Những chiếc cốc dùng để uống bia hơi vỉa hè thoạt nhìn thô kệch là vậy nhưng ẩn chứa phía sau là biết bao câu chuyện đáng nói.
Ai đã từng tụ tập bạn bè, buôn dăm ba câu chuyện ở những quán bia vỉa hè Hà Nội thì chắc chắn sẽ không còn xa lạ gì với hình ảnh những chiếc cốc thấp màu xanh lơ, với cạnh thô. Trông chiếc cốc vại đơn giản vậy thôi, chứ dùng những cái ly khác để uống thì bia sẽ mất hết cái mát lạnh sảng khoái. Người nhậu quán ven đường ở Hà Nội ai cũng quen thuộc với chiếc cốc vại, nhưng không mấy ai biết rằng đây không chỉ là một chiếc cốc tầm thường không tên tuổi, mà thực ra được thiết kế bởi một người Việt, được đào tạo và học tập ở Đức.
Vào tháng 10 năm 1970, chàng trai trẻ Lê Huy Văn lần đầu quay trở về thủ đô sau quãng thời gian dài học tập tại trường nghệ thuật Burg Giebichenstein Kunsthochschule Halle ở Đức. Nhưng vì chưa được phân công tác tác liên quan tới nghệ thuật, chàng trai trẻ đã bắt đầu bằng việc làm phiên dịch viên tại một cơ quan nhà nước. Bốn năm sau, Lê Huy Văn lại được chuyển sang bộ phận kỹ thuật của hợp tác xã công nghiệp. Đây chính là nơi những chiếc cốc vại luôn gắn liền với bia hơi Hà Nội ra đời.
Năm 1976, tại Hà Nội chỉ có một nhà máy bia duy nhất tại phố Hoàng Hoa Thám. Theo ông Văn, hồi đó nguyên vật liệu khan hiếm tới mức mà mọi người không có đủ cốc tử tế để uống bia.
Ông Văn nhớ lại: “Một ngày, chủ nhiệm hợp tác xã hồi đó giao cho tôi một nhiệm vụ: thiết kế ra một chiếc cốc mà chỉ dùng để uống bia hơi Hà Nội mình.” Sau khi dành ra khoảng một tiếng để phác thảo, ông đã lên được ý tưởng thiết kế. Và chỉ 3 ngày sau đó, lô cốc vại đầu tiên được sản xuất tại Hợp tác xã Thủy Tinh Dân Chủ.
Thiết kế ban đầu của cốc vại có thể chứa tới nửa lít bia, có đáy dày để có thể đứng vững trên những chiếc ghế đẩu – hay được dùng làm bàn ở các quán bia vỉa hè. Ở thân cốc có những đường vân để tiện lợi cho việc xếp chồng lên nhau và để đỡ trơn khi cầm. Những chiếc cốc này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân thủ đô: không chỉ vì nó là loại cốc uống bia duy nhất trên thị trường vào thời điểm đó, mà còn bởi giá cả rất hợp lý.
Ngày đó mỗi chiếc cốc vại có giá 500 đồng, và được nhiều nhà hàng, quán bia ưa chuộng bởi giá loại cốc này có giá thành phải chăng và lại rất bền. Từ trước tới nay, những chiếc cốc vại này vẫn được sản xuất từ thủy tinh tái chế ở làng Xối Trì, tỉnh Nam Định. Người ta thu gom chai, lọ vỡ và các mảnh thuỷ tinh rồi sử dụng chúng để làm ra những chiếc cốc khác. Có thể nói, những chiếc cốc thoạt nhìn tưởng tầm thường này lại là những chiếc cốc “trường tồn cùng năm tháng”. Mỗi ngày, các nghệ nhân cho ra đời khoảng 1.500 cốc.
Nhà thiết kế trẻ Lê Huy Văn năm nào giờ đã ngoài bảy mươi, cuộc đời ông cũng đã trải qua nhiều công việc và vị trí khác nhau. Trước khi về hưu ông từng giữ chức Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội.
Ông có chia sẻ với VnExpress trong một bài phỏng vấn rằng đặt tên cốc vại là do dung tích của cốc có thể chứa tới nửa lít bia. Nhưng đáng tiếc là qua thời gian, các thông số kỹ thuật bị thất truyền, nên kích cỡ của các lô sản xuất về sau “ngót” dần lại: dung tích của cốc vại hiện nay chỉ bằng ⅔ dung tích bản gốc. Khởi điểm ở mức 500 đồng, sau đội lên thành 2.000 đồng và giá hiện tại là 6.500 đồng cho một cốc.
Khi được hỏi tại sao thiết kế của cốc vại lại giữ y nguyên qua năm tháng, ông Văn cũng không thể lý giải, chỉ nghĩ chắc do nó dễ mua, dễ dùng, dễ sản xuất. “Ta hay nói là người Hà Nội thích uống bia hơi, thực ra không phải vì họ mê cái vị bia, mà do họ nghiện cái không khí vỉa hè: tụ tập bạn bè, chén chú chén anh chính là cách để xua tan cái nóng oi bức chiều hè sau khi tan làm,” ông Văn giải thích. “Mình không thể đóng bộ comple sang trọng rồi cầm ly pha lê để uống bia hơi Hà Nội. Nó không hợp cảnh.”
Theo Urbanist Vietnam