Bàn thờ Bác Hồ và câu đối của nhà sư

Trần Thư 112 lượt xem 9 Tháng Sáu, 2021

Một tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, buổi sáng 9-9-1969 tại ngôi chùa Khánh Hưng ở quận 3 (Sài Gòn), nhà sư Thích Pháp Lan thiết lập bàn thờ âm thầm làm lễ truy điệu Bác.

hcm1
Bàn thờ Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh được giữ nguyên trạng từ năm 1969 – Ảnh: L.ĐIỀN

Diễn ra lặng lẽ nhưng là lễ truy điệu đặc biệt đối với một nhân vật đặc biệt, nhà sư chuẩn bị cũng rất đặc biệt.

Tấm trướng thờ công phu

Theo lời kể của những vị trong sơn môn chùa Khánh Hưng, hòa thượng Pháp Lan bấy giờ hãy còn là một vị thượng tọa. Khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông đã âm thầm bàn với phật tử thân tín dùng vải thiết kế một tấm trướng thờ với quy cách dùng các chữ Hán được cắt lộng từ vải và may lên nền một tấm vải khác.

Tấm trướng thờ có 4 đôi câu đối hai bên là sự dụng tâm đáng kể: Nam Bắc toàn dân quy thượng chính / Á Âu thế giới kính tu mi.

Nếu xét nội dung, hai câu trên mang ý nghĩa thông thường, kiểu trướng thờ kính trọng một người có công với đất nước: kêu gọi người dân theo về với chính nghĩa trên hết, thế giới từ Âu tới Á đều kính trọng đấng mày râu.

Câu đối dành cho ai? Đấng mày râu nào vậy?

Chìa khóa nằm ở hai chữ cuối: vế đầu kết thúc bằng chữ “chính”, vế sau kết thúc với chữ “mi”, “chính mi” nói lái là “chí minh”. Câu đối được suy nghĩ kỳ công, rồi cắt chữ trên vải, may vào tấm trướng, thiết lập bàn thờ chỉ để đánh dấu đây là trướng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một bàn thờ ngay tại ngôi chùa ở quận 3, trung tâm Sài Gòn.

Điều thú vị của trường hợp tự làm câu đối để thờ Bác Hồ ở đây chính là câu chuyện hình thành từ sự pha trộn giữa tâm thức dân gian và lối chơi chữ của người bình dân Nam Bộ có học.

Xuất phát từ lòng người

Câu chuyện một nhà sư tự mình vì kính ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên lập bàn thờ khi nghe tin Bác mất được biết đến khi vào đầu những năm 2000, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (bến Nhà Rồng) có kế hoạch tìm hiểu sưu tầm và tổ chức phòng trưng bày đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ.

Thật bất ngờ, qua tìm hiểu, tại các tỉnh thành Nam Bộ có đến 40 cơ sở gồm gia đình và đền chùa lập bàn thờ Bác. Trong số đó, bàn thờ do hòa thượng Thích Pháp Lan tại chùa Khánh Hưng thiết kế với những nét độc đáo như đã thấy lập tức thu hút giới nghiên cứu và cán bộ bảo tàng.

Sau khi hòa thượng Thích Pháp Lan viên tịch năm 1994, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón bàn thờ này về vào năm 2003. Từ đó, tại tầng 2 trong không gian trưng bày các đền thờ Bác, bàn thờ với đôi câu đối chữ Hán kỳ đặc kia được duy trì trang trọng, để vừa phục vụ khách tham quan vừa là nơi tưởng nhớ Bác trong các dịp lễ hằng năm.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, việc hòa thượng Thích Pháp Lan (pháp danh Trừng Tâm, thuộc dòng Liễu Quán của ngài Thiệt Diệu, tông Lâm Tế) lập bàn thờ Bác Hồ phản ánh một nét riêng của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam Bộ nói riêng.

“Điều này xuất phát từ lòng người, tự ông thầy Pháp Lan thấy nên thờ Bác Hồ thì ông và phật tử của ông thu xếp để qua mắt chính quyền và làm lễ truy điệu. Việc ấy không xuất phát từ một chủ trương nào hay do ai hướng dẫn. Mà có như vậy mới trở thành giá trị tồn tại ở đời” – một nhà nghiên cứu tại Sài Gòn xin giấu tên nêu nhận xét như vậy.

Dân gian trộn lẫn học thuật

hcm2
Ảnh hòa thượng Thích Pháp Lan – trụ trì chùa Khánh Hưng – hiện được treo tưởng niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM – Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại

Tâm thức dân gian quan niệm những ai có công, được nhiều người kính trọng và hướng về, khi chết đi đều đáng được thờ. Chính vì vậy mà giữa lòng Sài Gòn với nhiều tai mắt của chính quyền lúc bấy giờ săm soi những ai đang “hướng về miền Bắc” thì một bàn thờ dành cho Bác Hồ và lễ truy điệu vẫn được tổ chức.

Còn lối chơi chữ ở tấm trướng thờ lại có điểm độc đáo khác. Nếu các cụ đồ Nho ngày xưa thường có lối làm câu đối theo cách “quán thủ” (tức ghép 2 chữ đầu câu để mang ý riêng), thì hòa thượng Pháp Lan trong trường hợp này dùng cách quán vĩ (ghép hai chữ cuối), lại còn ẩn thêm một lần nữa qua cách nói lái, trở thành điển hình của môtip dân gian trộn lẫn với học thuật.

Theo Tuổi Trẻ

Bài viết cùng chủ đề:

    1 10

    Sài Gòn độc đáo qua ảnh tô màu thời Pháp

    Những công trình biểu tượng của Sài Gòn xưa được tái hiện trong bộ bưu ảnh tô màu bằng tay thời Pháp của nhà sưu tập Bùi Bằng Giang. Thương xá Eden nằm ở góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, là biểu tượng trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa. Ngoài những quầy...
    1 1

    Bồi hồi ngắm lại cây Cầu Ba Cẳng của Sài Gòn xưa

    “Ở vùng Quận 6 Chợ lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức...
    1 24

    Tết xưa của người Tràng An

    Tết xưa của đất Tràng An mang phong vị rất riêng, ấm áp và thanh lịch của chốn tinh hoa hội tụ. Tết nay đến rồi, dư âm của Tết xưa vẫn cứ thấp thoáng trong miền ký ức của nhiều người con đất kinh kỳ. Ngay từ giữa tháng Chạp, không khí Tết đã...
    1 16

    Hãng đĩa hát xưa ở Sài Gòn

    Trong một dịp may tình cờ, tôi có được một chồng dĩa hát than cũ suýt nữa bị đem bỏ vì không dùng từ lâu. Bộ đĩa có hơn trăm cái, có vài cái bị nứt. Mỗi cái dĩa đều nằm trong bao giấy vuông có khoét sẵn một lỗ tròn giữa tâm để lộ...
    1 15

    Trường học ở Sài Gòn thập niên 1920

    Trường tiểu học Nữ sinh Pháp, trường Petrus Ký, Trung học Pháp – Hoa… ở Sài Gòn thập niên 1920 là tiền thân của các ngôi trường danh tiếng Sài Gòn ngày nay. Trường tiểu học Nữ sinh Pháp, nay là trường THPT Marie Curie, Sài Gòn thập niên 1920. Ảnh tư liệu. Trường Petrus...

Được quan tâm