Cầu chữ Y: Từ binh lửa đến mở rộng, phát triển

Trần Hùng 166 lượt xem 20 Tháng Năm, 2021

Cầu chữ Y sắp được nâng cấp xây dựng. Chiếc áo mới sẽ phủ lên cây cầu gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử thú vị. 

Cau chu Y 1

“Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi” là câu vần nói về sáu cây cầu cổ, nổi tiếng của TP.HCM: cầu chữ Y, cầu Mống, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Thị Nghè và cầu Bình Lợi. Câu vần này không nói rõ về quy mô, thứ tự, trình tự thời gian xây dựng từng cầu. Vì lẽ cầu chữ Y là cầu sinh sau đẻ muộn nhất (1938-1941), nhì Mống (1893-1894), tam Bông (1763), tứ Đường (1925), năm Nghè (khoảng 1725-1750) và sáu Lợi (1902).

Tại sao “nhất Y”?Theo các chuyên gia cầu đường, đến nay cầu chữ Y vẫn là cây cầu cổ, độc nhất của TP cùng lúc vượt trên ngã ba của ba nhánh kênh Tẻ, Đôi và Tàu Hủ. Về mặt đường thủy, nó nằm trên trục kết nối phía Đông với phía Tây TP để nhánh Tàu Hủ đi theo bến Hàm Tử – Trần Văn Kiểu (xưa – nay là một phần của đại lộ Đông Tây – Võ Văn Kiệt) hình thành nên vùng sông nước trên bến dưới thuyền ở khu vực Chợ Lớn – Bến Bình Đông; nhánh kênh Đôi rộng hơn thì để cho ghe, thuyền lớn đi xa hơn nữa về miền Tây Nam bộ qua kênh Chợ Đệm. Về đường bộ, nó là cây cầu đầu tiên kết nối trục Bắc-Nam của TP.

Do “trấn” ở ngã ba ba nhánh kênh lớn nên ở cả ba hướng dòng chảy vào cầu đều có ba mặt dựng của ba trụ đỡ cho tam giác trung tâm phía trên mặt cầu. Trên ba mặt dựng này đều có các hình tròn biểu tượng cho mặt trời ở phía dưới và biểu tượng cây búa trừ tà, âm binh, thủy tặc ở phía trên. Chưa hết, trên doi đất giữa ba kênh, ở hướng kênh Tẻ đổ vào có một lô cốt kiên cố hướng ra như một trụ chống va và phía trên có bót canh với lỗ châu mai xỉa súng ra lòng kênh (ở các cầu lớn như Sài Gòn cũ, Bình Lợi… bót canh cầu đều nằm trên bờ sông).

Về mặt kỹ thuật, cầu chữ Y là “bài học” lớn, “kinh điển” về tĩnh không của cầu phù hợp với cấp độ, chiều rộng của sông, kênh. Với độ cao 6,3 m nó là độ cao chuẩn cho tất cả cầu sau này (cầu quay Khánh Hội cũ, cầu Calmette, cầu Chà Và cũ… không đạt chuẩn này và đều là cầu thấp nên sau này phải xóa bỏ). Sau này khi làm 11 cầu dọc theo đại lộ Đông Tây người ta đều phải lấy cao độ tĩnh không 6,3 m của cầu chữ Y làm chuẩn. Đó cũng là điều lý giải vì sao nhất Y!

Nhưng cầu chữ Y cũng là bài học đau đớn nhất về tổ chức giao thông khi nó cho phép cùng rẽ phải, trái ở khu vực trung tâm ba nhánh. Điều này dẫn đến xung đột, ùn tắc thường xuyên giữa cầu. Từ bài học này, những năm gần đây khi làm các cầu sắt chữ Y vượt các ngã ba, giao lộ (như Cây Gõ, Tân Sơn Nhất, ngã sáu Gò Vấp…) người ta chỉ làm các nhánh nhập, tách các dòng xe theo chiều tay phải.

Về mặt xã hội, tại sao lại là nhất Y? Những năm 1930-1940, cầu chữ Y bắc từ vùng Chợ Lớn sầm uất sang vùng đất sình lầy, đầy kênh rạch và nơi cư trú của nhiều giới giang hồ sống ngạo nghễ ngoài vòng pháp luật. Cư dân ở đây rất nghèo, có người quanh năm dính trên da chỉ có một áo, một quần (nhứt Y, nhứt Quỡn) nên khi ngồi bệt xuống bờ kênh nhậu, cởi phăng áo ra là ca: “Như ta đây là… dưn (dân)… nhứt Y… à!”.

