Người dân tự hào về làng Cự Đà đến nỗi khi ra Hà Nội lập hiệu, tạo được uy tín, tất cả đều lấy tên làng ghép với tên mình. “Những nhà tư sản nổi tiếng của Hà Nội thời ấy mà có tên bắt đầu bằng chữ Cự là người ta biết ngay quê ở làng Cự Đà chúng tôi” – cụ Thân giải thích.
“Điều lạ lùng là phong cách Pháp cổ điển không hề đối lập với phong cách của những ngôi nhà truyền thống của cư dân nông nghiệp. Trái lại, nó tạo ra một kiểu kiến trúc không giống bất cứ ngôi làng nào trên đất nước Việt Nam” – cụ Vũ Văn Thân nhận xét.Đi dọc các con đường từ đình làng tỏa về các thôn, xóm và ngõ của làng, người ta vẫn nhận ra được quy hoạch “xương cá” phổ biến. Trong làng vẫn giữ được một số con đường gạch lát nghiêng, nhiều con ngõ vẫn còn cổng. Những người cao tuổi ở Cự Đà kể lại trước đây, cứ đến 21 giờ, các cổng ngõ được khóa lại. Lúc này, các đội trường tuần thay phiên nhau trực để giữ trật tự, chống nạn trộm cắp.
Nhà giáo Trịnh Cơ, một trong những hậu duệ của dòng họ Trịnh khởi lập làng Cự Đà, cho biết: “Cự Đà trước đây là đất học, đất phát. Nhiều người thành đạt, học hành giỏi giang hiếm có đã giúp Cự Đà trở thành ngôi làng địa linh nhân kiệt. Cho đến tận bây giờ, truyền thống hiếu học của con em làng Cự Đà vẫn cứ là một giá trị bất biến tồn tại dưới từng nếp nhà”.
Dân gian có câu “tương Cự Đà, cà Khúc Thủy”, ngụ ý nghề làm tương ở Cự Đà nổi tiếng trong các vùng quê, còn cà trồng ở Khúc Thủy cũng vang danh. Giờ ở Cự Đà không chỉ làm tương, mà nghề làm miến dong cũng vang danh đất Hà thành./.