Chùa Ông Cần Thơ – Ngôi chùa tiêu biểu của người Hoa Nam Bộ

Trần Hùng 314 lượt xem 30 Tháng Năm, 2021

Chùa Ông là một trong những ngôi chùa cổ ở Cần Thơ thể hiện nét văn hóa độc đáo của người Hoa. Với đường lối kiến trúc tinh tế, hoa văn mang đậm nét văn hóa Trung Quốc đặc sắc. Vẻ đẹp của ngôi chùa vẫn còn trường tồn theo thời gian, xứng danh là một ngôi chùa đẹp ở miền Tây Nam Bộ trở thành điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ. Khi du lịch Cần Thơ đến Chùa Ông bạn có thể cảm nhận không gian thật linh thiêng và thành tâm cầu bình an và hạnh phúc cho những người thân yêu.

11 20
Chùa Ông Cần Thơ – Ngôi chùa tiêu biểu của người Hoa Nam Bộ

Chùa Ông tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, thuộc địa phận phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tên gốc của ngôi chùa là Quảng Triệu Hội Quán – hội quán của người Hoa tại hai phủ là Quảng Châu và Triệu Khánh, thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là nơi thờ phượng, giao lưu, gặp gỡ đồng hương, giúp nhau làm ăn để an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới.

12 21
Ảnh chùa Ông xưa

Chùa Ông bắt đầu xây dựng vào năm 1894, đến năm 1896 hoàn thành. Không giống với một số ngôi chùa Hoa khác, Chùa Ông Cần Thơ không có tấm bia dùng để ký ghi tên những người đã khởi công xây dựng chùa, niên đại hoàn thành, nhưng tại các mảng được chạm khắc gỗ, hay đôi liễn bình phong, trên lư hương đều có ghi rõ họ tên tác giả, những ai ủng hộ và năm được thực hiện.

13 22
Tên gốc của chùa là Quảng Triệu Hội Quán – hội quán của người Hoa

Nói về cái tên Chùa Ông, người dân nơi đây quen gọi như thế vì trong chùa, ngay tại chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân, tức là Quan Công một danh tướng thời Tam Quốc. Một số người dân lại quen gọi là Chùa Bà, bởi vì nơi đây cũng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Thế Âm, hai vị Phật bà cứu khổ, cứu nạn trong tâm thức người Hoa.

Chùa Ông Cần Thơ củng giống như những ngôi chùa khác của dân tộc Hoa không nằm biệt lập mà hòa mình vào giữa khu dân cư náo nhiệt. Diện mạo chùa Ông nổi bật giữa khu phố, các mảng kiến trúc trang trí đa màu sắc thu hút mọi ánh nhìn. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của đại bộ phận người Hoa nên mang đậm văn hóa của Trung Quốc.

Ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Các gờ bó mái bằng gốm tráng men lưu ly xanh biếc lẫn với sắc rêu phủ, tạo nên một vẻ cổ kính. Mái chùa với hệ thống vì kèo vững chắc được nâng đỡ bởi các cột gỗ tròn sơn màu đỏ, kê tán đá xanh, tô điểm bằng các đôi liễn đối, các tấm hoành phi. Các đầu kèo, xuyên trính được chạm khắc họa tiết, hoa văn mang phong cách cổ điển, sơn son thiếp vàng theo truyền thống nghệ thuật miếu vũ.

Chùa Ông Cần Thơ tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa, với đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng. Bên cạnh các biểu tượng long phụng, còn có tượng Ông Nhật Bà Nguyệt là điềm báo cát tường, tượng trưng cho âm dương trong văn hóa Á Đông.

14 18
Chùa Ông Cần Thơ có kiến trúc và hoa văn trang trí rất đẹp và tinh xảo

Trên nóc chùa trang trí lưỡng long tranh châu, hai bên là hình tượng cá hóa long sắp xếp đăng đối. Đây là kiểu thức trang trí khá phổ biến tại các chùa Hoa ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngay bên dưới là các quần thể tiểu tượng bằng sành sứ nhiều màu sắc, diễn tả cảnh tiên giới xen lẫn trần thế, thủ pháp tạo hình cũng nửa thực nửa hư. Theo lời kể của các vị cao tuổi, những mảng trang trí này được đưa từ Quảng Đông sang, thể hiện rõ nghệ thuật gốm thủ công của nghệ nhân người Hoa đời nhà Thanh.