Cau chu Y 2

Cây cầu của binh lửa

Theo bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), trước năm 1945, khu vực phía quận 8 ngày nay là nơi cư trú của nhiều giới giang hồ. Khi quân Nhật tiến vào Đông Dương, họ đã cho lập nhiều cơ sở đóng tàu gỗ dọc các tuyến kênh gần cầu Chữ Y với lực lượng nhân công hầu hết là tín đồ Cao Đài. Các chức sắc Cao Đài dưới sự che chở của quân đội Nhật thậm chí còn thành lập lực lượng bán vũ trang. Khi Nhật đảo chính Pháp, lực lượng quân sự Cao Đài tại Sài Gòn đã hợp tác với quân Nhật đánh chiếm các cơ quan của người Pháp. Từ lúc này, từ dưới các kênh lên đến mặt cầu Chữ Y trở thành trận địa của những cuộc giao tranh, binh lửa của quân Pháp, Nhật, Việt Minh và cả đội quân Cao Đài – Bình Xuyên…

Khi Pháp nổ súng để tái chiếm Nam bộ, nhiều anh chị giang hồ đã tập hợp lại thành lực lượng Bình Xuyên, dưới quyền chỉ huy của Dương Văn Dương, tham gia trong đội hình của lực lượng Việt Minh bao vây quân Pháp tại phòng tuyến phía nam Sài Gòn – Chợ Lớn (còn gọi là Mặt trận số 4). Quân Pháp nhiều lần mở các chiến dịch để hòng đánh bật quân Việt Minh ra khỏi các trận địa bao quanh cầu Chữ Y.

Tháng 9-1945, quân Pháp từ quận 5 tấn công lên cầu và đã bị quân Việt Minh ở hai nhánh cầu phía quận 8 và vùng xung quanh đánh trả quyết liệt, quân Pháp liên tiếp mở các đợt tấn công hòng chiếm cầu nhưng đều bị quân Việt Minh nhiều lần đánh bật trở lại. Cho đến hết tháng 9 sang đầu tháng 10-1945, quân Pháp vẫn không chiếm nổi cầu Chữ Y.

Đến nay, chứng tích ghi lại những ngày đầu Nam bộ kháng chiến ở khu vực cầu Chữ Y là tấm bia đặt ở Công viên Dạ Nam, ngửa mặt ra đường Phạm Thế Hiển, cách cầu khoảng 150 m.

Chiếc cầu lịch sử này còn tiếp tục là trận địa của hàng loạt trận đánh lớn, nhỏ kéo dài sau đó. Đặc biệt nó hứng chịu khá nhiều bom đạn từ các trận đánh.

Những lần sửa chữa

Cầu Chữ Y từng được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957. Đến năm 1992 mới thực sự là cuộc đại tu cầu Chữ Y. Trước đó, đến năm 1985, cầu hư hỏng, xuống cấp nặng nên tải trọng thiết kế ban đầu là 13 tấn buộc hạ xuống còn năm tấn. Các biện pháp sửa chữa, gia cố bê tông, tăng đà thép… đều mang tính chắp vá, tạm thời. Đã có đề xuất dỡ cầu cũ, làm cầu mới nhưng thời gian làm cầu mới sẽ rất lâu và quan trọng nhất lúc đó là TP thiếu tiền.

Năm 1989, hãng Freyssinet International chuyên sửa chữa cầu cũ với công nghệ cao, tiên tiến ở nhiều nước trên thế giới đưa ra phương án không chỉ cứu mà còn tăng khả năng chịu tải trọng cầu lên như ban đầu. Thậm chí trong khi cứu cầu, tăng tải, đơn vị vẫn bảo đảm xe cộ lưu thông qua cầu bình thường.

“Ở những chỗ cốt thép, bê tông mục bể được mở miệng rộng ra rồi luồn thép vào hàn cứng và phun bê tông khô có trộn phụ gia với áp lực cao vào. Nhờ đó bê tông, cốt thép ở điểm vá cứu đạt cường độ làm việc nhanh, đồng nhất với phần bê tông cốt thép cũ bao quanh. Với các dầm đơn cũ đang võng xuống, người ta dùng cáp dự ứng lực căng từ bên ngoài. Nhờ đó tiết diện dầm không đổi nhưng khả năng chịu lực được tăng lên rất cao…” – ông Vũ Kiến Thiết, nguyên Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT), một trong ba kỹ sư cầu đường đầu tiên của Việt Nam được Freyssinet đào tạo, chuyển giao công nghệ cứu cầu, nhớ lại.

Công việc cứu và tăng tải toàn bộ ba nhánh cầu Chữ Y và nâng tải trọng từ năm lên 13 tấn được làm trong hai năm 1991 và 1992 thì xong.

Cầu cũ giang tay đón cầu mới

Đến khoảng sau năm 2005, TP xây dựng đại lộ Đông Tây. Nhánh từ phía quận 8 đổ sang đường Nguyễn Biểu, quận 5 có chiều dài quá ngắn và tĩnh không chui dưới đường bến Chương Dương – Hàm Tử cũ chỉ là 3,3 m. Yêu cầu của mặt đường đại lộ Đông Tây mới là rộng trên 40 m, cho 10 làn xe và tĩnh không phải từ trên 4,5 m. Vì vậy TP buộc phải tháo dỡ, làm mới toàn bộ nhánh cầu Chữ Y từ quận 5 qua quận 8.

Điều thú vị là ba trụ tam giác trung tâm của cầu cũ được giữ nguyên và cánh tay đòn từ trong ba trụ này vẫn vươn ra. Từ trong bờ người ta đúc dầm hộp liên tục theo công nghệ mới và ra đến giữa kênh thì đúc cánh tay đòn. Hai cánh tay đòn của nhánh cầu cũ và nhánh mới vươn ra giữa kênh Tàu Hủ rồi thả hệ dầm đeo bằng thép vào giữa để hợp long cầu. “Thành công lớn nhất của nhánh cầu mới là được hai nhánh qua quận 8 đi về đường Hưng Phú và xuống đường Nguyễn Thị Tần sau hơn 23 năm được cứu, tăng tải vẫn vững vàng, khỏe mạnh giang tay kết nối và các nhánh cầu cũ mới đến nay vẫn “vô tư sánh duyên” với tải trọng đồng bộ toàn cầu là 13 tấn!” – ông Vũ Kiến Thiết nói.

Theo PLO

Bài viết cùng chủ đề:

    10

    Đặc sắc lễ Mừng lúa mới của người K’Ho

    Trong lễ Mừng lúa mới (Nhô lir bong) truyền thống của người K’Ho, các chàng trai, cô gái của buôn làng cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu, chóe rượu cần, mừng cho một mùa màng bội thu. Ngày 15.12, UBND H.Di Linh (Lâm Đồng) đã tổ chức phục dựng lễ Mừng lúa mới tại làng truyền thống...
    5 3

    Du ký Việt Nam: Tại phủ đệ Tuy Lý Vương

    Tôi từng có dịp tình cờ nói về Tuy Lý Vương [Nguyễn Phúc Thư]. Nhưng vài dòng là quá ít đối với một nhân vật tầm cỡ như vậy, nhân vật có thế lực nhất vương quốc sau nhà vua. […] Dù khá kín tiếng và hiếm khi bày tỏ tại hội đồng, nhưng do...
    1 8

    Làng cổ của người Tày

    Xã Tân Trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không chỉ ghi dấu trong những trang vàng của cách mạng Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày với những nếp nhà sàn cổ kính, cây đa hàng trăm năm tuổi… Dấu ấn...
    1 7

    Phát triển, đẩy mạnh quảng bá dịch vụ du lịch xanh

    Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9.12.2024 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Chỉ thị nêu: Ngày 1 tháng 10 năm 2024,...
    1 4

    Du ký Việt Nam: Lễ Nghinh Xuân

    Mỗi năm vua chỉ ra ngoài từ ba đến bốn lần, không nhiều hơn, đặc biệt là vào dịp lễ Nghinh Xuân, lễ Tịch Điền và lễ viếng lăng mộ của các vị vua mang tính bắt buộc. Lẽ ra chuyến du ngoạn vào dịp lễ Nghinh Xuân diễn ra cách đây sáu tuần. Một...

Được quan tâm