Hải Vân Sơn không chỉ ẩn chứa những bí mật lịch sử thời “mang gươm đi mở cõi”, mà dưới vịnh ngọc còn loài thuỷ quái kỳ lạ bậc nhất nước Nam có tên Kamara.
Từ xưa đến nay, trên con đường xuyên Việt không thể nào không ngang qua Hải Vân Sơn. Tương truyền, đó từng là ranh giới địa lý, phòng tuyến quân sự quan trọng bậc nhất của đất nước Chămpa xưa.
Sính lễ cưới Huyền Trân
Đèo Hải Vân là cửa khẩu quan trọng nằm trên một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển lớn. Hải Vân cũng là ranh giới địa lý Chămpa với Đại Việt thời xưa. Với hình thế hiểm trở, Hải Vân có đường đèo dài nhất và độ dốc cao nhất nước ta. Di tích Hải Vân Quan cao 496m so với mực nước biển, được xây dựng từ thời vua Minh Mạng.
Theo người dân địa phương, Hải Vân là tên mới của địa danh, còn trước đây đèo có tên là Ải Vân hoặc đèo Mây vì quanh năm mây phủ. Đèo Hải Vân ngày trước thuộc hai châu Ô và Rí của vương quốc Chămpa. Nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông chính là Trung Trung Bộ – một “tiểu vùng văn hóa” trong vùng văn hóa miền Trung.
Đây là hai ngọn đèo nổi tiếng về sự hiểm trở, đồng thời cũng là hai cái mốc trong địa lý lịch sử nước ta. Từ năm 1306, đám cưới của vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân nhà Trần đưa vùng đất này thuộc về Đại Việt. Từ đó, người địa phương còn gọi Hải Vân là đất sính lễ.
Năm 1471, sau trận chiến ác liệt của vua Lê Thánh Tông ở thành Đồ Bàn, đèo Cù Mông trở thành ranh giới mới giữa hai quốc gia: Phía Bắc thuộc về Đại Việt và phía Nam, theo sử sách thì vua Lê đã chia làm ba tiểu quốc: Hoa Anh, Nam Bàn và Chămpa. Mãi đến năm 1611 khi thành lập phủ Phú Yên, đèo Cù Mông mới hết vai trò ranh giới quốc gia.
Đường quốc lộ 1A đoạn qua Hải Vân cũng có cái tên khác là đường Cái Quan. Dân hai vùng hầu như không dám sống gần đèo Hải Vân vì thời đó, khu vực này rất phức tạp bởi những nhóm phỉ chuyên đi cướp bóc. Và hơn thế nữa là thú dữ như hổ, báo nhiều vô kể. Mãi đến thời Pháp thuộc, khi đường sắt được xây dựng chạy qua thì người dân mới dám đến tìm sinh kế.
Đệ nhất hùng quan
Đèo Hải Vân không hiểm trở bằng tứ đại đỉnh đèo là Ô Quý Hồ, Pha Đin, Khau Phạ hay Mã Pì Lèng nhưng lại nổi tiếng hơn các nơi khác, bởi có “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đó là một công trình kiến trúc, đến nay vẫn còn sừng sững như cổng trời.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan thực chất là một cửa ải mang tên Hải Vân Quan được xây từ thời nhà Trần. Trong một số tư liệu còn ghi lại thời gian nhà Trần xây dựng và cung cách nhà Nguyễn trùng tu lại. Hiện trạng ấy đến nay vẫn được giữ khá nguyên vẹn.
Cửa trông về phủ Thừa Thiên có đề ba chữ Hải Vân Quan, cửa trông xuống Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là danh xưng do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi dừng quân tại đây vào năm 1470.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên” cũng có ghi chép khá tỉ mỉ: “Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc.
Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”.
Vào năm Nhâm Dần (1602), chúa Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ nầy là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thể, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”.
Đến năm 1714, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tuần hạnh Quảng qua núi Hải Vân có ngự đề bài thơ: Việt hiểm ải thử sơn điên/Hình thế hồn như Thục đạo thiên/Đãn kiến vân hoàng tam tuấn lãnh/Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên. (Chót núi nầy là hiểm trở nhất ở Việt Nam/Hình thể giống như đường đi ở đất Thục/Chỉ thấy mây giăng trên ba núi lớn/Không hay mình ở trên mấy tầng trời).
Thời quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1774 – 1786), Lê Quý Đôn viết sách “Phủ biên tạp lục” cho biết trên đỉnh đèo Hải Vân có một “đồn tuần quán Ải” và quân Trịnh “đã cho làm tại đỉnh đèo Hải Vân một dãy lũy kiên cố, để chống giữ với những bất trắc ở phía Nam”.
