Dấu ấn Vũ Khoan

Huyền Linh 127 lượt xem 22 Tháng Tư, 2024

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, một nhà ngoại giao tài ba, một nhà báo lớn…Gần một năm sau ngày ông đi xa, nhà báo Hồ Quang Lợi- Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- có bài viết về ông. Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Trong tay tôi là cuốn sách “Vũ Khoan – Tâm tình gửi lại”. Ngắm nhìn gương mặt ông trong bức ảnh chân dung rất có hồn, in tràn cả bìa sách, tôi cảm thấy như ông đang tâm tình với chúng ta, vừa như một chính khách uyên bác, minh triết, vừa như một người anh gần gũi, trìu mến, lại vừa như một người bạn ấm áp, thân tình. Gương mặt ông còn đượm nỗi suy tư nhưng cũng đầy sự sẻ chia, cảm thông và thương mến.

Cuốn sách này do một nhóm biên soạn gồm những người cộng sự cấp dưới của ông, vì lòng ngưỡng mộ và yêu quý người lãnh đạo, người thầy, người anh Vũ Khoan, được sự đồng ý của bà Hồ Thể Lan, người vợ hiền của ông mà sưu tập, chọn lọc một số bài viết của ông và những bài viết về ông.  

Đành rằng cuốn sách này chỉ phản ảnh được một phần về cuộc đời và sự nghiệp của ông Vũ Khoan nhưng cũng đã ngời sáng lên chân dung một nhà ngoại giao tài ba, một nhân cách lớn.

7 6

Trong cuộc đời làm báo 44 năm của mình, tôi có khoảng ngót 30 năm viết  bình luận về đời sống quốc tế và các vấn đề đối ngoại của Việt Nam. Chính vì thế, tôi khá thường xuyên được tiếp xúc, gặp gỡ, phỏng vấn ông Vũ Khoan. Với cương vị là Thứ trưởng Bộ ngoại giao (1990 – 1998), Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao (1998 – 2000), Bộ trưởng Bộ Thương mại (2000 – 2002), Phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại (2002 – 2006), Bí thư Trung ương Đảng (2001-2006), ông Vũ Khoan đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng chính sách và trực tiếp triển khai quá trình phá bỏ, bao vây, cấm vận, đặc biệt trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước ta.

Ông Vũ Khoan cũng là người trực tiếp chỉ đạo và tham gia đàm phán quá trình hội nhập của nước ta với các nước trong khu vực, mở rộng quan hệ quốc tế với các đối tác quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam. Có thể nói, Vũ Khoan là một trong những “kiến trúc sư” về chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam mấy chục năm qua, nhất là những năm đầy giông bão thế cuộc ở tầm mức khu vực và cả trên bình diện toàn cầu mà Việt Nam luôn là một “điểm nút” nhạy cảm, chịu áp lực lớn.

Theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Vũ Khoan là người tham gia vào quá trình ra quyết định và trực tiếp thực hiện một cách xuất sắc những quốc sách lớn trong các hoạt động quốc tế quan trọng của Việt Nam nhiều thập kỷ qua.

Tôi nhớ, trong một cuộc gặp gỡ báo chí hồi ông Vũ Khoan làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, gặp tôi, ông thân mật bắt tay rồi nói: “Tôi vẫn đọc đều các bài bình luận của các anh. Các cây bút báo Quân đội nhân dân viết sắc và chắc tay. Viết bình luận quốc tế bây giờ “hóc” lắm. Thì cứ cố gắng vậy”. Đó là thời kỳ đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn trong thế bị bao vây, cấm vận, mặt trận đối ngoại luôn nóng bỏng với vấn đề Campuchia, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, người di tản bằng thuyền mà phương Tây gọi là “người thuyền”…

Những năm tháng đó, trên báo Quân đội nhân dân xuất hiện thường xuyên các bài bình luận về các vấn đề nóng nói trên. Ở khúc quanh lịch sử khắc nghiệt với những biến động dữ dội đến mức đảo lộn, công việc viết bình luận trở nên rất nhạy cảm và đầy thách đố. Hàng trăm bài bình luận về sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, chiến tranh Vùng Vịnh, cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ châu Á, cuộc chiến tranh Nam Tư, sự kiện 11-9, cuộc chiến tranh Apganistan, quan hệ Việt – Mỹ…đều đã ra đời trong hoàn cảnh khẩn trương và khó khăn như vậy.

Sau khi báo đăng các bài bình luận đó, chúng tôi đều ngóng xem phản hồi của dư luận và ý kiến của các cấp lãnh đạo như thế nào, không khỏi có những lúc khá hồi hộp và căng thẳng. Vì thế, ý kiến của Thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan như trên là một sự động viên, khích lệ rất có ý nghĩa đối với các cây bút bình luận ở báo Quân đội nhân dân, riêng đối với bản thân tôi, điều này như một sự “ bảo chứng” cho tinh thần “dám nghĩ, dám viết” trước những vấn đề khó. 

Vũ Khoan là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước luôn coi báo chí là một vũ khí đặc biệt, có hiệu quả to lớn. Ông là người bạn lớn của giới báo chí, đồng thời là một nhà báo lớn. Ông viết nhiều và viết hay.  

8 5

Năm ngoái, cả giới báo chí và công chúng bàng hoàng, thương tiếc khi được tin ông qua đời vào ngày 21-6-2023, đúng ngày kỷ niệm 98 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tôi nhớ lại, cách đây 19 năm, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, vào đêm 20-6-1995, tại Washington, trước ngày diễn ra cuộc hội đàm rất quan trọng giữa Thủ tướng ta với Tổng thống Mỹ, người đứng đầu Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chủ trì một cuộc gặp mặt chúc mừng giới báo chí và trực tiếp 25 nhà báo tham gia chuyến đi lịch sử đó. Dường như đó là lần đầu tiên có một cuộc gặp mặt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài nhân một chuyến thăm cấp cao.

Tại cuộc gặp đó, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành những lời phát biểu chân tình, ấm áp thể hiện tình cảm trân trọng, quý mến các nhà báo, thấu hiểu công việc của các nhà báo khi ông nêu lên những khó khăn, thách thúc của báo chí trong những hoàn cảnh mới. Chúng tôi ai nấy đều xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ. Anh Dương Trung Quốc, Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay lấy tờ giấy mời được in rất trang trọng đề nghị tất cả mọi người tham dự cuộc gặp cùng ký tên để lưu giữ lại một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên trên đất Mỹ.

Chuyến thăm đó của Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra trong bối cảnh ở Mỹ vẫn còn một bộ phận người Mỹ gốc Việt do vẫn chưa thoát khỏi những nhận thức sai lầm, chưa cất bỏ được tâm lý thù hận lỗi thời nên đã tổ chức các hoạt động chống phá rất dữ. Trước cửa khách sạn nơi đoàn ta ở, họ kéo đến hò hét huyên náo.

Sáng 21-6- 1995, khi xe chở các nhà báo Việt Nam tới cổng Nhà Trắng thì chúng tôi đã nhìn thấy một đám người giương cờ của chế độ Sài Gòn cũ, căng biểu ngữ la hét inh ỏi. Cảnh sát Mỹ ngăn cản đám người này tiến gần chúng tôi. Sau khi dự cuộc họp báo của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống G. Bush ở Phòng Bầu dục, chúng tôi vừa ra cổng, bước lên xe thì mấy kẻ quá khích táo tợn xông đến, nhảy lên xe nhổ nước bọt rồi chửi bới, lăng mạ rất lỗ mãng.

Thương cảm nhất là trong số 25 nhà báo Việt Nam tham gia chuyến đi đó, có hai nhà báo lão thành là Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam và Phạm Khắc Lãm, Tổng biên tập Tạp chí Việt Mỹ, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao nhưng cũng phải gắng sức chạy lên xe lúc đám người hung hãn đó xô đến. (Hai nhà báo lão thành đáng kính này mới qua đời thời gian gần đây trong niềm tiếc thương của đồng nghiệp cả nước). Cảnh sát Mỹ lập tức ập tới can thiệp.

