Tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là cách để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp; từng bước xây dựng trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, điệu Hò Đồng Tháp kế thừa, tiếp thu những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của hát ru như: Thang âm, điệu thức, hơi, đường nét giai điệu, âm hưởng luyến láy để phát triển, tạo thành yếu tố đặc trưng của một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian riêng. Qua điệu hò, người ta thấy có vóc dáng hệ thống điệu thức Oán trong ca nhạc tài tử. Người ta thường gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào câu hò, với đối tượng là con người và cảnh vật thiên nhiên.
Đặc trưng hò ở Đồng Tháp là một loại hò trên đồng nước, âm điệu Hò Đồng Tháp thể hiện rõ tâm tư, tình cảm của con người. Đây là một âm điệu đặc biệt được hò ở tốc độ chậm, buông lơi, nhịp điệu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng, có lúc thật thấp, có lúc thật cao.
Để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hò Đồng Tháp, tỉnh đã “Sưu tầm – Nghiên cứu – Phục hồi điệu Hò Đồng Tháp”; tổ chức mở lớp tập huấn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hiện nay có hơn 300 người biết hò, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa.
Tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án “Sân khấu học đường”; lồng ghép trong phong trào “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, mở lớp dạy Hò Đồng Tháp cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và hệ thống Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trong toàn tỉnh, giúp học sinh có niềm đam mê, yêu thích, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Đờn ca tài tử đã đang phát triển khá mạnh tại tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là tại thành phố Cao Lãnh. Đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong thành phố phát triển mạnh mẽ.
Ông Ngô Hoàng Việt – Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh thành phố Cao Lãnh cho biết: Đờn ca tài tử cần duy trì sinh hoạt đều đặn, giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác. Hiện thành phố Cao Lãnh thành lập được 47 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, với 530 thành viên tham gia hoạt động vào dịp lễ kỷ niệm hay trong chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình với những buổi tuyên truyền An toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Từ đó, đã góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhiều tầng lớp công chúng, ở thành phố Cao Lãnh, hầu như mỗi ấp, khóm đều có từ một đến ba Câu lạc bộ đờn ca tài tử.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc triển khai bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu 50% – 70% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp xã; khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn thành lập 1 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp khóm, ấp.
Tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình hoạt động Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện ở 10 huyện, thành phố còn lại. Đồng thời duy trì việc tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh mỗi năm 1 lần và cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần; tham gia các cuộc hội thi, liên hoan cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc; giao lưu Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin góp phần đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.
Theo Baotintuc