Xoay sở sống sót gần 3 thế kỷ giữa sa mạc và được mệnh danh là cây “cô đơn” nhất thế giới, cây Ténéré lại có kết cục khó ai lường trước được.
Sa mạc không phải là nơi dễ sống, nhất là với những loài không có khả năng tìm nơi tránh khỏi cái nóng triền miên của mặt trời. Tuy nhiên, một cây keo đã tồn tại trên sa mạc Ténéré (thuộc Sahara) suốt hàng trăm năm. Điều đáng buồn là cái chết của nó lại do con người gây ra.
“Ngọn hải đăng sống” giữa sa mạc
Cây Ténéré là một cây keo sống ở sa mạc cùng tên, thuộc ranh giới Sahara phía đông bắc Niger. Dù nổi danh vì là cây cô đơn, trước kia nó nằm trong một cụm cây lớn hơn. Trên thực tế, hàng nghìn năm trước, khu vực này có lẽ từng được bao phủ bằng rừng. Khi khí hậu thay đổi và mưa ít dần, số lượng cây đã giảm xuống và biến mất.
Khi được ghi nhận lần đầu trong tư liệu của các nhà thám hiểm phương Tây, đây là cây xanh duy nhất trong bán kính 400 km tính từ cây Ténéré, xung quanh chỉ là cát.
Nó trở thành một biểu tượng, cột mốc của địa phương, được các đoàn du mục và khách du hành sử dụng để định hướng trong những chuyến đi mạo hiểm. Suốt hàng trăm năm, các đoàn lạc đà chở muối, chà là và những loại hàng hóa khác đều dừng chân tại cây.
Khi Michel Lesourd, một chỉ huy của quân đội Đồng minh, thấy cây keo này vào năm 1939, ông rất sửng sốt khi biết có thứ sống nổi trông điều kiện khắc nghiệt như vậy. “Người ta phải thấy mới dám tin cây tồn tại. Bí mật của nó là gì? Sao nó có thể tồn tại với sự xuất hiện của những con lạc đà? Sao vô số người Touareg không cắt cành của nó để nhóm lửa pha trà?”, ông viết.
Tàn phá cây là điều cấm kỵ với dân du mục. Đó là mệnh lệnh của bộ tộc mà tất cả phải tôn trọng. Hàng năm, người Touareg tụ họp quanh cây trước khi bắt đầu hành trình đi qua sa mạc Ténéré. Cây keo đã trở thành một ngọn hải đăng sống, là dấu mốc cuối cùng trước khi người Touareg rời Agadez đến Bilma, cũng là nơi đầu tiên đón họ trở về.
Chính vì thế, không một cành cây nào bị cắt xuống để nhóm lửa, và lạc đã không được phép ăn lá của Ténéré. Vai trò “hải đăng” và điểm gặp gỡ dẫn đến việc một chiếc giếng được đào ở đây năm 1938. Khi khoan xuống lòng đất để tìm nước, họ phát hiện ra cây sống sót suốt nhiều thế kỷ nhờ bộ rễ đâm sâu 35 m xuống nguồn nước ngầm.
Cái chết xui xẻo sau 300 năm sinh tồn
Cây keo chỉ cao vài mét, với vài cành còn lá xanh vẫn cố gắng bám chặt lấy sự sống đã trở thành biểu tượng cho sự bền bỉ mà người sống trên sa mạc cần có để sinh tồn. Nhưng hai sự cố không may đã kết thúc cuộc đời của Ténéré.
Vụ va chạm với ôtô đầu tiên của cây xảy ra vào những năm 1940, khi một tài xế bất cẩn đâm vào cây, khiến một trong hai thân cây bị gãy. Anh ta cắt thân gãy đi để che giấu vụ việc. Cây keo có vị trí quan trọng với người địa phương đã bị tổn hại nặng nề, nhưng vẫn sống sót.
Một tài xế xe tải khác cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho cây Ténéré. Năm 1973, thân còn lại bị một tài xế người Libya đâm phải và gãy đôi, khiến cây chết hẳn. Một vài người cho rằng anh ta say rượu, nhưng không có bằng chứng cho thấy điều đó là sự thật. Có thể anh ta ngủ gật, hoặc một đám bụi bất ngờ che khuất tầm nhìn. Dù sao, sau gần 300 năm, cuối cùng cây cũng không thoát khỏi số phận như những đồng loại của mình.
Những gì còn lại của cây được đưa về Bảo tàng Quốc gia Niger ở Niamey vào cuối năm đó, một đài tưởng niệm được xây dựng ở nơi cây từng sống. Được làm từ sắt và trông như cột ăng-ten, đài tưởng niệm này khó có thể sánh nổi với vẻ đẹp độc nhất vô nhị của nguyên bản.
Dù đã chết hơn 50 năm, câu chuyện về Cây Ténéré vẫn được lưu truyền. Sự tồn tại kỳ diệu của nó cuối cùng chấm dứt bởi vận đen. Điều bí ẩn thực sự là tại sao hai tài xế có thể đâm trúng một cây sống duy nhất giữa sa mạc.
Theo Zing News