Có một miền ký ức mang tên “Sài Gòn xưa”

Dang Phat 389 lượt xem 11 Tháng Tư, 2023

Nhắc đến Sài Gòn, điều gì sẽ khiến con người ta liền nhớ đến? Một thế hệ đi qua, hồi ức về những tháng ngày xưa cũ dần hiện rõ trong tâm trí là điều gì? Sài Gòn xưa – Sài Gòn hồi ấy, có những gì còn đọng lại mãi…

Nhiều người khi nhớ về Sài Gòn xưa cho rằng, Sài Gòn quen thuộc với những tiếng rao khuya văng vẳng trong đêm tối, tiếng chổi chà xào xạc lướt nhẹ trên phố đêm, cảnh nhộn nhịp hối hả tấp nập bắt đầu một ngày mới, xóm lao động rôm rả tiếng cười đùa chuyện trò hỏi han nhau…

Sài Gòn còn là những chiều mưa lất phất vội vàng với những cuộc hẹn còn dang dở ngây thơ… Nỗi nhớ phút chốc hiện lên khiến lòng con người ta trĩu lại, thời gian dịu dàng mang cả thời thanh xuân qua rồi. Nhưng với những người đã từng gắn bó, Sài Gòn vẫn luôn đẹp đẽ dù thời gian có thấm thoát thoi đưa.

z4253034022745 65373982413925314a788bd1f09ab0af
Nguồn: Tạp chí Đáng nhớ

Tác giả Nguyễn Trang đã cho chúng ta thấy một Sài Gòn xưa đầy cảm xúc bồi hồi thương nhớ.

“Tôi nhớ góc bùng binh Quách Thị Trang, nơi lần đầu tuổi nhỏ được ba tôi dẫn đi ngao du thành phố Sài Gòn. Quách Thị Trang là ai, biết để làm gì. Cái chợ Bến Thành treo đầy biển quảng cáo hình kem đánh răng anh Bảy Chà Hynos và Perlon kín chợ chẳng có gì đẹp.

Chợ cũng chẳng làm tôi nhớ, bởi đi chơi Sài Gòn nhưng ba tôi chẳng ghé vào ăn. Ði chơi khơi khơi, mỏi chân ngồi nghỉ trên băng ghế xi măng giữa công viên thưa thớt cây xanh và chung quanh trang trí vài bồn hoa sặc sỡ. Ngồi đây nhìn ngắm phố phường Sài Gòn bốn phương tám hướng.

Nhìn dòng xe xuôi ngược, những dòng người tay xách nách mang hành lý băng qua cầu thang sắt ngang đường đến ga xe lửa về quê, những người buôn thúng bán bưng ngồi chật phía ngoài cửa chợ cất cao tiếng rao mời khách, những đứa trẻ đành giày, bán báo dạo lăng xăng đánh bóng mấy đôi giày “botte de sault” của mấy anh lính Mỹ.

z4253034022907 de13630cfa4f4ef221e7341d0becdb0e
Nguồn: Tạp chí Đáng nhớ

Tôi may mắn hơn mấy đứa trẻ cùng trang lứa đó. Và tôi cố tìm trong những đứa đánh giày xách thùng đi trong công viên trước chợ một hình dáng thân quen. Tự nhiên lúc đó tôi nhớ thằng Hên người bạn nhỏ nhà xóm bên mới học lớp ba đành bỏ học đi bụi đời.

Chừng tuổi ấy ra đời có thể làm gì kiếm sống? Hoàn cảnh gia đình nó không đến nỗi tan hoang khi tự dưng ba nó bỏ nhà theo vợ bé, má nó cũng không vừa bỏ mặc đám con sống chết tự lo đi buôn chuyến xe hàng dài ngày, cả tháng mới về nhà năm ba bữa.

Rồi tôi nghe hàng xóm nói thằng Hên bỏ nhà ra đi, mới tí tuổi đầu mà lá gan to bằng người lớn. Thỉnh thoảng tôi ghé ngang dò la tin tức nhưng lúc nào cửa nhà cũng đóng im lìm. Thế là tôi mất một thằng bạn nhỏ chơi bắn bi, nó sống ở đầu đường xó chợ khiến lòng tôi ngậm ngùi…

z4253033916124 861e662079b84de25a363f928008e685
Nguồn: Tạp chí Đáng nhớ

Chợt nhớ đến bài hát “Nó” văng vẳng đâu đây: “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo. Ngày nó sống kiếp lang thang. Ngẩn ngơ như chim xa đàn, Nghĩ mình tủi thân muôn vàn”.

Hồi nhỏ tôi không thích bài hát này, nghe như nỗi đau quất vào da thịt một đứa nhỏ nhưng sau này hiểu ra chút ít. Thời buổi đó, trẻ con mồ côi mất cha mất mẹ vì chiến tranh bom đạn, vô gia đình vì muôn vàn lý do đều có thể đẩy đứa trẻ ra ngoài đường phố.

Lòng cảm thương cho thân phận nhỏ bé lặn hụp trong cuộc đời mà ông nhạc sĩ Anh Bằng viết nên lời nhạc buồn đó chăng. Xem ra thằng có cái tên Hên mà chẳng may chút nào. Tất cả những điều ấy tôi vẫn còn nhớ như in không lệch đi một chi tiết nào, tuổi thơ ngày ấy vẫn in hằn trong tôi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Lớn lên chút xíu nữa, tôi biết la cà trên đường phố sau những buổi tan học cuốc bộ về nhà. Trường tôi nằm ở quận 3, nên con đường Bà Huyện Thanh Quan bán đầy bò bía, chè đậu xanh đậu đỏ, là một địa điểm hấp dẫn giới học trò chúng tôi.

z4253033996375 b0156fcbce2a32e84e244e19162e67d4
Nguồn: HTNC

Nhưng với tôi, con đường Trương Ðịnh cắt ngang gần đấy rất đỗi nên thơ, nhất là đoạn giữa gần trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long ngày trước) ra Công viên Tao Ðàn. Một con phố bình yên và rất lặng lẽ với những hàng dầu hàng sao rợp bóng.

Những hàng cây cao bóng mát này lại là ký ức đẹp, tôi mang hình ảnh đó vào bài tạp văn “Những hàng cây thị xã” trong một lần về thị xã Trà Vinh.

Mỗi khi có dịp đi qua tỉnh nào đó, tôi hay hỏi người bản xứ về cảnh đẹp địa phương. Hôm đến Trà Vinh, người đầu tiên tôi hỏi là chị chủ nhân khách sạn chỗ tôi trọ. Ðã gần nửa thế kỷ sống ở đất Trà Vinh, chị bảo trong thị xã không có cảnh gì đẹp ngoại trừ những ngôi chùa Tàu, chùa Việt và đặc biệt là chùa Khmer cổ kính.

Hôm sau, trên đường đến Trường Ðại học Trà Vinh, tôi hỏi một cô gái tuổi mười chín, đôi mươi. Sau vài phút do dự, cô cho tôi một câu trả lời thật bất ngờ: Những con đường rợp bóng cây xanh ở thị xã…

Ðúng là như thế, cảnh vật của ký ức luôn muốn làm ta được đắm chìm trong khoảnh khắc đấy một lần nữa. Chiều dần buông, đứng ngoài ban công khách sạn nhìn về góc xanh thị xã thấy rõ những vạt nắng vàng vương trên tàn me làm những vòm lá trông thật mơ màng.

z4253033977887 2415c859daf47a306e1341ed17742402
Nguồn: thoixua.vn

Hình ảnh ấy đã quyến rũ tôi rời khách sạn tản bộ về hướng đó. Từ con đường Hàng Ðiệp bông trổ lấm tấm vàng, qua Hàng Sao cao vút đứng lặng thinh, bước lại Hàng Dầu um tùm lá chen lẫn màu hoa dầu hồng non ưng ửng.

Dầu là loại cây rừng cho gỗ, thân có nhựa dùng để trét ghe rất tốt nên người ta cũng gọi là dầu rái, có người gọi là dầu dù. Trái dầu có hai cánh lá, nhưng nói là cánh hoa đúng hơn. Lúc còn non, chúng có màu hồng pha màu cà phê sữa, hạt lộ ở cuống hoa. Hạt non màu xanh có khía giống như hạt xí muội. Ðến cuối tháng Bảy thì trái dầu già khô lại. Trái cùng hai cánh hoa ngả sang màu nâu đất sét.

