Chuyện người Nghệ nhân và Tinh hoa nghề thêu Phẩm phục Cung đình Việt

Trần Hùng 347 lượt xem 19 Tháng Tư, 2021

Làng nghề Đông Cứu – ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình. Giờ đây, nghề thêu truyền thống này đang dần được khôi phục bởi những nghệ nhân và thị trường cũng đang ngày càng đón nhận những sản phẩm thủ công mang tính di sản này.

172704424 1755718797933803 9018747105937265097 n e1618847609760

Ngược dòng thời gian, theo các thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu đã sớm xuất hiện dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746). Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.

myCciB1

Làng trước đây chuyên chế tác phẩm phục cho các bậc vua chúa và quan quân. Được xem là nơi duy nhất tại miền Bắc chuyên về lĩnh vực này, dù có một số làng thủ công khác như Quất Động, nhưng do không chuyên nên không thể so sánh chất lượng với Đông Cứu. Số lượng nghệ nhân theo thời gian cũng giảm dần, chỉ còn một số hộ gia đình là còn lưu giữ nghề của cha ông.

b1QcNir

Nghệ nhân tại làng thường được chỉ dạy bằng cách truyền miệng và được các bậc đi trước hướng dẫn chứ không thông qua trường lớp cụ thể. Đây cũng được xem một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét để có thể xây dựng những ngôi trường đào tạo và giữ gìn kỹ thuật thêu cung đình nói riêng và các ngành nghề thủ công khác nói chung.

Tuy được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình bằng cách truyền miệng, không có bài vở, nhưng không vì thế mà chất lượng sản phẩm của làng thêu bị giảm đi. Dù là áo mũ vua quan hàng trăm năm trước hay nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng phục vụ quay phim, quà lưu niệm đều phải đáp ứng những quy tắc ngặt nghèo và đòi hỏi cái tâm của người nghệ nhân trong từng đường kim mũi chỉ.

ZRzM5XM

Với trang phục dành cho vua, dù là một ngàn hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài,… Khi thêu, người thợ phải bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định.

Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo Hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo Vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt. Mỗi họa tiết, hình thêu đều có ý nghĩa về phong thủy và chúc tụng nhà vua và hoàng gia.

173015632 1755719047933778 4659979980214332794 n

Đối với kỹ thuật thêu, phối màu là một điều quan trọng tạo nên bức thêu đẹp, khẳng định được tay nghề người thợ. Đối với những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu bao giờ cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, đường thêu mềm mại.

Xưa kia, thợ thêu chỉ làm các loại nghi môn, câu đối, trướng và các loại khăn chầu, áo ngự… Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc chưa thật phong phú như ngày nay. Mãi đến đầu thế kỷ XX, nghề thêu mới tiến thêm một bước do có nguyên vật liệu nhập ngoại như các loại chỉ và màu công nghiệp của phương Tây.

Theo năm tháng, nghề thêu ngày càng phát triển và có những bước ngoặt quan trọng, nhiều loại sản phẩm thêu thủ công đã đạt chất lượng và mỹ thuật cao. Người Đông Cứu có bàn tay rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là người thợ có thể cầm kim thêu và chỉ sau một thời gian ngắn tấm vải đã hiện lên những bức tranh thêu sinh động.

HS4OwBB

Toàn bộ quá trình thêu đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Các công cụ như khung thêu, vải thêu đều được làm thủ công và những người thợ ở đây phải làm theo đúng công đoạn: Xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa.

Người thợ thêu Đông Cứu không chỉ nắm vững các kỹ thuật thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nối đầu, thêu đột, thêu kim tuyến… mà còn là một họa sĩ khi chọn màu, phối màu một cách thuần thục để thể hiện hình ảnh rồng, phượng thật sinh động.

Đối mặt với thời cuộc, làng nghề đã có những thay đổi để tiếp tục sống còn và gìn giữ nghề mà tổ tiên truyền lại. Hoàng bào, mấn, mão hay lọng giờ đây được chế tác để phục vụ cho việc bảo tồn di sản, nghi thức thờ cúng và làm phim. Sản phẩm chủ yếu của làng Đông Cứu hiện nay chính là tranh thêu, câu đối làm quà lưu niệm,…

Một trong những cá nhân tiêu biểu, có công trong việc khôi phục làng nghề chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Chú Giỏi là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu, bản thân chú đã có hơn 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình. Mỗi chiếc áo trung bình dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 – 4 người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế song đối với bộ trang phục đơn giản nhất, có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu làm việc trong khoảng 6 tháng, còn bộ phức tạp phải huy động tới 7 – 8 thợ thêu ròng rã 15 tháng. Thậm chí có những bộ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành.

173913794 1755718871267129 5960766555180409670 n e1618847876875

Việc gìn giữ nghề thêu cung đình tại làng Đông Cứu là điều vô cùng đáng trân trọng. Không chỉ là công việc của dân làng, mà đây còn là di sản quý giá và là niềm tự hào của người Việt Nam. Với sự sáng tạo và niềm đam mê tìm tòi của các nhà thiết kế trong nước, hy vọng sẽ có ngày càng nhiều bộ sưu tập ấn tượng và mang thêm nhiều cơ hội để giới thiệu và lưu truyền nghệ thuật thêu làng Đông Cứu nói riêng và các ngành nghề truyền thống khác tại Việt Nam nói chung.

Theo STYLE REPUBLIK

Bài viết cùng chủ đề:

    3

    Thu hoạch ngó sen, nông dân miền Tây trầm mình lội sình nhiều giờ dưới nắng nóng

    Thời điểm này, để thu hoạch ngó sen, nông dân miền Tây phải trầm mình, lội sình suốt nhiều giờ dưới nắng nóng gay gắt. Không chỉ mang vẻ đẹp thuần khiết, bình yên chốn làng quê, cây sen ngày càng trở thành nguồn thu nhập khá đối với nông dân. Nhiều gia đình ở xã...
    1 1

    Qua miền di sản

    Mưa phùn lất phất trên những con phố vắng của cố đô. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi đây vào mùa xuân, khi Huế đẹp nhất. Người ta bảo Huế nhỏ thôi, chỉ có vài con đường dẫn đến những địa điểm nổi tiếng với những di sản văn hóa thế giới. Huế...
    4 18

    Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở Hóc Môn

    Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến “săn” ảnh trong thời gian gần đây. Nhìn từ trên cao, những ao rau nhút hiện lên xanh mướt, đầy ấn tượng. Những ao rau nhút xanh mướt với góc nhìn từ trên...
    1 24 e1713856277832

    Phát hiện hang động lớn gần quần thể di tích quốc gia

    Trong quá trình khai thác mỏ đá ở núi Đụn, người dân xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã phát hiện một hang động khá lớn gắn liền với quần thể di tích quốc gia. Theo báo cáo của UBND huyện Hà Trung, khu vực mỏ đá vôi núi Đụn, xã Hà Long...
    1 23

    Xanh mướt mùa thu hoạch cỏ bàng ở Phò Trạch, Huế

    Cứ đến tháng 3 âm lịch, dân làng Phò Trạch (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào mùa thu hoạch cỏ bàng, nhúng nước, phơi khô để làm các sản phẩm từ cỏ bàng thuần bằng phương pháp thủ công. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50km về hướng Bắc là làng Phò...

Được quan tâm