Áo dài Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Huyền Linh 34 lượt xem 14 Tháng Tám, 2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 12/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

1 9
Áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TL

Theo Quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký, nghệ thuật may, mặc áo dài Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tri thức dân gian.

Thành phố Huế không chỉ là một địa danh di sản với nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, mà còn được biết đến và yêu thích nhiều bởi những tà áo dài, được tạo ra bởi nhiều nghệ nhân lành nghề. Áo dài Huế không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.

 Trong vài năm trở lại đây, Huế đã phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ) không chỉ trong cộng đồng nhân dân mà còn cả ở khối cơ quan nhà nước. Đặc biệt, ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế – Kinh đô áo dài”.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài.

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm