Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

Huyền Linh 137 lượt xem 3 Tháng Một, 2024

Một kiến trúc tuyệt đẹp, một cung điện tráng lệ bậc nhất ở Kinh thành Huế nhưng có số phận long đong – Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện là nơi lưu giữ những hiện vật cung đình; là hồi ức của vàng son một thủa. Bản thân công trình cũng chính là một cổ vật trưng bày…

Bao tang Co vat Cung dinh Hue
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Thăng trầm của một kiến trúc tuyệt tác

Nhà trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là một kiến trúc cung đình thời Nguyễn, có tên là Điện Long An thuộc hệ thống kiến trúc cung Bảo Định, được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, nằm ở bờ Bắc sông Ngự Hà trong Kinh thành. Đây là một dạng “biệt cung” của vua Thiệu Trị, là nơi nghỉ của vua sau lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu xuân ở khu ruộng gần đó; điện cũng là nơi phục vụ cho nhà vua tới thưởng ngoạn, vui chơi, tiêu khiển mỗi khi rời khỏi Hoàng thành.

Noi that chinh doanh voi phan tran go
Nội thất chính doanh với phần trần gỗ

Năm 1847, vua Thiệu Trị thăng hà. Từ đó trở đi, hệ thống cung Bảo Định được vẫn được giữ nguyên để thờ vua. Sau sự kiện thất thủ Kinh thành (1885), đến thời vua Thành Thái (1889-1907), vì những lý do khác nhau, một số kiến trúc ở cung Bảo Định cùng điện Long An bị triệt giải. Năm 1909, dưới thời vua Duy Tân, điện Long An được dựng lại làm thư viện cho trường Quốc Tử Giám, nằm bên trái, phía ngoài Hoàng thành. Khi đó kiến trúc này có tên mới là Tân Thơ Viện.

Trong khoảng thời gian từ 1913-1923, Hội Đô thành Hiếu cổ ở Huế đã họat động tích cực và sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử và văn hóa ở vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Do đó, Hội có nhu cầu lưu trữ và trưng bày các hiện vật. Tân Thơ Viện mà tiền thân là điện Long An đã lọt vào “mắt xanh” của Hội Đô Thành Hiếu Cổ. Ngày 24/8/1923, Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier và vua Khải Định cùng ban sắc lệnh thành lập Bảo tàng và dùng tòa nhà đó làm nhà trưng bày hiện vật của Hội Đô thành Hiếu cổ với “Nhiệm vụ sưu tầm và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”. Công trình mang tên “Bảo tàng Khải Định” (Mussée Khải Định)

Năm 1947, Pháp tái chiếm Huế và tái lập nền đô hộ tại đây, “Musée Khải Định” được đổi tên là Tàng Cổ Viện. Năm 1958, dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, nó mang tên là Bảo tàng Huế và hiện này có tên là “Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế”

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi vị trí và tên gọi trong một khoảng thời gian dài; Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, tức điện Long An may mắn vẫn tồn tại, hiện diện với cấu trúc nguyên vẹn và thực sự là một kiến trúc tuyệt tác. Công trình được đánh giá ngôi điện đẹp nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn.

Công trình là một tòa nhà kép theo lối kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc”, đặt trên một nền cao 1,1m, rộng 35,7x28m, vỉa ốp đá Thanh. Hệ thống bậc cấp dẫn lên thềm cũng làm bằng đá Thanh với thành bậc được trang trí rồng rất tinh xảo. Tòan bộ hệ kết cấu được làm bằng gỗ với 128 cột gỗ lim.

Nhà trước (tiền doanh) có 7 gian với 8 bộ vì kèo theo kiểu “chồng rường giả thủ”, hai bên có hai chái đơn. Các bộ vì kèo được trạm trổ cực kỳ tinh xảo với hình “lưỡng long tranh châu” hay hình rồng ngang. Các bộ vì kèo này không đơn thuần là kết cấu chịu lực mà cũng là các tác phẩm nghệ thuật trang trí. Đây được coi là một trong những bộ vì kèo đẹp nhất của cung điện Huế.

Nhà sau (chính doanh) có 5 gian với 6 bộ vì kèo kiểu “cánh ác” với hai chái kép ở hai phía để bằng nhà trước. Ở nhà sau, phía trên được đóng trần gỗ (rầm thượng) và ở dưới được nâng cốt trên một bục gỗ (rầm hạ). Điều đặc biệt đáng lưu ý là 4 cạnh của bục gỗ này là 4 tấm gỗ nguyên, dài hơn 20m.

Bộ mái đồ sộ của tòa nhà có diện tích lợp 1750m2 có 3 tầng mái: 2 tầng mái trên lợp ngói âm dương và 1 tầng mái hiên lợp ngói liệt. Trên đỉnh mái tiền doanh trang trí đề tài “lưỡng long tranh châu”, bờ nóc ở hai phía cũng có hình rồng. Giữa hai tầng mái là các ô hộc, cùng với bờ nóc, bờ chảy mái được trang trí với những họa tiết công phu bằng chất liệu khảm sành sứ.