Khoảng trung tuần tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), đạo quân chủ lực của Tây Sơn không đánh lũy Hải Vân từ phía Đông Nam. Đại quân theo đường thượng đạo phía Tây Nam Phú Lộc, leo lên đỉnh Hải Vân rồi từ trong mây mù trên cao tấn công xuống. Bị đánh bất ngờ, quân Trịnh phải bỏ luỹ tháo chạy nhưng không thoát, tất cả bị bắt hoặc bị giết. Chủ tướng quân Trịnh là Hoàng Nghĩa Hồ phải bỏ mạng sa trường.
Thời Gia Long (1802 – 1819), theo đại úy Rey trên đỉnh Hải Vân không có sự phòng thủ nào quan trọng. Chỉ có một cơ quan thu thuế nhỏ, vài quán ăn, nơi ở bình dân. Đến nay, “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã trở thành một di tích đặc biệt thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.
Cá ăn “hoa ngãi”… hóa rồng
Từ trên đèo Hải Vân nhìn xuống sẽ thấy một vịnh ngọc đẹp như tranh vẽ. Nhưng câu chuyện về vịnh ngọc này còn hàm chứa bí ẩn liên quan đến loài cá hóa rồng vì ăn được loài hoa lạ.
Chuyện này do hoà thượng Thích Đại Sán khám phá ra và tâu bẩm lại cho chúa Đàng Trong là Hiển Tông hoàng đế Nguyễn Phúc Chu. Tuy nhiên, theo những cao niên sống ven đèo Hải Vân thì không phải loài cá nào cũng có thể hoá rồng khi ăn được “hoa ngãi”.
Loài cá được cho là hoá rồng khi ăn “hoa ngãi” ở Hải Vân Sơn là Bạch ngư, từng được vua Minh Mạng ban tên là Nhân ngư. Thậm chí, sử sách còn ghi lại câu chuyện đầy màu sắc liêu trai rằng, lấy mỡ của loại cá này thắp đèn, chiếu vào chỗ cờ bạc thì tối, chiếu vào chỗ đọc sách thì sáng. Điều ấy khác hẳn với mỡ một số loại cá khác khi “ăn hoa hoá rồng”.
Theo các cao niên ở Hải Vân, loài cá hoá rồng này thường hay xuất hiện ở vịnh ngọc để chờ “hoa ngãi” rụng xuống. Tuy nhiên, chưa có bất cứ ai nhìn thấy loài hoa này và người ta cũng chẳng biết loại “hoa ngãi” là hoa gì.
Có một số giải thích cho rằng, “hoa ngãi” là hoa của một loại cây ngải dùng để yểm bùa. Loài ngải này chỉ sống ở những nơi thâm sơn cùng cốc, nhiều âm khí, trong các ngách đá của Hải Vân Sơn. Khi hoa của loại ngải này rơi xuống biển, loài cá có “duyên cơ” ăn vào sẽ hoá rồng.
Chuyện xa xưa chẳng biết thế nào, không xác định được là đúng hay sai. Nhưng về loài cá hoá rồng được coi là thủy quái dưới chân Hải Vân Sơn bên vịnh ngọc thì cho đến nay còn nhiều bí ẩn.
Một trong những bí mật ấy, hiện được trưng bày trong Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng. Loài thủy quái có tên Makara với biết bao những huyền thoại được thêu dệt suốt 20 cây số kéo dài từ đầu đến cuối đèo Hải Vân.
Tư liệu về loài thuỷ quái Makara khá khiêm tốn, Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng cũng chỉ có ít dòng ghi chép thuyết minh về tượng điêu khắc. Theo thần thoại Ấn Độ, Makara là loài thủy quái – vật cưỡi của thần Varuna (thần biển) và cũng là vật cưỡi của nữ thần Gangadevi (nữ thần sông Hằng).
Truyền thuyết khác cho rằng, Makara là loài vua rắn nước có nhiệm vụ mang nước đến cho mùa màng bội thu, được con người thờ cúng. Cơ thể Makara là sự tổng hòa các đặc điểm của cá sấu, voi và rắn, biểu tượng cho nước và cầu vồng. Trong đó, rắn là cầu vồng, voi là sương mây và mưa, đem lại sự sống.
Trong điêu khắc Chăm, Makara còn được gọi là rồng, thường hay thể hiện thành một cặp đôi đối xứng nhau, đặt ở lối vào các ngôi đền, giữ gìn sự yên tĩnh, tôn nghiêm cho nơi thờ cúng, trú ngụ của các vị thần linh.
Rồng thường được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm, hiện vật còn lại cùng cặp với hiện vật Makara tại Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp).
Trong kinh văn Phật giáo có rất nhiều Phật thoại kể về thuỷ quái Makara biết hồi đầu hướng thiện, cứu giúp thế nhân. “Đại bi kinh” kể rằng, Makara nuốt nguyên một chiếc thuyền lớn chở đoàn thương buôn vào bụng. Song khi nghe các thương nhân niệm Phật, Makara liền sinh tâm kính ái, há miệng nhả thuyền ra. Về sau khi lâm chung, Makara được tái sinh làm người.
Theo báo Giáo dục và Thời đại