Cần kiên trì, biết khó để nỗ lực

Huyền Linh 88 lượt xem 19 Tháng Một, 2024

Đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy”. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Tại văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và Ngân hàng Nhà nước đã công bố Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Tuy nhiên, HoREA cũng nhận thấy, vẫn còn một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các bộ, ngành thực hiện đầy đủ. Từ đó, HoREA đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 132/2020 của Chính phủ theo hướng không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp (DN) trong nước có giao dịch liên kết” để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “DN có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.

1 51
Ông Lê Hoàng Châu

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, hiện các DN đưa về mức lợi nhuận khoảng 8 – 10%/năm, không còn đặt kỳ vọng siêu lợi nhuận như trước. Mục tiêu hàng đầu đặt ra là an toàn, phát triển bền vững, các chủ đầu tư buộc phải cân đối về cung – cầu, về sản phẩm nhà ở; đưa giá nhà về mức hợp lý để người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở. Nhưng muốn làm được điều đó, cần nhanh chóng gỡ nút thắt lớn nhất là vốn và pháp lý.

Ông Châu cũng cho rằng, cần có giải pháp khơi thông vốn tín dụng. “Tắc vốn xuất phát từ tắc pháp lý. Pháp lý không xong thì không vay được tiền. Do vậy 2 vấn đề lớn này cần sớm tháo gỡ. Đồng thời thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, các quỹ đầu tư BĐS phải được khơi thông để có vốn trung hạn chứ không chỉ phụ thuộc vốn ngân hàng” – ông Châu đề xuất.

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, “tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường”. Theo ông Thiên, chúng ta đang ở thời điểm có nhiều chính sách tốt và tập trung, nhưng việc thực thi chính sách không dễ. Cái khác thường làm tư duy thực thi bị cản trở, không dám làm. Do đó, khi đưa ra nghị quyết mới, giải pháp mới cần đi liền.

2 47
Ông Trần Đình Thiên

“Không thể trông chờ vào một giải pháp dễ dàng, nhanh chóng mà cần kiên trì, biết khó để nỗ lực” – ông Thiên nói đồng thời cho rằng các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường BĐS khó cả cung lẫn cầu. Việc phân tích đầy đủ cầu cho thị trường BĐS để tìm được cách tiếp cận tốt nhất. Nếu không, chúng ta xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. Đây là điểm mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách.

Ông Thiên nêu vấn đề: Khi mà BĐS tồn kho tăng, nhiều dự án tốt nhưng vướng mắc, chưa đưa tới thị trường thì xử lý thế nào? Nhà nước có mua lại dự án đó để tạo lòng tin cho DN và người mua không? “Tôi cho rằng, giải pháp này cơ bản nhằm gỡ cho dự án tốt, lớn nhưng lại đang tắc” – ông Thiên nói.

Riêng về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, theo ông Thiên, nhu cầu của các địa phương với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách khác nhau nên phải có chính sách bảo đảm cho địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn, chứ không nên có chính sách giống nhau khiến địa phương không có quyền chủ động.

“Để bảo đảm điều kiện DN cả phía cung lẫn cầu thì nên có quỹ bảo lãnh cho vay, nếu không khó lòng bảo đảm rủi ro cho ngân hàng. Thị trường đang rất cần Nhà nước tung ra những hỗ trợ mạnh hơn giúp vực dậy thị trường BĐS” – ông Thiên chốt lại ý kiến phát biểu tại một hội nghị trực tuyến về BĐS.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Bài viết cùng chủ đề:

    1 13

    Hồn quê

    Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng gà trống gáy vang trời, tiếng gà mái mẹ cục tác dẫn đàn con đi bới đất kiếm ăn là chúng tôi biết chắc rằng mặt trời phải lên cao tận đỉnh đầu. Nghe tiếng lọc cọc từ chiếc giỏ xe gắn hờ hững trước càng xe đạp, anh...
    2 11

    Nhớ lại khoảnh khắc bác sĩ Yesin ‘phát hiện ra Đà Lạt’

    Sau hai ngày đường, vào 15h30 ngày 21/6/1893, bác sĩ Yersin bước ra khỏi rừng thông và nhìn thấy một cao nguyên tuyệt đẹp: Cao nguyên Lâm Viên. Đây chính là khoảnh khắc “phát hiện ra Đà Lạt” được ghi lại trong sử sách. Là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Đà...
    10 2

    Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận di ảnh màu ’10 Cô Gái Lam Hạ’

    Sáng 23/7 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim Người lính” phối hợp với câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”; Tạp chí Môi trường và Đô thị, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… giới thiệu di ảnh màu “10 Cô Gái Lam Hạ”, Tác phẩm Nhật ký “Trở về trong giấc mơ” và trao...
    2 34

    Ứng dụng công nghệ 5.0 phát triển nông nghiệp bền vững

    Chiều 23/7/2024, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” tại Hà Nội. Trên nền tảng công nghiệp 4.0, công nghệ 5.0 là cơ hội to lớn, gợi mở tầm nhìn về...
    2 33

    Vĩnh Phúc: “Làng văn hóa kiểu mẫu” tiếp tục được triển khai sâu rộng

    6 tháng đầu 2026, công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục được triển khai sâu rộng. Song song là các hoạt động văn hóa, báo chí, thể thao từng bước ổn định...

Được quan tâm