Sự kỳ bí về khu mộ cổ Đống Thếch ở Hoà Bình sau 400 năm vẫn chưa được khám phá hết. Những phiến đá bí ẩn vẫn đứng sừng sững giữa “thánh địa” của nhà lang xứ Mường.
Là một di tích lịch sử quốc gia, Khu mộ Mường Đống Thếch nằm ở đầu thung lũng thuộc xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, Huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có từ thế kỷ 17.
Khu mộ như một rừng đá, cột đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m. Những viên đá khắc dòng chữ đã mờ theo thời gian càng tăng thêm vẻ huyền bí của khu mộ cổ này.
Đến trước năm 1975, khu mộ cổ Đống Thếch vẫn còn nguyên vẹn với hàng nghìn cột đá to, nhỏ được chôn dày đặc xung quanh mộ trông như một “rừng đá”. Trên các phiến đá lớn ở nhiều ngôi mộ có khắc chữ Hán ghi lại ngày, tháng, năm sinh, năm mất, tước hiệu của chủ nhân và năm, tháng dựng mồ.
Năm 1984, Viện Khảo cổ Việt Nam khai quật khu mộ cổ này. Qua đó đã thu được 207 hiện vật gốm sứ gồm: bát, đĩa, bình, lọ…, 260 hiện vật bằng đồng là tiền đồng, bát đồng, đinh đồng… và 25 hiện vật bằng bạc như: dây bạc, vòng bạc, ống bạc… Năm 1996, khu mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng đã được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia.
Khu mộ cổ là một câu chuyện dài về dòng họ Đinh – dòng họ quan lang có nhiều nhân tài giúp nước. Để tìm hiểu rõ hơn về những bí ẩn xung quanh khu mộ cổ Đống Thếch, PV đã tìm về nhà ông Đinh Công Dung – hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Đinh xứ Mường.
Ông Dung chậm rãi giở từng trang của cuốn gia phả rồi giải thích: Những ngôi mộ ở đây đều là dòng dõi họ Đinh Công, thuộc hàng “danh gia vọng tộc” lúc bấy giờ. Dòng họ Đinh ở vùng đất Mường Động được khai lập bởi cụ Đinh Như Lệnh nay vẫn được thờ là Thành Hoàng làng.
Theo gia phả và truyền thuyết, từ thời xa xưa, cụ Đinh Như Lệnh sinh được hai con trai: Trưởng nam là Đinh Quý Khiêm, thứ nam là Đinh Văn Hương. Đinh Quý Khiêm kế tục là thổ tù, gặp lúc triều Lê dựng nước, ông có công phò vua nên được ban “Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu” vẫn được làm quan coi sóc xứ Sơn Tây.
Trải qua nhiều thế hệ, đến thời cụ Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê Trung Hưng chống giặc và xây dựng triều chính. Do có công với nước nên khi qua đời, cụ Đinh Công Kỷ đã được mai táng theo tước hầu. Quan tài bằng gỗ trám đen. Đặc biệt do có công với triều Lê nên khi dựng mộ ông Đinh Công Kỷ, nhà Lê đã chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ.
Ông Dung chia sẻ thêm, trước đây khu mộ cổ Đống Thếch có hàng trăm ngôi mộ của dòng họ Đinh ở Mường Động, với những tấm bia đá bao quanh có khắc văn tự bằng chữ Hán. Trong nhiều năm không được trông giữ, kẻ gian đã xâm hại nơi đây khiến khu mộ bị biến dạng, nhiều cột đá cổ đã bị lấy cắp. Khu mộ cổ Đống Thếch là những hiển hiện lịch sử cho sự chìm nổi của dòng họ Đinh.
Theo chính quyền xã Vĩnh Đồng, khu mộ cổ Đống Thếch là một di tích khảo cổ học cung cấp nhiều thông tin quý giá về xã hội Mường cổ và tục mai táng của người Mường nói chung, của dòng họ Đinh Công ở Mường Động nói riêng.
Theo Bảo tàng lịch sử Việt Nam, khu mộ cổ Đống Thếch hiện thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hoà Bình) là khu di tích có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử quan trọng, cung cấp những chứng cứ khoa học về đời sống văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Mường. Đống Thếch là tên gọi của khu mộ Mường Động cổ thời Lê, là nơi chôn cất những người thuộc dòng họ Đinh – dòng họ quan Lang cai quản vùng Mường Động có thế lực mạnh nhất giai đoạn thế kỷ XVI đến XVIII.