Một suy nghĩ phổ biến lâu nay là việc bảo tồn di sản văn hóa chủ yếu là trách nhiệm của các tổ chức bên nộngoài cộng đồng như cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ. Nhưng thực ra, quan trọng nhất là bản lĩnh của cg đồng sở hữu di sản.
Đây là quan điểm được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra trong hội thảo “Di sản sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm” do Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức ngày 1-12 tại Hà Nội.
Những đổi thay từ di sản
Không khó để nhận ra những năm gần đây di sản văn hóa đã được cộng đồng chủ nhân của di sản trên khắp cả nước sử dụng để nâng cao thu nhập cho người dân.
Các dự án Kết nối di sản của Hội đồng Anh mấy năm qua hỗ trợ cho các làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp của người Chăm Ninh Thuận hay dự án phục hồi di sản thuyền độc mộc và không gian cồng chiêng của người Jarai… đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho di sản và cho chính đời sống của người dân.
Với dự án phục hồi di sản thuyền độc mộc và không gian cồng chiêng của người Jarai, những chiếc thuyền độc mộc được sửa chữa không chỉ được lưu trữ hoặc bị bỏ lại tại bến sông, mà thay vào đó đã được sử dụng trong lễ hội đua thuyền trên sông Pô Kô.
Lễ hội độc đáo này sau khi được hồi sinh đã chứng tỏ có tiềm năng lớn cho sự phát triển du lịch. Hai năm tổ chức lại lễ hội cho thấy nó đã thu hút hàng nghìn du khách đến khu vực này.
Dự án cũng giúp hình thành một đội ngũ diễn viên người Jarai.
Giờ đây khi các chủ nhà hàng địa phương có nhu cầu, đội ngũ “diễn viên” này sẽ tới biểu diễn cồng chiêng và múa xoang cho khách du lịch trong và ngoài nước (trước đây họ chỉ biểu diễn tại các buổi lễ cộng đồng). Điều này giúp họ có thêm thu nhập.
Với làng gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp, sản lượng làm ra cũng như lượng khách hàng tăng lên rõ rệt.
Dự án phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một dự án của Viện Goethe Việt Nam.
Chị Lê Thị Loan – quản lý dự án – cho biết 60 hộ dân trước đây sống bằng độc canh cây keo trong môi trường sống của voọc chà vá chân xám đã được hỗ trợ học làm du lịch cộng đồng như một sinh kế thay thế trồng keo trước đây không bền vững về mặt kinh tế và môi trường.
Những hộ dân này trả lại đất trồng keo để phục hồi rừng nguyên sinh. Họ được sang Thái Lan học tập mô hình làm du lịch cộng đồng cùng những hỗ trợ khác như xác định các điểm có thể đón khách du lịch ở địa phương…
Đến nay sau khoảng chín tháng triển khai, dự án mới chỉ tác động được tới 5% hộ dân của xã này nhưng những tín hiệu vui đầu tiên đã xuất hiện: hai thanh niên của xã đã quyết định ở lại làng của mình để làm du lịch cộng đồng thay vì đi làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Việc các thanh niên quyết định về lại làng của mình để lập nghiệp và xây dựng quê hương cũng diễn ra ở những làng dệt, làng gốm của người Chăm tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cũng như nhiều làng quê rải rác trên cả nước, nhất là những vùng giàu di sản thiên nhiên, văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch.
Phải dựa vào bản lĩnh của cộng đồng
Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực kể trên trong khai thác di sản thì TS Nguyễn Thị Thu Trang – trưởng Phòng văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa – cũng cho biết một hiện trạng di sản văn hóa đang được các công ty du lịch khai thác bừa bãi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ với tư cách cá nhân, bà Trang lấy ví dụ ở Mộc Châu (Sơn La) đang có hiện trạng các công ty du lịch sử dụng nghi lễ Hết Chá của cộng đồng địa phương để đưa khách du lịch vào xem.
Đó là một nghi lễ cầu may mắn cho cộng đồng, liên quan tín ngưỡng, tâm linh, có những nghi thức, tập tục của cộng đồng, người ngoài tiếp cận có thể không hiểu hết.
Câu hỏi đặt ra là những đơn vị tổ chức các sự kiện đó để đón khách du lịch có đủ hiểu biết về những nghi thức, tập tục đó không khi mang ra trình diễn cho mọi người cùng xem.
Là nghi lễ cầu may, nó có những kiêng kỵ, ví dụ như phải sắm sửa đầy đủ lễ vật. Liệu các nghi lễ mà các công ty du lịch làm cho khách du lịch có sắm sửa đủ lễ vật?
Ngoài ra, chức năng xã hội của nghi lễ Hết Chá là để cầu may cho cộng đồng. Khi nó được mang ra làm du lịch thì chức năng xã hội của nó thay đổi thành chức năng để bán cho khách du lịch xem.
Theo bà Trang, di sản phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống cộng đồng, phải được đặt đúng trong bối cảnh của di sản.
Việc khai thác, sử dụng di sản phải tuân thủ nguyên tắc không làm thay đổi bối cảnh, chức năng xã hội của di sản, không can thiệp vào quyền của cộng đồng sở hữu di sản. Nhưng hiện nay các công ty du lịch khai thác di sản văn hóa hầu như không tuân thủ các nguyên tắc này.
Trước hiện trạng này, để bảo tồn được di sản văn hóa, bà Trang khẳng định cần sự chung tay của chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước, các tập thể, cá nhân liên quan, nhưng điều quan trọng nhất là bản lĩnh của cộng đồng.
“Một cộng đồng có bản lĩnh là cộng đồng sử dụng, phát huy hiệu quả di sản của mình trong đời sống hôm nay nhưng cũng biết bảo vệ di sản của mình trước tất cả những tác động bên ngoài” – bà Trang nói.