Nét nổi bật của chùa Ông là nghệ thuật điêu khắc chạm nổi trên những phù điêu hiện diện khắp nơi, từ các bao lam, hoành phi, liễn đối với nội dung vô cùng phong phú, rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc: Tam quốc chí, Ngũ Hổ bình tây, Bát tiên, Đông Chu liệt quốc, Thủy cung hoặc thể hiện ờ kỹ thuật chạm chìm những đề tài quy ước mai, lan, cúc, trúc, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa tiên, chim phụng…

Ngoài nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, các nghệ nhân còn thể hiện tài năng của mình ở nghệ thuật thư pháp: các kiểu chữ “triện”, “thảo” được khắc chạm trên hoành phi, liễn đối, lư, chuông đồng, rất đẹp và tinh xảo. Chính vì những giá trị của mình nên Chùa Ông đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1993.

15 16
Chùa Ông đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Chùa Hoa thường không có vườn cây bao quanh như chùa của người Việt, Khmer, thay vào đó là sân kiểng được vây quanh bởi tường gạch, hai bên trang trí các mảng phù điêu đắp nổi bằng đất nung đối xứng nhau. Từ sân thiên tĩnh vào chính điện, có một dãy ba bàn hương án bằng đá mài, nơi khách hành hương chuẩn bị lễ vật và thắp nhang trước khi vào chiêm bái. Trong chùa có chiếc chuông đồng đúc từ năm 1892, đến nay vẫn ngân vang những khi có khách thập phương đến viếng cảnh chùa.

Để có ánh sáng và tạo độ thông thoáng, chùa Ông được bố trí một khoảng trống trên mái, gọi là thiên tĩnh, tức “giếng trời”. Đây còn là nơi thoát khói cho hàng trăm khoanh nhang tỏa ra suốt ngày đêm.

16 11
“Giếng trời ” tạo ánh sáng và độ thông thoáng cho ngôi chùa.
Một đặc điểm ấn tượng khác khuôn viên chùa là có hàng chục nén nhang vòng lớn hình chóp nón màu đỏ được treo lơ lửng trên đỉnh đầu.
17 11
Du khách ấn tượng bởi hàng chục nén nhang vòng lớn hình chóp nón màu đỏ được treo lơ lửng

Từ Hội quán của đồng hương Quảng Triệu, chùa Ông dần trở thành nơi thể hiện tình đoàn kết tương trợ giữa đồng bào người Hoa, và giữa người Hoa với các dân tộc anh em cùng chung sống bên bờ Hậu Giang.

Chùa Ông cũng theo một số tín ngưỡng và ngày lễ của văn hóa Việt, tuy nhiên chùa có những ngày lễ riêng như: Lễ giỗ Ông Bổn ngày 15 tháng 3 âm lịch – Người có công xây dựng cộng đồng người Hoa ở Hải ngoại; ngày vía Quan Thánh Đế – Quan Công vào 24 tháng 6 âm lịch; ngày vía Thiên Hậu 23 tháng 3 âm lịch.

Đặc biệt, chùa ông còn có lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm 1 lần với quan niệm ai sở hữu được chiếc đèn lồng sẽ gặp may mắn và thành đạt. Nếu du lịch Miền Tây về Cần Thơ đến chùa Ông Cần Thơ vào đúng dịp lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được không khí nhộn nhịp, tấp nập người ra vào chùa để thắp nhang, cúng viếng và thành kính dâng hương.

18 11
Không gian linh thiêng, khói hương nghi ngút tại Chùa Ông

Ghé thăm chùa, bạn có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa tôn giáo của người Hoa, cũng như thấy được tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Hoa đi làm ăn xa quê hương. Các giá trị văn hóa tinh thần của ngôi chùa đã làm nên nét riêng biệt độc đáo không giống bất kỳ công trình tôn giáo nào ở Việt Nam.

Chùa Ông còn có ý nghĩa to lớn trong việc làm đã dạng phong phú thêm văn hóa tôn giáo người Việt, tạo ra môi trường giao thoa với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa.

Theo Mekong Delta Explorer

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm