Đam mê nghề đầu bếp và có năng khiếu vẽ, nên Nguyễn Hữu Thiên Ân (25 tuổi), sinh sống tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), đã tạo ra những chiếc bánh có hình ảnh chân dung, phong cảnh… đầy tính nghệ thuật.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp THPT, Ân theo học nghề đầu bếp tại một trường đào tạo nghiệp vụ tại Q.Tân Bình. Trong quá trình học nghề bếp, một vài lần Ân có đi tham quan các lớp dạy làm bánh trong trường thì cảm thấy rất hứng thú. Sau khi tốt nghiệp, Ân xin vào làm tại một tiệm bánh ở Q.3, tại đây chàng trai này đã được làm công việc yêu thích và dần học hỏi được nhiều kỹ năng mới như: trộn bột, nướng bánh…
Đầu năm nay, Ân tạm dừng công việc tại tiệm bánh để tập trung tham gia các cuộc thi làm bánh nghệ thuật. Khi còn làm ở tiệm, ngoài những loại bánh kem, bánh ngọt thông thường thì Ân còn phát triển và học hỏi thêm việc tạo hình bánh nghệ thuật từ kẹo mềm fondant (là loại hỗn hợp kẹo mềm dẻo làm từ đường bột để trang trí hoặc tạo hình cho bánh kem và bánh ngọt).
“Với các loại bánh sinh nhật thông thường thì bên trong là nhân bánh bông lan, mặt ngoài phủ kem thì bánh từ kẹo mềm fondant có kết cấu hoàn toàn khác. Bên trong là một lớp những loại bánh có kết cấu vững hơn bánh bông lan, để chịu được sức nặng của phần kẹo mềm fondant bên ngoài. Kẹo mềm fondant cũng dễ tạo hình và giữ được lâu trong nhiệt độ phòng mà không bị hư hỏng”, Ân chia sẻ.
Một chiếc bánh hoàn chỉnh sẽ có kết cấu bao gồm phần cốt bánh là các loại bánh kết hợp với mứt trái cây hoặc kem bơ. Sau đó phủ thêm một lớp anache (làm từ sô cô la và kem) để tăng độ kết dính và cuối cùng là lớp kẹo mềm được tạo hình tỉ mỉ bên ngoài. Một chiếc bánh đơn giản Ân phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để hoàn thiện. “Loại bánh này thường xuất hiện trong các sự kiện quan trọng như: tiệc cưới, sinh nhật…”, Ân nói.
Ân cho biết do không được đào tạo chuyên ngành về bánh nên khi vào làm ở tiệm phải học lại từ cách phân loại bột, đánh kem, canh thời gian nướng bánh… Ân cho biết với riêng dòng bánh fondant, có 2 cách trang trí phổ biến, một là tạo hình trực tiếp với kẹo mềm đã được pha màu sẵn. “Có thể hình dung giống như việc bạn chơi trò nặn đất sét”, Ân nói. Cách thứ 2 là dùng màu thực phẩm vẽ trực tiếp lên trên mặt phần kẹo mềm đã được cán phẳng.
Tác phẩm mà Ân tâm đắc nhất mang tên là “Memories”, vẽ chân dung một cụ bà trên nền kẹo mềm fondant. Ngoài ra, ở tác phẩm này Ân còn dùng kẹo mềm fondant để tạo hình ra những món ăn quen thuộc như: canh khổ qua, thịt kho trứng… Tác phẩm này đã giúp Ân đoạt huy chương bạc hạng mục bánh nghệ thuật tại cuộc thi Battle of the chefs 2024, diễn ra tại Malaysia vào tháng 6 vừa qua.
“Mình đã truyền tải hình ảnh người mẹ Việt Nam chịu thương, chịu khó qua tác phẩm. Kèm theo là những món ăn bình dân, quen thuộc với mỗi gia đình. Mình muốn truyền tải cho mọi người thông điệp về tầm quan trọng của bữa ăn gia đình”, Ân chia sẻ.
Ngoài làm bánh, Ân còn có năng khiếu hội họa. Từ khi còn học THCS, Ân đã hay vẽ những bức chân dung, nhân vật hoạt hình. Tuy không qua trường lớp nào về mỹ thuật, nhưng Ân đã dùng màu thực phẩm vẽ lên bề mặt kẹo những đường nét vô cùng uyển chuyển, sinh động như một họa sĩ thực thụ.
“Mình chỉ nhìn nét mặt, hay hình ảnh rồi vẽ theo chứ không áp dụng một kỹ thuật nào cả. Vẽ chân dung đòi hỏi từng nét phải chính xác, chỉ sai một chi tiết thì sẽ không giống với hình hay người mẫu ngay”, Ân chia sẻ.
Chị Lê Thị Kiều Oanh, Đội trưởng của đội thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi Battle of the chefs 2024, cho biết: “Ân có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật và rất yêu nghề bánh. Tuy còn trẻ nhưng bạn lại có tinh thần trách nhiệm cao, luôn khao khát chiến thắng. Ân mong muốn đưa văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Cụ thể là thông qua hình ảnh của những chiếc bánh tả thực món ăn Việt Nam”.