Chầm chậm nhé, hoa sưa

Huyền Linh 46 lượt xem 14 Tháng Ba, 2025

Hà Nội mùa nào hoa sấu? Hà Nội mùa nào hoa sưa?

Hoa sấu nở vào đầu hạ, còn hoa sưa chọn cữ cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm lịch, khi đất trời và phố phường còn đang say ngủ trong màn mưa bụi, khi hoa bưởi, hoa ban còn chưa nhạt sắc. Bất chợt một ngày, nhen chút nắng dịu dàng, chút gió mơn man như đùa nghịch, hoa sưa bừng giấc ngỡ ngàng, điểm tô cho phố phường một tấm áo xuân duyên dáng đến nao lòng. Màu trắng trên vòm cao thanh tao, có phần huyền hoặc gợi đến những đám mây bay về ngang phố. Còn những vạt hoa dưới thấp lại cứ nhắc nhớ chia lìa, xao xác.

12 4
Minh họa: Nguyên Sa

Hoa sưa đẹp, tinh khôi mà đỏng đảnh. Bởi loài hoa ấy chỉ nở rộ ít ngày. Có những cây chỉ sau một đêm đã phủ lên mình cả một tấm áo sáng bừng kết lại từ vô vàn những chùm hoa li ti xâu thành chuỗi đẹp mắt. Ngày một, ngày hai…, chẳng mấy chốc hoa tàn trong sự nuối tiếc, ngẩn ngơ của người qua đường. Không ít người thẫn thờ vì chưa kịp ngắm nhìn đã mắt cái hình ảnh lung linh và dễ thương vừa bắt gặp hôm nào mà nay đã phải chứng kiến từng quầng cánh trắng trải thảm trên hè phố. Và chợt thảng thốt nghĩ tới bao sự chóng vánh trong cuộc đời. Hình như, những gì càng đẹp càng mong manh và dễ lụi tàn.

Truyền thuyết về hoa sưa kể về một chàng trai trước khi lên đường ra trận đã tặng người yêu một cái cây nhỏ trồng trong vườn và dặn: “Nếu mai này, cây trổ hoa đỏ, anh sẽ trở về. Nếu ra hoa trắng, em hãy lấy chồng”. Cô gái chờ đợi suốt nhiều năm nhưng không thấy bóng dáng người yêu trở lại, cho đến một năm, cây trổ hoa toàn một màu trắng tinh. Người con gái không đi lấy chồng theo ước vọng của người thương mà vẫn đợi chờ mỗi độ xuân sang, mỗi mùa hoa sưa nở trắng trời năm này qua năm khác.

Nhưng lại cũng có một câu chuyện khác kể rằng, hoa sưa là linh hồn của một cô gái hóa thân thành loài hoa trắng tinh khôi, nhớ thương mối tình với chàng trai đất Thăng Long.

Dù là câu chuyện nào, hoa sưa đều gắn với tình yêu đôi lứa. Giữa bao sắc hoa còn nồng nàn, hương hoa ngan ngát của mùa xuân, loài hoa giản dị ấy vẫn bừng lên những nét không thể lẫn. Từ cái tên, màu tinh khôi, đến mùi hương thanh dịu riêng mình.

Hoa sưa mọc ra từ nách lá, xuất hiện trước khi lá đủ đầy. Vì thế có khi cả một năm trời cây không có gì khiến người ta chú ý nhưng rồi, những cơn mưa xuân đầu tiên đã đánh thức những chùm hoa bừng nở, màu trắng muốt nổi bật giữa nền xanh của mây trời, cây cối, giữa những xô bồ và bụi bặm, tưởng một nàng tiên vừa thức dậy hát ca. Tôi biết nhiều người yêu và nhớ hoa sưa, nhận ra cả sự chóng vánh đường đột của mỗi mùa hoa. Nhưng cũng có người, không hề biết đến có một khoảng thời gian tinh khôi và dịu dàng như thế trên những con đường Hà Nội, giữa tiết chuyển giao nhẹ nhàng, lặng lẽ.

Hoa sưa đến và đi không hẹn. Người hữu duyên sẽ gặp, rồi nhớ, rồi yêu. Hoa sưa chợt bừng nở rồi tả tơi bay rụng để lòng người biết nuối tiếc, biết trân trọng, biết thương yêu. Nhưng vẫn cứ ước ao, giá mùa hoa chầm chậm thêm một chút để những kẻ còn đang bận rộn giữa dòng đời xuôi ngược, một tháng Ba nào được chạm mặt rồi nên duyên.

Để cho mùi hương dìu dịu thanh tao ấy kịp gieo vào lòng những êm đềm và cũ kỹ, để sắc trắng mong manh tỏa vào hồn ta những trong trẻo mải mê.

Sưa ơi, chầm chậm nhé.

Theo Nhịp sống Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề:

    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...

Được quan tâm