Cổng làng là một loại hình kiến trúc, văn hóa rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ xưa. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành, phát triển của làng. Có thể ban đầu chỉ là những cổng sơ khai dựng bằng tre, can bằng dong có nhiều gai để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách, bắt súc vật. Dần dần do sự phát triển, các loại đá nhất là đá ong cùng với gạch, ngói, vôi vữa và các loại vật liệu khác được sử dụng trong xây dựng ở nông thôn, cổng làng cũng được xây dựng bền vững bề thế hơn, mang giá trị nghệ thuật kiến trúc.
Hà Nội xưa có rất nhiều cổng làng, đặc biệt còn có cổng phố trong khu vực “36 phố phường”; hiện trong nội thành, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất. Ở khu vực phía Tây (Hà Tây cũ) hầu như làng nào cũng có cổng làng. Có làng có tới 2, 3 ngôi cổng xây trên các con đường vào làng. Ngoài ra còn có những cổng đi từ đường làng vào ngõ xóm, gọi là cổng xóm. Song, trải qua thời gian, do chiến tranh và nhiều yếu tố khác, nhiều cổng làng xưa đã không còn.
Về kiến trúc, cổng làng là những công trình kiến trúc cổ có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa làng với tính dân gian truyền thống. Thông thường, cổng làng có bốn mảng kiến trúc, nhưng không rời rẽ mà gắn kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hòa có giá trị thẩm mỹ.
Cổng làng được xây dựng ở đầu làng, mở lối đi trên con đường chính vào làng. Do vậy phần quan trọng của cổng là vòm cổng, còn gọi là lối cổng. Vòm cổng xây cuốn, cung vòm. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, bảo đảm đi lại thuận tiện cho làng.
Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng cũng gọi là cổng trụ, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu, sát với mặt đường là chân trụ. Phía trên là thân trụ lòng thân trụ để đắp câu đối. Tiếp đến là cổ trụ. Trên cùng được xem là đầu trụ, cũng được đắp trang trí công phu liền với cổng trụ là ô hình chữ nhật đứng gọi là lồng đèn. Trên lồng đèn có nơi đắp quả dành dành, có nơi đắp con nghê hoặc các con giống khác trông rất sinh động.
Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng trang trí đắp nổi với những gờ chỉ hình con tiện hoa lá cách điệu, làm nổi bật những chữ đại tự đắp tên của làng, hoặc các chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế, quan niệm nhân sinh mang cốt cách của làng.
Phần trên cùng là mái cổng lợp ngói che chắn cho mặt cổng và che mưa nắng cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng lớn, trên cổng còn có vọng lâu có hai ba lớp mái, mỗi góc đều có đầu đao, mang dáng dấp đầu đao ở đình, chùa cổ.
Thường thì cổng làng chỉ có một cửa chính, nhưng ở nhiều nơi, liền với cửa chính còn có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn được xây dựng, trang trí hài hòa với cửa chính, tạo thành một thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa hay như những bức cửa mã ở đình làng.
Lại có những nơi cổng làng làm theo kiểu thượng gia hạ môn (trên là mái nhà dưới là cổng) như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm cổng làng Lai Xá ở Hoài Đức, cổng làng Thạch Thán ở Quốc Oai… nhà xây tường bít ốc hai đầu hồi có trụ đỡ các đầu mái và hai đầu nóc. Trên hai đầu nóc còn đắp những quả đấu. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng là một trong những cổng làng sớm trong vùng.
Cổng làng xưa được xây bằng gạch vôi vữa trộn với mật muối, lợp ngói, kết cấu rất bền chặt. Nhiều làng ở trung du, cổng làng được xây bằng đá ong là những sản phẩm truyền thống của xứ Đoài, như cổng làng Chi Quan, Văn Lôi ở Thạch Thất, cổng làng Ngô Sài ở Quốc Oai…
Cổng làng xưa rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc, văn hóa rất có giá trị.
