Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

Huyền Linh 43 lượt xem 6 Tháng Mười Một, 2024

Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản.

Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng kháng Pháp trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bãi Thưa (1867 – 1873), do Quản Cơ Trần Văn Thành lãnh đạo.

Khai hoang lập ruộng

Quản Cơ Trần Văn Thành (1823 – 1873) người thôn Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, An Giang (nay thuộc H.Phú Tân, An Giang). Ông xuất thân từ gia đình nông dân, có sức mạnh và thông suốt binh thư đồ trận. Năm 19 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới. Nhờ lập nhiều công trạng nên ông nhanh chóng được thăng Suất Đội rồi Phó Quản Cơ.

1 4
Mái đền lợp ngói ống, trên nóc xây một cổ lâu gắn tượng lưỡng long tranh châu
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Năm 1849, tại Tòng Sơn (An Giang) xảy ra dịch bệnh. Ông Đoàn Văn Huyên (hay còn gọi là Đoàn Minh Huyên, 1807 – 1856) truyền rao một tôn giáo mới dựa vào thuyết “Di Lặc cứu thế”, dùng bùa chú trị bệnh. Triều đình sợ ông tụ tập đông người âm mưu tạo phản nên bắt buộc ông phải vào chùa Tây An (Châu Đốc) để chịu sự giám sát. Ở chùa, ông tiếp tục làm phước cứu người, lại dùng phương thuật trị bệnh khiến nhiều người mến phục, quy y theo đạo, gọi ông là Đức Phật Thầy. Sợ triều đình quở trách, hòa thượng Hải Tịnh phải để ông rời chùa đi “khai hoang lập trại ruộng” ở núi Két.

Theo Đại Nam thực lục, vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), dọc theo kinh Vĩnh Tế, nhóm đệ tử của thầy Đoàn Minh Huyên khai thác 2 sở ruộng gồm Sở Ruộng Ngoài và Sở Ruộng Trong. Sở Ruộng Trong do Phó Quản Cơ Trần Văn Thành chỉ huy đệ tử canh tác, rồi lập làng Hưng Thới thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Bấy giờ, Phó Quản Cơ Thành đã quy y làm đệ tử Phật Thầy, nên đến khoảng năm 1854 được thầy ủy nhiệm liên lạc với chính quyền, xin khai khẩn vùng Bảy Thưa, Láng Linh, Láng Cò, cách 2 sở ruộng cũ khá xa.

2 5
Gian thờ ở chánh điện
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Từ số ruộng khai khẩn ở Láng Linh, Bãi Thưa, nhóm Trần Văn Thành và đồng đạo đã lập thôn Vĩnh Hanh thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên. Tại đây ông có lập một cái trại vừa thờ Phật, vừa có chỗ để nghỉ ngơi tịnh dưỡng, gọi là chùa Lá hay Bửu Hương Các. Trại ruộng về sau mở rộng làm căn cứ khởi nghĩa, gọi là đại đồn Bãi Thưa. Ở khu vực Ngã Bát – Cái Dầu, nhóm ông Thành đã lập thôn Thạnh Mỹ Tây (nay là xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú).

Đền thờ nhiều lần bị đốt

Trong lúc việc khai khẩn còn dang dở thì cuộc khởi nghĩa thất bại. Về sau, bà Quản Cơ và cậu hai Trần Văn Nhu (còn gọi là ông Hai Nhà Láng) tiếp tục sự nghiệp và cất chùa Láng, tức Bửu Hương tự vào năm 1901. Bấy giờ, người dân quanh Bãi Thưa đều là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, một số là hậu duệ của Đức Quản Cơ, vì vậy Bửu Hương tự được xem là ngôi chùa kế thừa Bửu Hương Các.

3 5
ượng đài Quản Cơ Trần Văn Thành tại một công viên ở thị trấn Cái Dầu, H.Châu Phú, An Giang
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Tháng 2.1913, ông Trần Văn Nhu tổ chức lễ giỗ Quản Cơ và nghĩa binh Gia Nghị, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và con cháu nghĩa binh tham dự rất đông. Thực dân Pháp cho lính đến vây bắt và đốt chùa. Chúng lập tòa tiểu hình tại Châu Đốc, kết án 7 người đày ra Côn Đảo, trong đó có ông Nguyễn Văn Nhậm chết ở Côn Đảo, số còn lại trở về tiếp tục tu hành, hiện tại đền thờ có lập tấm bia ghi lại sự kiện này. Năm 1938, một tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đứng ra cất lại đền thờ trên nền cũ. Nhưng đến năm 1947, đền thờ bị Pháp đốt lần nữa, chỉ còn lại 4 cây cột của gian chánh điện. Năm 1952 người dân trong vùng góp tiền xây dựng lại với quy mô tương tự như ngày nay.

Ông Lê Minh Hiển, trưởng ban quý tế đền thờ, cho biết khuôn viên di tích này rộng gần 4 ha. Hồi xưa, mùa nước nổi năm nào cũng ngập, cơn lũ năm 2000 ngập sâu gần 2 m. Nhưng sau mấy lần trùng tu, tình trạng ngập úng không còn. Bãi Thưa được giải thích là bãi cây cát thưa, loại cây gỗ thân to chịu nước trổ bông vào dịp tết, ra trái bay theo gió phát tán mọc trên các bãi đất thành rừng. Hiện còn sót một vài cây ở hồ sen trước sân chùa. Theo mô tả của ông Nguyễn Văn Hầu trong quyển Đức Cố Quản hay Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa in năm 1956, ngày xưa ở đây có 6 cây thưa rất to, tàng như cái lọng, nghĩa quân lạc đường cứ ngó theo hướng ngọn cây mà về căn cứ. Vì vậy nên vùng này còn có tên là Sáu Lọng – Bãi Thưa.

Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành hiện được xây theo lối kiến trúc nửa cổ kính, nửa hiện đại, gồm có chánh điện, hậu tổ, đông lang, tây lang và các công trình phụ như nhà hậu, nhà bếp, nhà khách. Mái đền lợp ngói ống, trên nóc xây một cổ lâu gắn tượng lưỡng long tranh châu trên đỉnh. Một tấm hoành lớn đặt giữa cổ lâu ghi Bửu Hương tự bằng chữ Hán, hai bên có hai bức tranh màu nước. Mặt tiền đền thờ xây theo kiểu cửa vòm, ở trên cửa chính có tấm hoành Quốc Thái Dân An.

Bên trong ngôi đền có nhiều bao lam, câu đối sơn son thếp vàng và bố trí hàng chục bàn thờ cùng bài vị. Hương án thờ Phật Thầy Tây An đặt ở chánh điện. Ở đây có cái khánh nhỏ chạm trổ, sơn son thếp vàng ghi 4 chữ Hán “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Hai bên là bàn thờ ông Trần Văn Chái, con trai thứ tư của Quản Cơ, ông Đội nhất Năng, Đội nhất Cảm, Đội nhì Nhiều… Vách hậu thờ ông Trần Văn Nhu, Đề đốc Văn, Đề đốc Nguyễn Kế Trung… Gian hậu tổ là bàn thờ ông bà Quản Cơ Trần Văn Thành, hai bên thờ các ông Đội Sang, ông Phạm Văn Khuê và những nghĩa sĩ đã theo Đức Quản Cơ chống giặc. (còn tiếp)

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm