Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

Huyền Linh 144 lượt xem 9 Tháng Mười Một, 2024

Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất.

Thờ vua Lê, chúa Nguyễn…

Địa bạ Minh Mạng năm 1836 ghi Bình Phú là một thôn cổ hình thành từ hai xứ Nam Đăng và Bắc Bình. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Nam Đăng và Bắc Bình không phải là hai ấp mà có thể là hai cơ đồn điền được lập từ thời Nguyễn Cư Trinh đưa dân miền ngoài vào khai hoang lập dinh Long Hồ ở Cái Bè. Từ đó có thể phỏng định thôn Bình Phú được lập vào khoảng sau năm Nhâm Tý (1732).

1 7
Đình Bình Phú
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Chưa thấy tài liệu nói Bình Phú chia hai xứ Nam Đăng, Bắc Bình thành 11 ấp như hiện nay vào năm nào. Nhưng điều đặc biệt là thôn Bình Phú (nay là TT.Bình Phú) từ năm 1836 đến nay không bị thay đổi hay xáo trộn như nhiều làng khác. Vị trí của ngôi đình dù qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo cũng chưa xê dịch.

Việc xác định niên đại ngôi đình một phần nhờ vào nội dung bài văn tế còn lưu giữ và được xướng lên trong các lần cúng lễ Kỳ yên. Ông Dương Tấn Nghĩa, Trưởng ban Khánh tiết đình, cho biết bài văn được sao chép rất nhiều lần, nhưng qua nhiều đời người ta chỉ thay đổi phần “lòng văn” – tức phần chúc tụng, còn đối tượng thờ cúng vẫn giữ nguyên bản.

Căn cứ nội dung, bài văn tế thể hiện cơ cấu tín ngưỡng khá phong phú. Trong đó có thờ cúng các vua Lê: gồm Thái Tổ Huy Vọng Cao hoàng đế (tức vua Lê Thái Tổ), Thái Tông Nghiêm Chánh Văn hoàng đế (vua Lê Thái Tông) và Thánh Tông Nghiêm Thuần Võ hoàng đế (vua Lê Thánh Tông).

Đặc biệt là tục thờ vọng các vị chúa Nguyễn với các danh hiệu như: Liệt tổ Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cần Nghĩa Đạt Lý Chiêu Ứng Hiển Hựu Gia Dũ đại vương – chúa Nguyễn Hoàng. Tuyên tổ Hiển mô Cung minh Dực Thiện Tuy Du Hiếu Văn vương – chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sơ tổ Tuyên Uy Kiến Võ Anh Minh Nghiêm trực Thánh Đức Công Thần Hiếu Triết vương – chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Thủy tổ Thừa Cơ Toản Thống Khâm Minh Hùng Nghị Uy Vũ Triết Võ Hiếu Chiêu vương – chúa Nguyễn Phúc Lan. Tiên tổ Nguyễn Phúc Thái, Cao tổ chúa Nguyễn Phúc Chu, Tằng tổ Nguyễn Phúc Chú và Nội tổ chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức ông nội vua Gia Long…

2 8
Gian chánh điện

Tổng cộng có 9 vị chúa và 2 người bác của vua Gia Long được ghi tước vương trong bài văn tế. Theo ông Trương Ngọc Tường, việc thờ vọng ghi tước vương trong bài văn tế chứng tỏ ngôi đình đã có từ trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) rất lâu.

…và các vị phúc thần

Vị phúc thần thờ ở đình được chép trong bài văn tế là “Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi vận tướng quân”. Theo tài liệu lịch sử, vị thần này là Nguyễn Phục, thầy dạy học của hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông), từng đảm nhiệm chức Đô chỉ huy sứ. Bên cạnh Đại càn Tứ vị Thánh nương vương thì đây là vị phúc thần ủng hộ di dân vào Nam bằng đường biển được thờ cúng tại một số đình ở vùng Tiền Giang.

Ngoài ra, những vị công thần được phối tự ở đình Bình Phú hầu hết liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng người có công giúp dân khai hoang lập làng, như: Chưởng Bắc Phủ, Bảo Trấn Bùi Quận công tôn thần. Đây là vị công thần đời Lê Anh Tông có tên là Bùi Tá Hán (1446 – 1568), người Nghệ An. Ông được vua Lê phong Bắc Quân Đô đốc Phủ Chưởng, Phủ sự Trấn Quận công và được cử vào xứ Quảng. Ông có công lớn trong việc giúp dân khai phá vùng Thuận Hóa – Quảng Nam, tạo cơ sở cho chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Khi ông mất được phong tặng là Thái Bảo, sau đó được di dân đem danh hiệu vào thờ.

Hay như Lương Khê Hầu Quý Phủ tôn thần, tức Quận công Lương Văn Chánh. Ông là người vùng ngoài theo chúa Nguyễn Hoàng vào Phú Yên, Tuy Hòa giúp dân khai phá và giữ đất. Khoảng năm Mậu Dần (1578), khi ông mất được truy tặng Phụ quốc tướng quân, Thiên Vũ Vệ đô chỉ huy sứ, Phò Nghĩa hầu.

Tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn khai hoang được đưa vào thờ cúng ở đình rất phong phú. Khi cúng đình đều được mời về “đồng lai phối hưởng”, gồm Cao Các Quảng độ đại vương (tức thần núi Tản viên hay Sơn Tinh), Đông Nam sát hải (thần Rái Cá), Bạch Mã thái giám, Hà Bá thủy quan, Sơn Lâm chúa xứ (thần cọp), Mục đồng tôn thần (thần Chăn trâu), Mộc trụ tôn thần (Thần cây cổ thụ)…

3 8
Bức hoành phi rất xưa còn giữ được

Bình Phú là một trong những ngôi đình trong vùng còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong nhất. Ở đây còn giữ được 6 đạo sắc phong gồm 3 đạo sắc thần Thành hoàng và 3 đạo sắc Đại càn Tứ vị Thánh nương vương được phong vào các năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), năm Tự Đức thứ ba (1850) và năm 1853. Theo tục lệ, sắc thần được giao cho ông chánh bái phụng sắc, hiện nay được lưu giữ tại đình. Hằng năm ban khánh tiết đình đều làm lễ mở hộp đựng sắc kiểm tra cẩn thận theo tục “phơi sắc” ngày xưa.

Ông Dương Tấn Nghĩa cho biết thời chiến tranh ngôi đình không bị hư hại nhiều, chỉ một lần bị quả đạn cối 60 ly rơi trúng bàn thờ thần nhưng không nổ. Sau năm 1975, có thời gian đình được trưng dụng làm nơi chứa vật tư hợp tác xã nông nghiệp nhưng không ai dám quấy phá vì “ông thần linh lắm”. Hiện vật xưa nhất của đình là tấm hoành “Bình Phú đình” được tạo tác đầu đời vua Thiệu Trị, các cặp liễn đối chạm hoa văn ở chánh điện, dàn lỗ bộ và bộ “y quan trủng” trên khánh thờ thần.

Đình Bình Phú được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2016. Ông Nghĩa nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ thuê thợ khắc đá làm các bài vị ghi danh hiệu các vua Lê và chúa Nguyễn đặt ở bàn thờ hội đồng để cho người dân biết”. (còn tiếp)

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    10

    Hội tụ tinh hoa nghề thủ công Việt tại di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám

    Ngày 2/1, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã khai mạc chương trình “Quà tặng của nhân gian”. Chương trình giới thiệu những làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, với sự tham gia của những nghệ nhân...
    4

    Phù điêu Kala ở Núi Bà, Phú Yên được công nhận bảo vật quốc gia

    Bức phù điêu Kala được tìm thấy tại Núi Bà (H.Tây Hòa, Phú Yên) vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Tối 2.1, ông Nguyễn Lê Vũ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho biết bức phù điêu Kala được phát hiện tại Núi Bà (Phú Yên) vừa...
    1 14

    Nguyên nhân từ những cuộc thanh trừng khốc liệt

    Đầu năm 1832, Lê Văn Duyệt xin nghỉ hưu, đề xuất bãi bỏ Gia Định thành, nhưng vua chưa đồng ý. Tháng 8.1832, khi nghe tin ông qua đời, vua Minh Mạng lập tức sai giải tán binh lực dưới quyền Tả quân. Hai tháng sau là những cuộc tấn công khốc liệt vào người...
    1 13

    Chương trình vui chơi giải trí Tết dương lịch 2025

    Hà Nội Sự kiện Lễ hội âm nhạc chào năm mới (Countdown) được tổ chức vào tối 31.12 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và quảng trường Cách Mạng Tháng Tám để đón Tết dương lịch 2025. Sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương của TP, trong không...
    10

    Đặc sắc lễ Mừng lúa mới của người K’Ho

    Trong lễ Mừng lúa mới (Nhô lir bong) truyền thống của người K’Ho, các chàng trai, cô gái của buôn làng cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu, chóe rượu cần, mừng cho một mùa màng bội thu. Ngày 15.12, UBND H.Di Linh (Lâm Đồng) đã tổ chức phục dựng lễ Mừng lúa mới tại làng truyền thống...

Được quan tâm