này chính là nơi gắn bó của những người bạn thân là nhà thơ Ngô Kha, họa sĩ Đinh Cường, Trịnh và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… Thuở trai trẻ, cả nhóm thường tụ tập dưới cây long não trước chung cư rồi từ đó cả nhóm tản bộ, ngắm phố khuya. Những buổi dạo phố ấy, những gã lang thang lại sôi nổi thảo luận các vấn đề nhân tình thế thái. Để rồi triết lý sáng tác đã đi vào văn chương, âm nhạc… của họ đầy chất nhân văn, khai phóng”, ông Lâm kể.

4 9
“Bảo tàng kỷ vật” Gác Trịnh với không gian thanh nhã Hoàng Sơn

Bởi căn nhà đậm tính di sản nên khi thấy cảnh vắng lạnh, ông Lâm đã rất xót xa. Năm 2013, ông ngỏ lời thuê lại với ý định biến căn nhà thành một nơi lưu niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và ông rất vui mừng khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ “cho thuê với giá rất… nghệ sĩ”.

Bán tranh lấy tiền sửa nhà

Nói về mình, ông Lê Huỳnh Lâm kể bản thân là một người yêu nhạc Trịnh, được học guitar cổ điển bài bản. Năm lớp 6, lần đầu tiên đánh bản Đời gọi em biết bao lần (nhạc phim Tội lỗi cuối cùng), ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi về độ cảm nhạc Trịnh. Tìm hiểu âm nhạc của Trịnh, ông say mê bởi tính triết lý, sự suy tư về thân phận, tình yêu cũng như cái chết… nên con đường nghệ thuật mở ra với ông hết sức tự nhiên. Là một thầy giáo dạy toán chuyển sang lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng đồng thời ông Lâm vẫn viết văn, làm thơ và vẽ tranh, trong đó không ít tranh về cố nhạc sĩ họ Trịnh.

5 8
Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm giới thiệu những kỷ vật, hình ảnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trưng bày trong Gác Trịnh
Hoàng Sơn

“Sau khi được nhà thơ Mỹ Dạ cho thuê lại căn nhà, nhiều nghệ sĩ lớn cũng như người ái mộ Trịnh đã tìm về Gác Trịnh để tổ chức các hoạt động tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tháng 11.2013, triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường và Phan Ngọc Minh diễn ra đã làm cho cuộc mở cửa Gác Trịnh thêm phần ấm áp”, ông Lâm nhớ lại và cho biết thêm: “Hồi đầu, nhiều người góp ý nên đặt tên này, tên kia nhưng tôi thấy Gác Trịnh là từ có nội hàm mạnh, gần gũi với lời hát “một hôm bước chân về gác nhỏ” (Đêm thấy ta là thác đổ). Từ “gác” với người dân Huế mà nói cũng bình dị và gần gũi qua những trận lụt…”.

Từ khi mở cửa, Gác Trịnh dần đi về với “bản gốc” qua những lời góp ý của những người bạn thân của Trịnh. Họa sĩ Đinh Cường từng nhiều lần ghé căn nhà đã chỉ cho ông Lâm sơn lại màu xanh. Bức tường phía sau căn nhà từng là nơi ngồi đối ẩm của nhóm bạn thân được bóc đi lớp vữa, để lộ những viên gạch thô mộc… Căn gác phía cuối căn nhà từng là nơi nghỉ ngơi, sáng tác của cố nhạc sĩ được bài trí thanh nhã với bộ bàn, ghế cũ hướng ra cửa sổ, đặt trên đó là chiếc kính mắt tròn mà Trịnh từng đeo.

Và đúng như mong mỏi của nhà thơ Lê Huỳnh Lâm, Gác Trịnh trở thành địa chỉ lưu niệm và lui tới của nhiều nghệ sĩ, nhiều người ái mộ. Bạn bè của ông góp nhiều tư liệu, hình ảnh quý để trưng bày. Ca sĩ Khánh Ly ký lên ảnh và trao tặng; bà Dao Ánh gửi tặng bức thư mà Trịnh Công Sơn từng gửi cho bà; nghệ sĩ violin Trương Văn Thanh gửi tặng nhiều tập nhạc có bút tích của nhạc sĩ; họa sĩ Nguyễn Đại Giang từ Mỹ ghé thăm đã vẽ chân dung Trịnh để tặng lại; nhiều bài báo được sưu tập khi ông qua đời…

Gác Trịnh ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người trẻ, nhất là từ sau bộ phim Em và Trịnh có nhiều cảnh quay tại chính căn nhà này. Người già thì đến để hoài niệm… Xúc động nhất là có lần khi ngoài trời đang mưa, nước dột tứ tung nhưng người ta vẫn đến Gác Trịnh để hát và nghe những ca khúc của Trịnh. Tiếng mưa dội xuống những chiếc xô tạo nên thứ âm thanh ấn tượng như mưa trong các ca khúc của ông vậy.

“Theo thời gian, căn nhà có phần xuống cấp. May mắn, có nhà sưu tập đã chọn bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn với chủ đề Thấu thị, nên tôi có tiền sửa chữa, lợp lại căn nhà dù nó không phải của tôi. Tôi xem đó là một phần đóng góp để bảo vệ di sản của cố nhạc sĩ. Tôi mong rằng Gác Trịnh sẽ được nhiều người quan tâm hơn nữa để góp phần bảo vệ không gian ấm áp nơi Trịnh từng sống, sáng tác…”, ông Lâm chia sẻ. 

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm