Âm nhạc của người trẻ

Huyền Linh 153 lượt xem 12 Tháng Ba, 2024

Với một thế hệ người trẻ được đào tạo kiến thức bài bản cả về thanh nhạc lẫn sáng tác, nền âm nhạc Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới.

1 33
Một cảnh trong MV “Chúng ta của tương lai” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Ảnh: SCS.

Thành tựu nổi bật

Những ngày qua, trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) “dậy sóng” khi 2 MV “Chúng ta của tương lai” (Sơn Tùng M-TP) và “Nâng chén tiêu sầu” (Bích Phương) được đăng tải. Chỉ sau 3 ngày phát hành, 2 ca khúc không chỉ chiếm lĩnh các vị trí cao nhất của các bảng xếp hạng âm nhạc mà còn cán mốc hàng triệu lượt view. MV “Chúng ta của tương lai” hiện đã vượt mốc 13 triệu lượt view. Trong khi đó “Nâng chén tiêu sầu” cũng sắp đạt được 5 triệu lượt nghe.

Âm nhạc của người trẻ cũng đang được thể hiện trên các lượt bình chọn, xếp hạng tại giải thưởng âm nhạc uy tín. Mới đây, tại đề cử giải thưởng Cống hiến cũng đã gọi tên hàng loạt nghệ sĩ trẻ. Đó là “À Lôi” (Double2T ft Masew); “Cắt đôi nỗi sầu” (Tăng Duy Tân) tại hạng mục Bài hát của năm. Hay tại hạng mục MV của năm là “Đại minh tinh” (Văn Mai Hương)… Trước đó, ở các giải thưởng âm nhạc uy tín của Việt Nam như Làn Sóng Xanh, Mai Vàng cũng đã vinh danh rất nhiều nghệ sĩ trẻ như Tăng Duy Tân, Trung Quân, Văn Mai Hương…

Có thể nói, câu chuyện “tre già, măng mọc” với âm nhạc Việt Nam đang có một sự chuyển giao vô cùng mạnh mẽ. Ở đó, bên cạnh sự đầu tư bài bản về cả thanh lẫn sắc, các nghệ sĩ đang mang đến cho khán giả các sản phẩm âm nhạc văn minh, nắm bắt xu hướng phát triển của quốc tế. Nhiều ca khúc còn “càn quét” nhiều nền tảng MXH toàn cầu. Đơn cử như “See tình” chỉ cần gõ từ khóa tên ca khúc này, Google sẽ cho ra ngay 28,3 triệu kết quả trong vòng chỉ 0,43 giây.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, trong 5 năm trở lại đây, âm nhạc của giới trẻ phát triển rất khác, là nhạc của thời đại ghi dấu ấn bởi điện tử, nghệ thuật âm thanh, của thời đại công nghệ số… Ông Long nhìn nhận, những gương mặt trẻ còn có những sản phẩm thể hiện trách nhiệm với xã hội, với thế hệ đi trước như Hứa Kim Tuyền kết hợp với danh ca Cẩm Vân trong sản phẩm “Một ngày tôi quên hết”, chia sẻ với những người mắc căn bệnh của tuổi già – Alzheimer; hay Hoàng Dũng kết hợp với NSND Bạch Tuyết với “Về nghe mẹ ru”… Nhiều sản phẩm khai thác chất liệu dân gian tạo thành một xu hướng trong giới trẻ.

“Đó là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa những giá trị âm nhạc thế giới với Việt Nam. Chính những sản phẩm này góp phần tạo nên diện mạo âm nhạc đại chúng của chúng ta, có sự khám phá, có sự giao thoa và có những nét riêng” – ông Long nói.

“Rác” âm nhạc

Thực tế cho thấy, trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc đang chiếm một vị thế vững chắc, và luôn được xếp ở những vị trí top đầu. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển, các sản phẩm âm nhạc cũng không tránh khỏi lối mòn khi đi theo những mô típ cũ, trào lưu “ăn theo”. Chưa kể là những rắc rối về bản quyền, tràn lan những ca khúc “nhạc rác”, những MV âm nhạc “nửa mùa” với nội dung phản cảm đếm từ chính những mang danh nghệ sĩ và của người trẻ.

Thời gian qua những ca khúc “Như lời đồn” cùng với những ca khúc “Xếp hình”, “Như cái lò”, “Thu dẩm” đã “tiếp tay” cho một trào lưu phản thẩm mỹ trong lĩnh vực âm nhạc. Với chủ trương gây sốc ngay từ cái tựa, thì những ca khúc ấy đã nhanh chóng thu hút những người tò mò. Tuy nhiên, giá trị của những ca khúc này chỉ làm khán giả ngao ngán.

Dẫn chứng từ câu chuyện “nhạc rác” đang len lỏi trên các nền tảng MXH, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ, hiện tại có một thực trạng là cá nhân nào cũng có thể tự thu âm, sản xuất MV để phát hành trên mạng, nên việc cấm đăng tải các ca khúc như vậy là điều khó khăn trong thời buổi MXH nở rộ. Chỉ khi bị khán giả, dư luận lên tiếng tẩy chay, bài trừ thì các ca khúc mới bị rút xuống hay bị xử lý bởi các cơ quan quản lý văn hóa.

Trào lưu âm nhạc nào rồi cũng sẽ lụi tàn theo thời gian, nhưng rõ ràng hình ảnh không sạch khi làm nghệ thuật sẽ bám đuổi theo nghệ sĩ suốt cả sự nghiệp. “Đừng lấy bất kỳ lý do gì để “đội lốt” lên một sản phẩm âm nhạc. Âm nhạc là phải đẹp, từ ca từ, giai điệu đến nội dung, thậm chí cả cái tên bài hát; và dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật thì mới có chỗ đứng trong nghề” – ông Chung bày tỏ.

Nhìn chung, nhạc trẻ Việt đang phát triển theo nhiều hướng đa dạng và ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Một nền âm nhạc được coi là phát triển khi nó tạo được sức hút với thế giới, mang về những khoản thu lớn từ việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc, có những nhạc sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc được cộng đồng quốc tế ghi nhận và Việt Nam đang từng bước có được những điều đó. Song để âm nhạc Việt Nam có thể bước sang một thời kỳ mới, một tương lai mới thì các nhà quản lý, nhà sản xuất và chính bản thân mỗi người nghệ sĩ cần chuyên nghiệp hóa mọi hoạt động của mình, cần học tập bổ sung trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng biểu diễn.

Thực tế, âm nhạc Việt Nam có nhiều nghệ sĩ lớn, tài năng và hiện nay có một lớp kế cận được đào tạo bài bản. Điều quan trọng là các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ vẫn đang nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ các khán giả và giúp nền âm nhạc Việt Nam thêm phát triển. Làm được những việc đó mới có thể hy vọng vào một tương lai mà nhạc Việt sẽ vượt qua biên giới đất nước đến với bạn bè quốc tế.

Theo Đại Đoàn Kết

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm