Cây cầu lâu đời nhất Đà Nẵng sẽ trở thành điểm du lịch đêm

Hoài Linh 60 lượt xem 12 Tháng Mười Hai, 2023

NDO – Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa thống nhất phương án thí điểm tổ chức phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi. Việc thí điểm này bắt đầu triển khai vào quý I/2024, với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí mới đưa vào khai thác nhằm tạo sức hấp dẫn mới đối với người dân, du khách trong hoạt động du lịch đêm Đà Nẵng. Và cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu lịch sử, trở thành cầu đi bộ đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

112
Cầu Nguyễn Văn Trỗi gắn liền với lịch sử thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Theo phương án thí điểm, vị trí triển khai các hoạt động dịch vụ là phía cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Hải Châu, công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Thời gian thí điểm giai đoạn 1 từ quý I/2024 đến cuối năm 2028.

Giai đoạn 2 từ năm 2024-2025 tiếp tục triển khai các hoạt động của giai đoạn 1, cải tạo, nâng cấp và khai thác các hoạt động du lịch trên cầu và công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi. Nâng cấp đường dẫn lên cầu Nguyễn Văn Trỗi; cải tạo, trang trí quanh khu vực công viên bờ đông của cầu; chỉnh trang dọn dẹp mặt nước và bờ sông Hàn, tổ chức biểu diễn các hoạt động nghệ thuật đường phố, các gian hàng để phục vụ người dân và du khách…

Trong đó, giai đoạn 1, sẽ tổ chức các hạng mục chỉnh trang, bổ sung điện chiếu sáng tại công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi và trên cầu.

Đồng thời tạo điểm check-in (có điện chiếu sáng) với 2 mô hình trang trí hoa tại sân phía bắc, sân phía nam công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi và kêu gọi các cá nhân, đơn vị đặt các mô hình xe lam cổ, xe cũ làm điểm chụp hình check-in trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; triển lãm ảnh, trưng bày sản phẩm chuyên ngành định kỳ hằng quý; vào các ngày lễ, Tết…

Phương án cũng đưa ra các hoạt động âm nhạc phục vụ người dân và du khách như âm nhạc dân tộc, âm nhạc trữ tình vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; vũ hội đường phố trên đường Trần Hưng Đạo và đường Chương Dương (quanh khu vực công viên) vào tối thứ Bảy cuối cùng mỗi tháng.

113
Cầu Nguyễn Văn Trỗi như một dấu lặng trong lòng Đà Nẵng.

Các sự kiện đồng diễn, nhảy flashmob, lễ hội yoga, nghệ thuật đường phố trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, ngày hội đọc sách, lễ hội bia tại khu vực công viên; tổ chức đi bộ, tham quan, ngắm cảnh và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, âm nhạc đường phố, sự kiện lễ hội trên cầu Nguyễn Văn Trỗi…

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ.

Đây là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, được xây dựng nhằm chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng, để quân đội Mỹ vận hành cỗ máy chiến tranh khốc liệt tại khu vực miền trung Việt Nam.

Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê-tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh-Khánh Hòa (cũng do hãng RMK xây dựng những năm 1960), cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép poni hiếm hoi tại Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, cây cầu vinh dự mang tên người anh hùng xứ Quảng – Nguyễn Văn Trỗi. Cầu nhanh chóng được cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền 2 bờ đông-tây sông Hàn cho đến khi cầu quay Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000.

114
Giải chạy Happy Run của tập đoàn FPT tổ chức tại cầu Nguyễn Văn Trỗi, tháng 3/2023.

Thành phố Đà Nẵng từng có kế hoạch tháo dỡ cầu Nguyễn Văn Trỗi này để xây dựng 1 cây cầu khác hiện đại hơn, nhưng tháng 2/2012, trong 1 lần thị sát tại công trình này, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (khi đó) đã chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải Đà Nẵng nghiên cứu giữ lại cây cầu có dạng cầu giàn thép poni này để làm cầu đi bộ; đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể thư thái ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố.

Đến tháng 3/2013, cầu Nguyễn Văn Trỗi chính thức ngừng lưu thông để phục vụ việc cải tạo thành cây cầu đi bộ, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Năm 2020, lần đầu tiên lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiến hành nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi sau khi hoàn thành việc nâng cấp, sữa chữa.

Và đến nay, thành phố Đà Nẵng mới phê duyệt chủ trương thí điểm án tổ chức phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Theo báo Nhân Dân.

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm