Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, hiện chưa có tài liệu hoặc công trình khoa học quân sự nào của chúng ta mô tả cách quân lính nhà Trần đóng cọc trên sông ra sao.
Kỹ sư chế tạo vũ khí Vũ Đình Thanh giới thiệu suy đoán ban đầu của thời kỳ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lập mưu nhử quân Nguyên Mông là tướng Ô Mã Nhi vào sông Bạch Đằng bằng phương pháp “đóng cọc” hay “đặt cọc”.
Theo anh, rất khó để có thể đóng. Đó là chưa nói đến yếu tố bất ngờ khi đóng cọc sẽ mất rất nhiều ngày, không lẽ quân nhà Nguyên lại không hề hay biết?
Anh phân tích: “Không phủ nhận việc đóng cọc trên sông để nhử địch vào khúc sông hiểm yếu là có hay không bởi sử sách đã ghi rất rõ chiến thắng hiển hách này của chúng ta và chính sử Trung Hoa cũng không dám chối bỏ. Ở đây chỉ nói đến khía cạnh kỹ thuật, đó là nhà Trần cho quân lính ‘đóng cọc’ hay ‘đặt cọc’ trên sông Bạch Đằng bằng cách nào thì thuyết phục hơn?
Tôi nói đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1.288, khi mà quân, dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4 vạn quân Nguyên Mông và thu được hơn 400 chiến thuyền nằm lại. Tôi đề cập đến cách thức làm sao để các cọc đó nằm dưới sông Bạch Đằng mà thuyền chiến của địch bị va phải và vỡ đắm nhưng không biết và không lường trước?”.
Tác chiến nhanh gọn, đảm bảo bí mật
Từ trước đến nay, nhiều sách vở nói về việc nhà Trần cho quân đóng cọc xuống sông Bạch Đằng mà chưa hề đề cập đến một hình thức đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Đó có thể là phương pháp “đặt cọc” xuống sông Bạch Đằng”, kỹ sư Thanh nói.
Anh cho rằng các cọc đó được làm từ gỗ tốt nhưng không cần gỗ phải nặng, ít nhất là sau khi chiến trận kết thúc thì phải dọn đi để tàu thuyền đi lại được. Đó có thể là lý do số cây gỗ dưới lòng sông còn rất ít như ta thấy sau này.
Thứ hai, việc đóng cọc xuống lòng sông là cực kỳ khó khăn kể cả hiện nay, sông sâu, sóng lớn vì gần biển, đáy sông nhiều bùn. Xét về mặt kỹ thuật đã khó mà chưa nói đến yếu tố bí mật.
Thứ ba, sử sách đã ghi lại, hàng trăm chiến thuyền lớn của địch bị vướng vào bãi cọc ở nơi dòng chính cửa sông Bạch Đằng, tức là dòng chủ lưu chính của sông. Đây là nơi nước sâu và rộng nên việc đóng cọc lại càng là không thể thực hiện được. Đoàn thuyền lớn của giặc chắc chắn chỉ đi ở dòng chính cửa sông chứ không hề đi vào nơi có bất cứ nghi vấn gì.
Thứ tư, chắc chắn quân Nguyên Mông phải rất cẩn thận do thám và khảo sát dòng sông chứ không thể ngờ nghệch chủ quan như thế.
Thứ năm, về mặt chiến thuật, Trần Quốc Tuấn là danh tướng thuộc hàng giỏi nhất thế giới thời đó. Ông hiểu rất rõ quân địch là đội quân thiện chiến nhất thế giới nên trong việc điều binh khiển tướng phải đảm bảo bí mật tuyệt đối để chắc thắng.
Đảm bảo khả năng chiến thắng cao nhất
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải đảm bảo khả năng chiến thắng cao nhất và giảm thiểu tối đa thời gian bố trí lực lượng, bày thế trận sao cho bất ngờ. Đóng cọc đã khó nhưng việc lừa địch vào được bãi cọc trong thời gian triều xuống càng khó gấp bội. Chỉ cần địch dừng lại vì một lý do gì đó là hỏng cả sự chuẩn bị vô cùng công phu của quân Đại Việt.
Như vậy, lựa chọn đóng cọc rồi lừa địch vào không gian nhất định trong thời gian quá ngắn ngủi là thứ mà người cầm quân như danh tướng Trần Quốc Tuấn sẽ không bao giờ làm. Chúng ta cần lưu ý, chỉ trong chưa đầy nửa tiếng, toàn bộ bãi cọc sẽ lộ ra và kế hoạch chiến đấu bị phá sản.
Theo kỹ sư Thanh, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn sẽ không lựa chọn việc đóng cọc xuống sông bởi quá dễ bại lộ. Thế nhưng lịch sử của cả ta và Trung Quốc đều ghi rõ là các chiến thuyền của địch bị vướng vào cọc. Tức là, bãi cọc dưới dòng sông là điều không thể phủ nhận.
Vậy thì một khả năng tiếp theo mà sử sách Việt Nam chưa hề đề cập tới, đó là việc quân Đại Việt “đặt cọc” dưới luồng chính của sông Bạch Đằng.
Việc đặt cọc vô cùng đơn giản, năng suất cao và quan trọng là đảm bảo được bí mật, nâng cao khả năng chiến thắng của quân Đại Việt. Với giả thuyết “đặt cọc” này, mọi lý giải hoàn toàn trùng hợp với sử sách đã ghi về chiến thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần.
Vậy cách đặt cọc sẽ ra sao?
Anh Thanh nhấn mạnh, việc xử lý kỹ thuật việc “đặt cọc” sẽ như sau:
Trần Hưng Đạo đã chế tạo hàng loạt cọc với cấu trúc là thân bằng gỗ nhẹ nhưng cứng và dai, không quá to, một đầu bịt sắt sắc nhọn, đầu kia cắm vào đá hình trụ (có thể buộc thêm dây), khi thả cọc xuống nước sông thì một đầu đá vì nặng sẽ lao xuống đáy sông và như vậy đầu bọc thép sắc nhọn sẽ hướng lên mặt sông. Nếu thủy triều lên xuống, nó cũng ngả theo mép nước. Như thế cọc sẽ được đặt vào lòng sông.
Tổng thể khối lượng của 1 cọc không cần lớn nên nó có thể được đặt trên thuyền (hoặc bè) nhẹ. Mỗi thuyền khoảng 2-3 cọc. Hàng trăm thuyền sẽ mang theo hàng nghìn cọc mà quân địch hoàn toàn không biết. Khi có mệnh lệnh, thuyền sẽ thả cọc xuống sông một cách nhanh chóng, bất ngờ nhất.
Đồng thời, quân ta sẽ vẫn đánh địch hoặc nhử địch sập bẫy. Trong một khoảnh khắc cực ngắn, toàn bộ khu vực là luồng chính của sông Bạch Đằng sẽ được đặt hàng nghìn cọc với đầu bịt sắt hướng lên mặt sông. Quân tướng nhà Đại Việt chỉ cần độ 10 phút là có thể xong mà kẻ địch không hề biết gì.
Hình thức “đặt cọc” chứ không phải là “đóng cọc” sẽ giải quyết được mọi việc.
Tài thao lược quân sự
Như vậy, khả năng chiến thắng với chiến thuật đặt cọc là gần như 100% và vị Tổng tư lệnh Trần Hưng Đạo hoàn toàn có mọi điều kiện để thực hiện ý đồ chiến thuật của mình, đảm bảo chiến thắng vĩ đại.
Với hình thức “đặt cọc”, diễn biến chiến trường hệt như mô tả trong sử sách ta và nhà Nguyên. Chắc chắn, cả trên bộ lẫn trên biển, địch phải có những đội tiền trạm để thăm dò quân ta nhưng không phát hiện bất cứ việc gì khác biệt.
Khi quân địch gần tới cửa biển, Trần Quốc Tuấn tính toán thời gian thủy triều thích hợp rồi cho quân ta đứng trên hàng trăm thuyền nhẹ xuất hiện, trên thuyền chở cọc. Khi cách địch một khoảng cách nhất định, quân ta thả cọc để địch không nhìn thấy. Hai bên lao vào đánh nhau ngay trên bãi cọc vừa được đặt, ta vừa chặn địch vừa cố gắng rút.
Lúc đó, thủy triều xuống rất mạnh, toàn bộ tàu thuyền địch bị cọc sắc nhọn đâm vào thủng, không di chuyển được. Thuyền của ta nhẹ vẫn di chuyển dễ dàng nên cơ động tiêu diệt địch. Sau chiến trận, quân ta lại dùng thuyền nhỏ lúc thủy triều rút di chuyển cọc đi chỗ khác để tàu thuyền đi lại dễ hơn.
Chưa thể khẳng định trận Bạch Đằng phải là “đặt cọc” hay “đóng cọc”, nhưng đây là giả thuyết có tính hợp lý cao để các nhà sử học nghiên cứu và phản biện. Rất mong được các nhà khoa học lịch sử và khoa học kỹ thuật quân sự suy nghĩ, phân tích để tiếp tục giải mã đến tận cùng.
Khoa học luôn cần sự minh bạch và việc đi tới tận cùng sự thật âu cũng là giúp sáng tỏ một điều về sự tài ba trong thao lược quân sự của cha ông chúng ta.
Theo Vietnamnet