‘An Dân bảo kiếm của vua Thành Thái’ đấu giá ở Mỹ: ‘Thợ làm giả hạng xoàng’

Trần Hùng 167 lượt xem 22 Tháng Bảy, 2021

Đó là khẳng định của các nhà nghiên cứu văn hóa, cổ vật về cây kiếm được cho là của vua Thành Thái vừa được đấu giá tại Mỹ.

kiem vua thanh thai 16269172237161400222498

Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao về cây An Dân bảo kiếm “của vua Thành Thái” được Hãng GWS Auctions ở Mỹ tổ chức đấu giá.

Theo đó, cây kiếm dài 81cm, nơi rộng nhất 10cm, nơi lưỡi rộng nhất 3,8cm, phần chuôi và vỏ khảm nạm nhiều hoa văn bằng “vàng”, “ngọc”…

Theo chữ Hán trên kiếm, kiếm được đúc vào tháng 2 năm Thành Thái thứ 11. Hiện vật có giá khởi điểm là 5.000 USD và được mua với giá 50.000 USD.

Kiếm giả

Nhìn vào cây kiếm, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc (TP.HCM) cho rằng đây là thanh kiếm đẹp, kỹ thuật chế tác cao. Song ông cảm thấy rất lạ vì kiếm được cho là của vua nhà Nguyễn, trong khi “hoa văn không có gì là thời Nguyễn hết”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (TP.HCM) cho biết rất buồn cười khi đọc chữ Hán trên thanh kiếm. Đó là những chữ “Vương quyền Thành Thái”, “An Dân bảo kiếm” và các dòng chữ về năm tháng đúc kiếm… lẽ ra từ phải qua trái thì ở đây đi khắc ngược lại, với lối khắc khá nguệch ngoạc.

“Nếu người làm giỏi chữ Hán, viết đúng, khắc cho đẹp thì xem tận mắt mới biết, hoặc phỏng đoán có thể xác định tính giả thật trong khoảng 70 – 80%. Riêng thanh kiếm này như vậy thì dễ nhận ra là đồ giả, viết sai quy cách” – ông Sơn nhận định.

Là một chuyên gia về cổ vật thời Nguyễn, đặc biệt là đồ sứ ký kiểu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng khẳng định: “Không chỉ chữ sai, chữ chạm còn rất xấu và nguệch ngoạc so với kiếm thật của thời Nguyễn thường thấy, mà hoa văn trên kiếm cũng không phải là hoa văn thời Nguyễn nữa. Do đó có thể khẳng định đây là kiếm giả của một người thợ hạng xoàng”.

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng nói “rất tức cười vì người ta còn không biết cách làm và trang trí trên kiếm sao cho đúng, ta chẳng ra ta, mà Tàu chẳng ra Tàu”.

Theo ông, cây này không phải kiếm, mà thường gọi là cây quất. Từ hoa văn, hột khảm và nhiều chi tiết khác bị sai so với kiếm Nguyễn “xịn”. Lại nữa, người xưa thường không khắc những cụm chữ nghĩa kiểu như trên kiếm này vì nó rất lộn xộn, xấu xí, lại được khắc bằng mũi đục mới sau này.

“Đây không phải là kiếm của Việt Nam, cũng như không phải kiếm của Á Đông, và không có gì dính đến đồ cổ hết” – nhà nghiên cứu Trịnh Bách khẳng định.

Đấu giá cũng nhiều đồ giả

Những năm trở lại đây, rất nhiều người chơi, người buôn sang nước ngoài hoặc thông qua người thân săn lùng và tham gia đấu giá cổ vật Việt rồi đưa về Việt Nam.

Rất nhiều người ưa chuộng dòng cổ vật thuộc vương triều Nguyễn, cho nên giá cả dòng cổ vật này thường khá cao. Phần lớn người mua đều đặt niềm tin vào công tác giám định kỹ lưỡng và chắc chắn của nhà đấu giá. Song tình trạng mua phải đồ mới, đồ giả lại khá phổ biến.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết tình trạng mua đấu giá trang phục giả khá nhiều và dẫn chứng nhiều trường hợp mua đấu giá trang phục cung đình đồ giả mà ông từng chứng kiến.

Mấy năm trước, ông từng trao đổi, phân tích và khuyến cáo một bảo tàng ở Việt Nam không nên mua một “áo vua” với giá “bạc tỉ” do một người mua đấu giá từ một hãng uy tín ở nước ngoài. Áo này là vải thật, do một vương phủ còn giữ và bán ra, sau đó người ta mua may lại và bán đi nước ngoài. Sau đó, chủ nhân đem đến hàng đấu giá…

Ông Bách khẳng định không phải áo thật không chỉ do chuyên nghiên cứu về trang phục cung đình thời Nguyễn mà còn dựa trên nguồn gốc chiếc áo mà ông biết rất rõ…

Theo ông Bách, đã mua đồ cổ đấu giá thì nên chọn hãng đấu giá uy tín. Tất nhiên, các hãng này nhiều trường hợp công tác giám định không như mọi người đặt niềm tin. Ngoài ra, theo ông: “Giờ đấu giá tạp nhạp lắm”.

Bởi lẽ, có khá nhiều nhà đấu giá mới mở ở Pháp và một số ở Mỹ, một số do người Việt mở, đưa đồ từ Việt Nam sang bán và rất nhiều thứ được làm mới, làm giả.

Ông nói: “Giới giàu có mới nổi nhiều người đang theo chơi đồ cổ, cái chính là không nhiều người rành chuyên môn và thường tin tưởng vào khâu giám định của nhà đấu giá. Do đó tình trạng mua đồ giả khá phổ biến”.

Theo TTO

Bài viết cùng chủ đề:

    10

    Đặc sắc lễ Mừng lúa mới của người K’Ho

    Trong lễ Mừng lúa mới (Nhô lir bong) truyền thống của người K’Ho, các chàng trai, cô gái của buôn làng cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu, chóe rượu cần, mừng cho một mùa màng bội thu. Ngày 15.12, UBND H.Di Linh (Lâm Đồng) đã tổ chức phục dựng lễ Mừng lúa mới tại làng truyền thống...
    5 3

    Du ký Việt Nam: Tại phủ đệ Tuy Lý Vương

    Tôi từng có dịp tình cờ nói về Tuy Lý Vương [Nguyễn Phúc Thư]. Nhưng vài dòng là quá ít đối với một nhân vật tầm cỡ như vậy, nhân vật có thế lực nhất vương quốc sau nhà vua. […] Dù khá kín tiếng và hiếm khi bày tỏ tại hội đồng, nhưng do...
    1 8

    Làng cổ của người Tày

    Xã Tân Trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không chỉ ghi dấu trong những trang vàng của cách mạng Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày với những nếp nhà sàn cổ kính, cây đa hàng trăm năm tuổi… Dấu ấn...
    1 7

    Phát triển, đẩy mạnh quảng bá dịch vụ du lịch xanh

    Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9.12.2024 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Chỉ thị nêu: Ngày 1 tháng 10 năm 2024,...
    1 4

    Du ký Việt Nam: Lễ Nghinh Xuân

    Mỗi năm vua chỉ ra ngoài từ ba đến bốn lần, không nhiều hơn, đặc biệt là vào dịp lễ Nghinh Xuân, lễ Tịch Điền và lễ viếng lăng mộ của các vị vua mang tính bắt buộc. Lẽ ra chuyến du ngoạn vào dịp lễ Nghinh Xuân diễn ra cách đây sáu tuần. Một...

Được quan tâm