Chỉ cần một chiều lộng gió, những cánh hoa già rơi khỏi cành mẹ bung ra như cơn mưa dù, xoay tít bay bay trong không trung mang theo chiếc hạt, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Hình ảnh đó trông thật thích mắt và luôn để lại ấn tượng cho nhiều người. Chẳng thế, hình ảnh cánh hoa dầu bay trong gió đã vào thơ vào nhạc:

Cánh hoa dầu xoay tít bay bay
Nhớ chiều nào, bên em từng giờ…

Tuy chưa có được cái cảm giác hạnh phúc bên em như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhưng những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” ấy bay mãi trong ký ức tuổi học trò của tôi.

Tôi biết được điều này là nhờ có lần được ba tôi dẫn đi Chợ Cũ Sài Gòn ăn phở. Từ nhà, hai cha con đi bằng xe ngựa, rồi lội bộ dọc theo đường Hồng Thập Tự vào vườn Tao Ðàn. Vườn Tao Ðàn ngày ấy rất vắng người, chỉ toàn cây dầu cao tít và tàn lá che mát cả một vùng rộng lớn. Ba đi trước, tôi theo sau, giẫm chân lên những chiếc lá khô xào xạc giống như những nhà thám hiểm trong một cánh rừng già.

Bỗng ba tôi cúi xuống nhặt những trái có hai cọng lá khô, hỏi tôi có biết trái gì không, rồi ba tôi bảo quăng chúng lên trời.

Kể từ sau đó, những trái dầu dù theo tôi đến lớp cùng chúng bạn thả từ lầu ba xuống chào đón ngày khai giảng năm học mới, khi những cánh phượng hồng đã rời xa mùa hạ. Những cánh hoa dầu bay bay không mất tiền mua của lũ nam sinh chúng tôi đã làm bọn con gái học trò thích mê…

Tất nhiên nỗi nhớ nơi mảnh đất mình sinh ra và lớn lên của mỗi người đều rất nhiều và mỗi người có quyền lựa chọn những hình ảnh ký ức đẹp đẽ nhất. Cái đẹp làm tâm hồn lắng đọng cho ta khoảnh khắc bình yên giữa nhịp sống hối hả xôn xao của chốn thị thành.

z4253034022743 ac962628c8df1ce784dccb639d009d63
Nguồn: Vnexpress

Có người chẳng thèm nhớ con hẻm nhỏ ngày xưa nơi sinh ra và lớn lên như anh bạn của tôi. Anh bảo ghét lắm cái xóm lao động đã nghèo mà còn hay sanh sự, đánh lộn nhau hà rầm. Người bên ngoài nghe đi vào xóm Miếu Nổi là sợ bọn lưu manh. Anh thích những con hẻm ngoài phố trung tâm bên hông đường Hàm Nghi hay các con hẻm của người Tàu Chợ Lớn trên đường Trần Hưng Ðạo, Ðồng Khánh. Những con hẻm đó bình dị và hiền lành khác xa hẻm lao động xô bồ xô bộn.

Thế nhưng khi nghe tôi hỏi chuyện xóm nhỏ Miếu Nổi ngày xưa thì anh kể ngàn chuyện lẻ một không hết. Anh nhớ từ góc phố con hẻm xưa với một tâm hồn trẻ trung và rộng lượng. Dường như anh yêu mảnh đất mình “ghét bỏ” hơn bao giờ. Bởi vì khi cái gì mất đi hay xa rồi mới làm lòng ta hồi tưởng và càng yêu mến hơn. Chẳng thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.

P/S: Còn rất nhiều rất nhiều kỷ niệm khác nữa mà chẳng thể làm sao mà kể hết được, một thoáng Sài Gòn trong tôi như vừa mới đó nhưng nhìn lại bổng chốc đã đi qua cả cuộc đời. Tôi trân quý từng khoảnh khắc một và nhớ thương da diết những ngày cũ, Sài Gòn tôi yêu sẽ vẫn còn ở đấy và vẫn bên cạnh tôi.

Quỳnh Anh tổng hợp

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    Du ký Việt Nam: Trên đèo Hải Vân

    Đêm rất lạnh. Đèo chỉ cao 420 m. Nhưng gió thổi dữ dội khiến ta cảm thấy nhiệt độ như ở dãy Alpes, lạnh buốt, đặc biệt là khi một đám mây dày đặc bất chợt bay qua và đổ xuống núi một trận mưa như trút nước. Nhiệt kế tụt xuống 8 độ C....

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...

Được quan tâm