Hôm đó, sau khi nhận được tin các nhà báo Việt Nam bị tấn công ngay trước cổng Nhà Trắng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ, động viên các nhà báo và cung cấp thêm cho chúng tôi những thông tin về cộng đồng người Việt ở Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng những người chống đối bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ chỉ là một bộ phận nhỏ, chủ yếu là sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ, hoặc chưa hết đau nhức vì những năm tháng trong quá khứ, hoặc chưa đủ thông tin về tình hình đất nước Việt Nam, về quan hệ Việt Mỹ, còn đa số bà con Việt Kiều đều hướng về Tổ quốc, đang rất phấn khởi về những bước tiến có tính đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ. Sáng hôm sau, nhân lúc ăn sáng, tôi trình Phó Thủ tướng Vũ Khoan bài phỏng vấn về kết quả chuyến thăm Mỹ trước khi gửi về toà soạn báo Quân đội nhân dân. Phó Thủ tướng vừa uống cà phê vừa xem, loáng cái đã xong, đưa lại cho tôi và nói rất ngắn gọn: “Được rồi”.

Cách đây vài tháng, tình cờ khi soạn lại các tập tài liệu, tôi nhìn thấy bản thảo viết tay bài phỏng vấn trong chuyến đi lịch sử đó. Đã 19 năm rồi mà tôi có cảm giác như vừa viết xong tối qua. Mấy hôm sau, nhân có cuộc gặp anh Vũ Hồ, con trai của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trước khi anh đi nhận nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hàn Quốc, tôi mang bản thảo bài phỏng vấn đó cho anh xem.

Nhìn thấy bản thảo cuộc phỏng vấn cha mình từ gần 20 năm trước, anh Vũ Hồ rất xúc động. Tôi cũng muốn nói thêm, phu nhân của Phó Thủ tướng Vũ Khoan là bác Hồ Thể Lan, một nhà ngoại giao kỳ cựu, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao mà tôi có dịp gặp gỡ và làm việc trong nhiều năm. Tôi cũng rất kính nể phong cách làm việc kỹ lưỡng, chắc chắn, tận tình, chu đáo của bác Hồ Thể Lan. Đời tiếp đời, đó là một gia đình có truyền thống ngoại giao rất đáng tự hào.  

Cả một đời làm ngoại giao, là nhà nghiên cứu chiến lược, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại nhưng ông Vũ Khoan thực sự là một nhà báo chuyên nghiệp, từ số lượng và chất lượng các bài viết cũng như tác phong làm báo. Ông là cộng tác viên đặc biệt của báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân và nhiều tờ báo khác. Báo nào cũng mong được đăng các bài viết của ông, nhất là đối với các số báo kỷ niệm, các số báo Tết.

Một đồng nghiệp của tôi ở báo Nhân dân chia sẻ rằng ông Vũ Khoan luôn trách nhiệm, thận trọng với từng câu chữ. Viết rồi, gửi rồi nhưng chưa hẳn đã xong, ông vẫn theo dõi tiếp, bám sát diễn biến của tình hình. Không ít lần, tác giả Vũ Khoan đã có những điều chỉnh quan trọng vào giờ chót, nhanh hơn cả cánh phóng viên thời sự- chính trị.

Còn nhà báo Bảo Trung, báo Quân đội nhân dân thì bày tỏ rằng được phỏng vấn bác Vũ Khoan bao giờ lòng cũng đầy hứng khởi. Hứng khởi bởi một trí tuệ uyên bác nhưng luôn hóm hỉnh với thực tiễn cuộc sống, hứng khởi bởi một con người của một thế hệ tuyệt đẹp, sẵn sàng lắng nghe và truyền lửa, trao trí thức cho những người trẻ.

Tác giả Vũ Khoan đã từng được trao Giải B (không có Giải A) Giải Báo chí Quốc gia năm 2011 cho tác phẩm” Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh” viết về những vụ việc ở Biển Đông trên cương vị là cộng tác viên của báo Quân đội nhân dân khi ông đã nghỉ hưu và hàng ngày vẫn “lọ mọ” với chiếc máy tính.

Ông Vũ Khoan là một tấm gương sáng về tự học, tự rèn luyện qua thực tế để không ngừng vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng lớn. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, ông Vũ Khoan đã có lần đùa vui với mọi người: “Tôi là một người thất học, vô học”. Vì thực tế đến hết cuộc đời mà ông không có bằng cấp tốt nghiệp trường lớp nào chính thức cả. Với những cơ hội hiếm có là đã từng làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, ông Vũ Khoan đã ngày đêm học hỏi những nghệ thuật giao tiếp, xử lý các tình huống của những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Những ai đã có cơ hội được làm việc, chuyện trò với ông đều lưu giữ được ấn tượng đẹp về một nhà lãnh đạo, một chính khách thông tuệ nhưng rất khiêm nhường và giản dị. Ông có biệt tài về trình bày rất đơn giản và dễ hiểu những vấn đề phức tạp. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ở ông Vũ Khoan là sự kết hợp giữa tri thức thông tuệ, tầm nhìn chiến lược, sự luận giải khúc chiết và chất Việt Nam, luôn bám sát lợi ích quốc gia dân tộc. Tư duy, tầm chiến lược, phong cách và bản lĩnh của ông đã có sức thuyết phục, góp phần tạo nên sự đồng thuận nội bộ, từ đó đưa đến những quyết sách chiến lược ở những thời điểm rất quan trọng của đất nước. Trong các câu chuyện đối ngoại, ông luôn trăn trở về lợi ích của đất nước, đâu là cái thuận, đâu là cái khó cùng với các kiến giải sắc sảo. Tất cả những tâm sự, chia sẻ này đều được các đồng nghiệp lớp sau của ông ghi lại trong cuốn sách Vũ Khoan – Tâm tình gửi lại.

Ứng xử linh hoạt để tạo hiệu ứng tốt là điều đã trở thành phong cách Vũ Khoan. Ông đã từng kể lại rằng: Trong một cuộc tiệc rất to của phía Mỹ để mừng sự kiện Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ được phê chuẩn, tôi đã mở đầu phát biểu của mình bằng câu nói của Luther King” I have a dream” (nghĩa là tôi có một giấc mơ). Tôi cũng bảo đêm qua tôi có một giấc mơ và trong giấc mơ đó tôi gặp các bạn hàng Mỹ và tôi đã giới thiệu với họ từng mặt hàng Việt Nam, rồi mời các doanh nghiệp Việt Nam đứng lên, từ đó tạo được án tượng  rất tốt…          

Ông là người truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt cho lớp trẻ. Dấu ấn sâu đậm của ông để lại trong lĩnh vực bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ là các khoá bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng đối ngoại do ông trực tiếp làm giảng viên chính, được Học viện ngoại giao tổ chức rất thành công giai đoạn  2011-2016.

Các khoá học đó được các học viên thân mật gọi là “lớp VK”. Mỗi khoá học liên tục trong 6 tuần, mỗi tuần một chuyên đề. Với lời dạy tâm huyết” kỹ năng là đòn bẩy đưa kiến thức vào cuộc sống”, ông Vũ Khoan đã trao đổi, thảo luận, đúc kết, chắt lọc từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình để chia sẻ cho các thế hệ sau về những “kỹ thuật”, “thủ thuật” tác nghiệp.

Qua cách truyền đạt của ông, những điều tưởng chừng phức tạp, vĩ mô được ông biến thành những đúc kết giản dị, dễ nhớ. Rất nhiều cán bộ có tiềm năng được tham gia lớp “VK” đã trở thành vụ trưởng, đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện tại các địa bàn trọng điểm trên thế giới. 

Chỉ không lâu sau khi ông qua đời, một nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao đã biên soạn dành tặng gia đình ông tác phẩm” Tri ân bác Vũ Khoan: Một nhân cách lớn, một cuộc đời bình dị”. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khi nhắc tới lời dặn dò của ông ”Cố gắng làm người tử tế” đã xúc động viết rằng: “Chú Vũ Khoan, một con người bằng cuộc đời trọn vẹn của mình đã giúp ta hiểu thêm thế nào là một người tử tế”.  

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm