Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại khu vực Tây Nguyên – vựa cà phê lớn nhất cả nước, dư nợ cho vay cà phê đã tăng 7,06% so với cuối năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực khi cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu “tỷ đô” của nước ta.
Mặt hàng thời vụ nhưng khó vay vì tài sản thế chấp
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang tăng liên tiếp, dự kiến giá trị xuất khẩu sẽ đạt hơn 4,2 tỷ USD trong năm 2023. 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng nhưng lại tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tại khu vực Tây Nguyên, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư với dư nợ đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 (tăng trưởng của toàn quốc là 4,37%), chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực. Đáng chú ý, tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng tốt, 2/3 mặt hàng thế mạnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (cà phê và cao su), trong đó, dư nợ cho vay cà phê đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,4%).
Tuy vậy, chia sẻ về khó khăn liên quan đến vốn của mặt hàng cà phê xuất khẩu, bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp cho hay, doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân, đảm bảo sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ, điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Bà Lan Anh nêu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay. Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản như vậy đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.
Cũng về vấn đề này, ông Tạ Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Quang Triệu (Đắk Nông) cho biết, hiện các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn về nguồn vốn vì giá cà phê tăng cao đột biến trong khi doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp.
Doanh nghiệp phải minh bạch tài chính, tái cơ cấu sản xuất
Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê nhấn mạnh, ngân hàng cần có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê hoặc cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng, chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa)
Ngoài ra, ông Tạ Quang Phú cũng đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp và chủ động về vốn; xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp, uy tín người mua và bảo hiểm tiền phải thu. Đại diện Công ty Cà phê Đăk Uy kiến nghị NHNN đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất với chương trình tái canh cà phê, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp, mang lại năng suất ổn định và bảo đảm nguồn vốn trả nợ ngân hàng.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay không phải do tiếp cận vốn mà do nhiều yếu tố khác như: chi phí vật tư đầu vào tăng cao, đơn hàng sút giảm, tồn kho lớn, máy móc công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý điều hành chưa cải thiện…
Bà Hà Thu Giang nhìn nhận, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp – ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới; sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó là nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất – thu mua – chế biến – xuất khẩu các mặt hàng nông sản; tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông. Hơn nữa, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công – tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.
Vì thế, vấn đề này cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Hơn nữa, theo đại diện các ngân hàng, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, doanh nghiệp cà phê cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính; cùng với đó là phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số…
Theo Haiquanonline