Xưa cổng làng được xây dựng để bảo vệ trật tự trị an của làng. Do đó nhiều nơi cổng làng còn có cửa làm bằng gỗ lim kiên cố, do tuần binh đóng, mở theo giờ quy định. Có nơi hai bên cổng làng còn có lạch nước sâu như những con hào, phía trong là những lũy tre trên những bờ ao như một chiến lũy, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo thế phong thủy của làng. Gần cổng làng có những điếm nhỏ, không phải để thờ mà là chỗ nghỉ cho tuần đinh đêm hôm đi tuần bảo vệ làng. Bên cổng làng ở một số địa phương còn có những con chó đá đẽo bằng đá xanh, nhẵn bóng ngồi trên mặt đất, có cọc đá chôn sâu dưới đất, ngày đêm như canh chừng kẻ gian vào làng, được xem như một liệu pháp tinh thần phục vụ cho việc bảo vệ trị an. Nhờ vậy làng quê xưa thường được bình yên, khi có giặc cổng làng, lũy tre con hào trở thành những chiến lũy để làng chống giặc, giữ làng.
Không những thế cổng làng còn có ý nghĩa bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần, từ bao đời được tiếp nối, trở thành một gương mặt của làng. Những đại tự được ghi tạc, đắp nổi ở nhiều cổng làng đã nói lên điều đó.
Cổng làng Ước Lễ xây dựng từ thời Mạc là một trong những cổng làng vào loại sớm còn đến ngày nay. Trên cổng làng đắp nổi ba chữ “Ước Lễ môn” (cổng làng Ước Lễ). Ước Lễ không chỉ là tên làng mà còn là triết lý của Nho giáo được dân làng tiếp nhận. Ước, Lễ là chữ của Khổng Tử thời Xuân Thu. Trong một lần giảng giải cho học trò ông nói: …“Bác học dĩ văn, Ước chi dĩ lễ”… Ý nói, muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức Văn hóa), học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ. Ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng là một quan niệm, trong cuộc sống phải luôn luôn trau dồi học hỏi, để đạt được giá trị Văn hóa, học đã rộng rồi thì phải phải luôn luôn giữ Lễ, không được kiêu ngạo. Ý nghĩa sâu sắc biết bao.
Ở mặt sau cổng làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ “Thiểu cao đại”. Ba chữ này là một điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời Hán tên là Vu Định Quốc làm quan trong triều. Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu làm cổng vào nhà phải làm cho cao rộng một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu hiển đạt làm quan xe ngựa về nhà mới đi vừa được. Điển tích xưa đắp trên cổng, dân làng thường ngày qua lại cũng là nhắc nhở mọi người phải siêng năng học tập, có chí tiến thủ để được thành đạt trong cuộc sống.
Có cổng làng lại đắp ba chữ “ Nhân vi mỹ”, tức lấy nhân (nhân nghĩa, nhân đức, nhân ái…) làm đẹp cho đời. Ba chữ này cũng dẫn từ lời người xưa: “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân yên đức tri”. Nghĩa là, làng có đức nhân ấy là chỗ ở tốt đẹp, lựa chọn nơi để ở mà không ở vào nơi tốt đẹp có đức có nhân ấy, thì sao gọi là người có trí khôn được. Quan niệm cái đức, cái nhân thấm nhuần vào nơi chọn đất ở cũng là tạo nên vẻ đẹp nhân bản của làng.
Cổng làng Phùng Xá, Mỹ Đức lại đề cao lẽ sống trung thành, chính trực với hai chữ Trung Chính, hoặc có nơi đắp trên cổng ba chữ “Trực đạo hành”, hàm ý răn con người phải sống chính trực như người ngoài quân tử đàng hàng đi trên con đường chính đạo. Cổng làng Mông Phụ, Sơn Tây lại nêu một triết lý với những chữ khắc trên thượng lương: “Thế hữu hưng nghi đại”. Nghĩa là, muốn được hưng thịnh, cần phải thích nghi. Ấy là việc lớn quan trọng ở đời.
Chữ khắc trên cổng làng còn thể hiện truyền thống, bản sắc, cốt cách của làng. Cổng làng Vạn Phúc, Hà Đông, mặt trước đắp chữ: “Phụng nghinh lộ”, có ý để đón các bậc đại khách, đại thần, và được như vậy cũng là niềm hãnh diện tự hào của làng. Mặt sau cổng, câu đối đã mờ, có dòng chữ còn đọc được: “Khuyển vệ kê minh, cơ thanh viễn cận ”. Nghĩa là: sáng sớm, từ lúc chó sủa, gà gáy, đã nghe tiếng máy khi xa khi gần. Tiếng máy ở đây là tiếng thoi đưa lách cách từ khung dệt lụa, gấm của làng. Cái âm thanh ấy biểu hiện sự phồn thịnh của Vạn Phúc xưa, ngày nay đã trở thành một làng nghề nổi tiếng. Chữ ở cổng làng Hà Trì, Hà Đông lại đề cao mỹ tục và mong muốn những phong tục tốt đẹp của làng luôn được duy trì phát triển với bốn chữ “Mỹ tục khả gia”. Có làng rất coi trọng việc thực hiện khoán ước của làng, trên cổng làng đã đề hai chữ “Thượng khoán” (có ý nhắc nhở người làng, phải thực hiện và tôn trọng khoán ước của làng). Có nơi lại gửi gắm những ước mong mưa thuận gió hòa như bốn chữ: “Phong vân bảo hộ” trên cổng làng Tê Quả, Thanh Oai.
Còn theo sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” (tác giả Vũ Kiêm Ninh – Hội Văn nghệ dân gian chủ biên, NXB Văn hoá thông tin phát hành): Cổng làng Tương Mai nằm trên đất Kẻ Mơ liên quan đến đô tướng Trần Khát Chân đời Trần; cổng làng Đông Ngạc có nghề nan cổ truyền và “Giò Chèm nem Vẽ”; Làng Trung Nha có nghề làm giấy sắc; làng Trung Kính có nghề làm hương đen, thôn Chằm Bầu (Kim Chung Đông Anh) có tục thờ công chúa Tiên Dung, làng Đại Từ có tục nuôi con nuôi, tận tuỵ vì con nuôi đến mức nhà vua ban tặng Đại Từ nghĩa dân, làng khoa bảng Nguyệt Ánh tuy có 11 vị đại khoa nhưng vẫn có chuyện “Trạng Nguyên mượn”…
Cổng làng đối với người xưa có sự gắn bó sâu sắc, thể hiện tình cảm thiêng liêng với làng xóm quê hương. Tương truyền, Lương Văn Can một trong những người sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), quê ở làng Nhị Khê, Thường Tín, mỗi khi về quê, qua cổng làng là cổng Quốc có đề bốn chữ: “Như kiến đại tân” (như được đón khách quý), nếu đi xe tay đến cổng Quốc, ông đều xuống xe đi bộ về nhà. Mặc dù theo lệ làng phải gần đến đền thờ Nguyễn Trãi, gọi là đền Ông Khai Quốc (đền thờ Nguyễn Trãi) có tấm bia hạ mã, người đi xe mới phải xuống xe đi bộ qua đền, rồi qua đền lại được lên xe đi tiếp. Tình cảm sâu nặng với quê hương, trân trọng các bậc tiên điệt của người quê mỗi khi qua cổng làng như cụ Lương và bao người làng Nhị Khê đáng quý, đáng trọng biết bao. Trải qua bao đời những tình cảm ấy gắn với cây đa, giếng nước, ao làng gắn với những ngôi đình, ngôi chùa cổ, đã trở thành hồn quê mang sức sống và bản lĩnh của làng, trở thành sức mạnh vật chất, chống lại kẻ thù mỗi khi đất nước bị xâm lược, làng quê bị tàn phá. Nhờ vậy mà ở những thời kỳ dân tộc ta bị mất nước, nhưng làng thì không bao giờ mất. Và lẽ sống của người làng được ghi tạc ở cổng làng luôn sáng ngời những giá trị chân – thiện – mỹ. Đó chính là một diện mạo mang bản sắc độc đáo của văn hóa làng.
Tổng hợp