Nội thất công trình hội tụ nhiều đồ án trang trí theo lối thi – họa với kỹ thuật, chất liệu như chạm nổi, khảm trai, khảm xương, ngà, xà cừ… được bài trí trên các ô hộc dưới mái, trên các vách ngăn, ô cửa.

Điều đặc biệt khác ở tòa nhà này là tòan bộ công trình được để mộc, không sơn thếp từ nguyên bản. Chính vì vậy, giá trị điêu khắc gỗ, nghệ thuật chạm – khảm càng rõ nét và được tôn vinh, nâng cao giá trị cho kiến trúc, cấu trúc công trình. Về tổng thể, công trình thực sự là một tác phẩm kiến trúc – nghệ thuật, mà nổi bật nhất là sự hoà quyện giữa kết cấu – kiến trúc và nghệ thuật trang trí bằng điêu khắc gỗ. Bản thân công trình được coi là hiện vật – cổ vật trưng bày lớn nhất của bảo tàng có giá trị rất cao về cả lịch sử và nghệ thuật.

Hiện nay, Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế nằm trên đường Lê Trực, phường Thuận Thành, thành phố Huế. Đây là một di tích quan trọng nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Di tích cũng được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997.

Nơi lưu giữ dấu ấn vàng son một thủa

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là nơi lưu giữ nhiều nhất, đầy đủ nhất những hiện vật ghi dấu về triều Nguyễn và cuộc sống vương triều xưa; một thủa vàng son nay đã trở thành ký ức. Mặc dù trải qua chiến tranh, cùng những biến động chính trị xã hội, rất nhiều cổ vật đã bị mất mát, thất thóat, nhưng hiện bảo tàng vẫn có hơn một vạn cổ vật quý được trưng bày ở tòa nhà chính và lưu trữ trong các nhà kho phối thuộc. Các cổ vật quý giá này phong phú về chủng loại, chất liệu, phần lớn có niên đại trong giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945) và thời các chúa Nguyễn trước đó’ một số có liên quan đến triều Nguyễn hay vùng địa lý Phú Xuân – Huế.

Qua cau cuu long thoi Nguyen
Quả cầu cửu long thời Nguyễn
Kiem thoi Nguyen
Kiếm thời Nguyễn
An trien thoi Nguyen
Ấn triện thời Nguyễn
Long sang cua vua Khai Dinh
Long sàng của vua Khải Định
Tran phong bang go thoi Nguyen
Trấn phong bằng gỗ thời Nguyễn

Các cổ vật này được phân mục thành gần 17 bộ sưu tập, có thể kể tới như: Sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; Sưu tập đồ sứ Pháp cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20; sưu tập trang phục cung đình thời Nguyễn; Sưu tập ấn triện thời Nguyễn; Sưu tập hiện vật bằng kim khí quý thời Nguyễn; Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và đồ gỗ khảm cẩn thời Nguyễn; Sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc tế lễ; Sưu tập chuông, vạc, đỉnh đồng thời Nguyễn; Sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn…

Bo suu tap do le dung trong le te Giao doi Nguyen
Bộ sưu tập đồ lễ dùng trong lễ tế Giao đời Nguyễn
Ao long bao Hoang thai tu thoi Nguyen
Áo long bào Hoàng thái tử thời Nguyễn
Bo suu tap do su thoi Nguyen
Bộ sưu tập đồ sứ thời Nguyễn

Là một bảo tàng chứa đựng một số lượng hiện vật khổng lồ về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho khách tham quan có được cái nhìn tổng thể về cuộc sống của vương triều Nguyễn ở cung đình Huế trong quá khứ, sự thăng trầm, biến thiên của lịch sử, văn hóa Huế cũng như sự giao lưu – tiếp biến văn hóa ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động.

Phần nhiều cổ vật ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là các sản phẩm mỹ nghệ do các nghệ nhân thuộc hàng “bàn tay vàng” chế tác theo lệnh của triều đình, hoặc các sản phẩm đặt hàng nước ngoài (Trung Quốc hoặc châu Âu)…, và vì vậy thuộc loại “hàng độc”, quý hiếm, có những thứ là độc bản – không có cái thứ hai.

Điện Long An – Bảo tàng cổ vật cung đình Huế và những gì chứa đựng bên trong thực sự là một di sản quý báu.

Tap tho Ngu che Viet su pham vinh tap cua vua Tu Duc
Tập thơ “Ngự chế Việt sử phẩm vịnh tập” của vua Tự Đức

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC

 

Bài viết cùng chủ đề:

    19 e1730792775247

    Không gian ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng

    Làng Đông Ngạc (hay làng Kẻ Vẽ) là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng có niên đại vài trăm năm. Đây là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ… vẫn giữ được nét cổ kính,...
    2

    Độc đáo điệu múa Tắc xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

    Tắc xình vốn là điệu múa truyền thống của cộng đồng người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để người dân cám tạ trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình...
    3 1

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Huyền tích Phù Sơn tự

    Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang. Chuyện chiếc thuyền...
    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận

Được quan tâm