Bối Khê – ngôi chùa cổ nức tiếng vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Huyền Linh 89 lượt xem 3 Tháng Ba, 2025

Chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Với những giá trị quý về kiến trúc, lịch sử, văn hóa…, chùa Bối Khê vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngôi chùa vừa thờ phật, vừa thờ thánh

23
Chùa Bối Khê. Ảnh: Minh Phú

Theo các tư liệu do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cung cấp, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê có tên chữ là “Đại Bi tự”, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng phủ Ứng Thiên xưa kia và thành phố Hà Nội ngày nay với không gian, cảnh quan thông thoáng. Đây là ngôi “già lam cổ tự” được khởi dựng từ thời Trần trên bờ Đỗ Động giang. Chùa được trùng tu và mở rộng 8 lần dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Kiến trúc và hiện vật trong chùa đều vương dấu tích của những triều đại này.

Ngoài thờ Phật, chùa Bối Khê còn là nơi thờ Thánh Nguyễn Bình An. Đức Thánh Bối là người có thực, vị thiền sư đắc đạo sống giữa thời Trần. Ngài thuộc dòng họ Nguyễn, sinh năm Tân Tỵ (năm 1281) đời vua Trần Nhân Tông. Sau đắc đạo, tu trì thành phẩm Bồ tát chân nhân.

Ông Lê Huy Trọng, Ban Chấp hành Chi hội người cao tuổi thôn Song Khê, xã Tam Hưng cho biết, chùa Bối Khê có rất nhiều điểm đặc biệt. Điểm đầu tiên đó là cổng vào chùa. Thông thường các chùa chỉ có 3 cổng gọi là tam quan, nhưng chùa Bối Khê có tới 5 cổng, gọi là ngũ môn. Đi tiếp một đoạn nữa tới gác chuông, nếu như ở các chùa khác, gác chuông thường chỉ có 1 quả, thì ở Bối Khê có 2 quả đúc năm 1338 và khoảng năm 1410.

24
Thông thường các chùa chỉ có 3 cổng, gọi là tam quan, nhưng chùa Bối Khê có tới 5 cổng, gọi là ngũ môn. Ảnh: Minh Phú

Cũng theo ông Trọng, là ngôi chùa vừa thờ phật, vừa thờ thánh, nên Bối Khê có kiến trúc độc đáo. Chùa có kết cấu theo kiểu “Nội công, ngoại Quốc” quay theo hướng Tây, bao gồm các hạng mục: Đền đức ông, vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, tam quan, nhà bia – sắp lễ, chùa Phật, điện Thánh, nhà tổ – nhà mẫu và nhà khách.

Hiện chùa Bối Khê vẫn giữ được khá nhiều dấu tích của ngày khởi dựng, như bệ đá hoa sen thời Trần, chim thần Ga-ru-đa tạc bằng gỗ ở đầu đao thượng điện, chân đèn đá, tượng và gạch thời Mạc, tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật rất cao. Đặc biệt, ở phần điện Thánh kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu củng, là một tác phẩm tuyệt tác của nghệ thuật tạo hình.

Trong số hơn 50 pho tượng ở chùa, đáng chú ý là tượng Quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại Xương Phù lục niên (1382), triều vua Trần Phế Đế. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ cảm xúc của gương mặt, tư thế khác nhau.

25
Nếu như ở các chùa khác, gác chuông thường chỉ có 1 quả, thì ở Bối Khê có 2 quả chuông. Ảnh: Minh Phú

Sau điện thánh, chùa Bối Khê còn có hầm địa đạo là nơi xưa kia du kích của làng đã đào để hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp. Hiện địa đạo được khôi phục lại một phần, có thể đón khách xuống tham quan, trải nghiệm. Chùa Bối Khê có nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây đề và cây đa lớn ngoài cổng đã được công nhận là cây di sản. Bên cạnh đó còn có cây sen đất gắn liền với hình ảnh chùa Bối Khê.

Trùng tu, tôn tạo và khai thác giá trị của di tích

Ông Lê Huy Trọng, Ban Chấp hành Chi hội người cao tuổi thôn Song Khê, xã Tam Hưng thông tin, người Tam Hưng rất tự hào bởi có Đức thánh Bối là người làng mình. Đức Thánh được thờ trong chùa là biểu tượng hướng dân làng luôn hướng đạo, làm nhiều việc thiện, chăm lo cho con cái học hành tiến bộ, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

26
Phiến đá cổ ở chùa Bối Khê gắn với những câu chuyện lịch sử, văn hóa ở địa phương. Ảnh: Minh Phú

Lễ hội chùa Bối Khê diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài lễ hội được tổ chức như các lễ hội khác, tại chùa Bối Khê còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê – Tiên Lữ (Làng Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ nơi Thánh Bối trụ trì và tu hành đắc đạo ở chùa Trăm Gian). Lễ hội chùa là dịp để đông đảo du khách thập phương và nhân dân địa phương đến chùa dâng hương lễ Phật, lễ Thánh và tham dự các trò vui trong ngày hội. Bà Vũ Thị Mai (65 tuổi) ở phường Quang Trung, quận Hà Đông chia sẻ, đã hơn 20 năm nay, vào mỗi dịp đầu xuân, bà đều duy trì về chùa Bối Khê lễ Phật, lễ Thánh, cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an cho cả gia đình. Đây là ngôi chùa cổ rất đẹp và thanh tịnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Nguyễn Văn Hợp, chùa Bối Khê đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm trùng tu, tôn tạo thường xuyên. Trong những năm gần đây, một số hạng mục được trùng tu như 18 vị La Hán 2 bên hành lang chùa; 2 bên nhà vong phía sau Điện Thánh; khôi phục lại 1 đoạn hầm địa đạo nơi xưa kia nhân dân đã đào phục vụ kháng chiến chống Pháp…

27
Nét cổ kính ở chùa Bối Khê. Ảnh: Minh Phú
28
Một góc chùa Bối Khê. Ảnh: Minh Phú

Chùa Bối Khê được đánh giá là một trong 6 chùa lớn và cổ nhất tỉnh Hà Tây (cũ), gồm: Chùa Hương, chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương và chùa Trăm Gian. Với những giá trị quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của chùa Bối Khê, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục chăm lo trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích. Đồng thời, có giải pháp để khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ngày 7/2/2025 (tức 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê và khai hội Xuân Ất Tỵ 2025.

Theo Hànộimới

Bài viết cùng chủ đề:

    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...

Được quan tâm