Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: Vai trò của nghệ nhân và cộng đồng

Huyền Linh 194 lượt xem 27 Tháng Mười Hai, 2023

Nhằm đánh giá công tác bảo vệ di sản phi vật thể tại Việt Nam, ngày 26/12 tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức hội thảo “20 năm bảo vệ di sản phi vật thể tại Việt Nam từ UNESCO đến cộng đồng”.

500
Nghệ thuật chầu văn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: P. Sỹ.

15 di sản được UNESCO ghi danh

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau. Qua công tác kiểm kê của Cục Di sản văn hóa, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. 534 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người.

TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, việc phê chuẩn Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và tích cực hoạt động trong khuôn khổ Công ước trong 20 năm qua đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn đã được cập nhật và bổ sung vào hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam đồng thời đẩy mạnh quá trình ứng dụng vào cuộc sống.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, do sự phát triển của du lịch và các yếu tố khác, nhiều cộng đồng bị gạt ra bên lề của quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Coi trọng lợi ích cộng đồng

Ông Sơn cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể rất cần sự tham gia của các cộng đồng. Tuy nhiên, việc huy động cộng đồng phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức hoạt động và không đáp ứng việc tổ chức hoạt động một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cả nhà tổ chức và cho cả cộng đồng.

GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nêu quan điểm, nghệ nhân là một trong những nhân vật quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với vai trò của mình, nghệ nhân không chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì, lưu giữ, truyền dạy cho những thế hệ sau những giá trị văn hóa của dân tộc. Từ đó, vấn đề được đặt ra là chính sách đối với nghệ nhân. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, cách ứng xử, thái độ trân trọng, cầu thị đối với các nghệ nhân để họ đem hết trí tuệ, tài năng của mình ra cống hiến cho địa phương, đất nước. Nếu có một sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và những người yêu quý văn hóa truyền thống, chúng ta sẽ khuyến khích được sự cống hiến này của các nghệ nhân – báu vật nhân văn sống của nhân loại và đương nhiên là của đất nước chúng ta.

Năm 2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này; đồng thời đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu. Hội thảo diễn ra đúng thời điểm chúng ta đang chuẩn bị sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Bài viết cùng chủ đề:

    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...
    1 6

    Hơn 500 nghệ sĩ tham gia đại nhạc kịch bán thực cảnh ‘Ký ức để lại’

    Đại nhạc kịch bán thực cảnh “Ký ức để lại” có sự tham gia của hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp, cùng 120 chiến sĩ Công an nhân dân, đội quân khuyển, kỵ binh và nhiều khí tài quân sự. “Ký ức để lại” là chương trình nghệ thuật chính luận dàn dựng theo hình...
    1 5

    Rừng cẩm liên thay lá ‘nhuộm trắng’ núi Minh Đạm

    Tháng Ba, rừng cẩm liên vào mùa thay lá, khoác lên núi Minh Đạm (Bà Rịa – Vũng Tàu) sắc trắng lạ mắt, nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Núi Minh Đạm nằm cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 15km, có độ cao 355 mét so với mực nước biển. Đây là...

Được quan tâm