Sau 1 năm kinh doanh trên Amazon, Abera vừa công bố họ đã đạt mức doanh thu 1 triệu USD, uy tín thương hiệu tăng từ 92% lên 95%, tỷ suất lợi nhuận đạt 30%.
“Thế hệ khách hàng mới GenZ đang định hình lại thương hiệu Việt trên Internet . Cho nên , sắp tới đây hàng Made in Vietnam theo tôi sẽ phủ toàn cầu ”, chia sẻ đáng chú ý của ông Đồng Thanh Sơn – CoFounder Abera – tại Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up.
Abera là thương hiệu mỹ phẩm nội địa ra mắt vào năm 2022, do hai nhà sáng lập Abera là Đồng Thanh Sơn và Hoàng Quốc Vinh xây dựng nên với mô hình kinh doanh DTC E-Commerce, tức kinh doanh trên thương mại điện tử (TMĐT), phân phối sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Sau 1 năm kinh doanh trên Amazon, Abera vừa công bố họ đã đạt mức doanh thu 1 triệu USD, uy tín thương hiệu tăng từ 92% lên 95%, tỷ suất lợi nhuận đạt 30%, tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng tăng gấp 5-6 lần so với trước đây.
Thực tế, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD bán hàng ra thị trường quốc tế trên Amazon không phải hiếm. Và kênh TMĐT đã và đang trở thành cơ sở để loạt sản phẩm Made in Vietnam vươn mình ra thế giới.
Tại diễn đàn Vietnam Brand Scale Up, nhiều chuyên gia cùng đồng thuận hiện tại là thời điểm vàng để đưa thương hiệu Việt ra thế giới. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhiều đơn vị khởi nghiệp có sức cạnh tranh cao bởi các sản phẩm trong nước và quốc tế, do đó họ ngày càng khẳng định độ uy tín của mình và đó cũng là cơ hội để phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ông Randolph Ng – Tổng Giám đốc Khách hàng mới khu vực Asian, Úc và Ấn Độ, Google Châu Á Thái Bình Dương – cũng nhấn mạnh gọi là thời điểm vàng để “xuất khẩu” thương hiệu Việt bởi vì thị trường toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm sản lượng, thậm chí rút lui khỏi thị trường do không thể duy trì kinh doanh.
“Thị trường Việt N am đang có vị trí rất tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu , đồng thời cũng là thời điểm vàng xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn. Khi, thương mại xuyên biên giới tăng trưởng ít nhất 15% mỗi năm các năm tới ”, ông Randolph Ng nói.
Một số nhóm ngành nổi trội phải kể đến may mặc thời trang phụ kiện, nội thất, đồ gia dụng, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe…
Song, để phát triển thương hiệu mạnh mẽ và có tính bền vững, các doanh nghiệp phải bán hàng đa kênh, chẳng hạn như kinh doanh trên sàn Amazon để tiếp cận khách hàng sỉ lẻ nước ngoài, hoặc liên kết nhà phân phối quốc tế. Ngoài ra, hệ thống logistics và dịch vụ khách hàng cần được chú trọng vì đó là yếu tố để thành công trong việc nâng tầm thương hiệu.
Cụ thể, có 3 cách để doanh nghiệp Việt tận dụng xây dựng thương hiệu, bao gồm:
(i) Hoạt động đa kênh từ việc thông qua các sàn TMĐT đến kết nối trực tiếp với người tiêu dùng;
(ii) Tăng cường tiếp thị số, khi thực tế cho thấy nhiều người Mỹ lên mạng xã hội tìm kiếm sản phẩm;
(iii) Phát triển được hệ thống hỗ trợ có sẵn liên quan đến logistics, thanh toán toàn cầu, dịch vụ hỗ trợ khách hàng…
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, cho biết những thương hiệu có tỷ lệ nhận biết cao khi truyền tải thông điệp về phát triển bền vững sẽ dễ được nhận biết hơn. Không chỉ thương hiệu lớn, thương hiệu nhỏ cũng có rất nhiều cơ hội khi truyền thông về tính bền vững. Tuy nhiên, có ba rào cản lớn khác để người tiêu dùng hành động vì môi trường chính, đó là khả năng tiếp cận sản phẩm bảo vệ môi trường, giá đắt và không hiệu quả như mong đợi.
Cũng theo đại diện Kantar Việt Nam, người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên sản phẩm nội địa, truyền thông về nguồn gốc sản phẩm, có thể tái sử dụng bao bì… nên quy trình sản xuất gắn với lợi ích cụ thể sẽ giúp thương hiệu thu hút người mua tốt hơn. Bên cạnh đó, đổi mới và số lượng người sử dụng có tỷ lệ thuận với nhau, dẫn đến những thương hiệu có hình ảnh đổi mới sẽ có cơ hội thu hút người tiêu dùng cao hơn.
“Để thành công doanh nghiệp cần hiểu khách hàng và phân khúc thị trường của sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình. Với giải pháp hướng đến những thị trường mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng”, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam nhấn mạnh.