Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Đặt niềm tin nơi người giỏi

Huyền Linh 140 lượt xem 14 Tháng Hai, 2025

Cùng với cách thi cử, tiến cử, thì bảo cử cũng là biện pháp được nhà Lê sơ thực hiện. Lịch triều hiến chương loại chí cho biết lệ này “lấy người danh vọng rõ rệt mà phải theo tư cách”. Quốc văn giáo khoa thư định nghĩa bảo cử là “dân sự kén chọn lấy người thay mặt để ra làm quan”.

Bảo cử ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ

Nếu tiến cử căn cứ thực tài và đức độ, không đặt nặng xuất thân thì “lệ bảo cử người có danh vọng và tư cách để triều đình nghị bàn mà giao những trọng chức về văn hay về võ”, Việt Nam văn minh sử thông tin. Theo nghiên cứu Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) của Lê Kim Ngân, biện pháp bảo cử mục đích: “Cung cấp thêm nhân tài vào giúp việc cho guồng máy cai trị, bổ túc cho lệ khoa cử […] giúp cho số người có tài, nhưng vì một trường hợp nào đó không ứng thí được, có thể đem tài mình ra thi thố”. Bảo cử được thực hiện lần đầu thời vua Lê Thánh Tông năm Nhâm Dần (1482) khi vua định lệnh bảo cử quan Thừa ty.

1 2
Sách Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) nghiên cứu lệ bảo cử
ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Theo Toàn thư, sắc chỉ năm Giáp Thìn (1484) nêu rõ những phẩm chất cần có của người được bảo cử: “Người nào từng biết rõ người nào đó quả có tài năng, kiến thức, thanh liêm, có thể bổ làm chức gì, thì các quan khoa, đài, phải cùng biên chép, chua sổ rõ ràng”. Tiêu chí của người được bảo cử về chuyên môn là có tài năng, học vấn tốt, về phẩm chất phải thanh liêm. Với quy chuẩn này, nhà nước mong muốn có được người tài năng, liêm khiết để đem tài năng, đức hạnh phục vụ hiệu quả.

Ngoài ra, tiêu chí bảo cử những chức vụ, vị trí khác nhau có những quy định cụ thể. Đối với quan Tổng binh, đối tượng được bảo cử phải là vệ quan thuộc các nha môn, có học thức, tài năng, uy tín, liêm khiết, siêng năng (lệ bảo cử Tổng binh năm Đinh Mùi – 1487); với quan làm việc ở Hình bộ về chuyên môn phải qua hai kỳ khảo khóa trở lên, thạo việc, am hiểu hình luật, về tư cách phải là người thanh liêm, ngay thẳng (lệ bảo cử quan Hình bộ năm Kỷ Dậu – 1489). Theo Kiến văn tiểu lục, thời vua Lê Thánh Tông quy định bảo cử Hiến sát thuộc Hiến sát sứ ty phải chọn người thanh liêm, có kinh nghiệm thuộc Lục khoa, Lục tự hoặc Ngự sử đài, trải qua 4 lần khảo khóa, tức làm quan được 12 năm.

Theo Lê Kim Ngân, thủ tục tiến hành bảo cử qua hai bước: Thứ nhất, các quan đứng đầu các nha môn nếu khuyết chức nào, đề cử người mình thấy xứng đáng với chức đó cho bộ Lại. Lại khoa, Ngự sử đài ghi chép lại để làm bằng chứng về sau. Thứ hai, bộ Lại xét người được bảo cử đáp ứng đủ yêu cầu với chức vụ được bảo cử, sẽ tâu lên vua. Vua đồng ý thì ban chiếu chỉ xuống, chuyển cho các quan trong triều tra xét lại và chuyển qua Lại khoa xét lần cuối. Bộ Lại làm sắc mệnh và bằng khám hợp (mảnh giấy có đóng dấu chia làm hai để khi kiểm tra thì đối chiếu hai nửa với nhau), cấp bằng cho người được bảo cử nhận chức vụ.

“Thu được hiệu quả là chọn được người”

Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức bảo cử, sắc chỉ năm Giáp Thìn (1484) của vua Lê Thánh Tông có đoạn: “Người được bảo cử, nếu có kẻ bỉ ổi, tham nhũng không làm việc, làm quan không công trạng gì, thì phải tra xét xem viên quan nào đã bảo cử bậy người ấy, tâu hặc lên để tra xét”; lệ bảo cử Tổng binh năm Đinh Mùi (1487) viết: “Ai dám riêng tư mà bảo cử bậy kẻ bỉ ổi, hèn kém tham ô, lười nhác thì bị trị tội”. Mức phạt thấp từ quở trách, phê bình như trường hợp năm Đinh Hợi (1467) vua khảo thi thầy dạy Thái tử là Đông cung thị giảng Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bưu nhưng bài làm đều kém. Ngài quở trách Nguyễn Như Đổ, Trần Phong và Trần Thốc về tội bảo cử sai. Còn hai người kia đều bị bãi chức.

2 3
Ngự sử đài có trách nhiệm trong ghi chép danh sách người được bảo cử
NGUỒN: SÁCH LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH: THỜI LÊ SƠ, TẬP 8, NXB TRẺ

Đối với người được bảo cử, nếu làm việc tốt, có công trạng, thanh liêm, cần mẫn sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Trường hợp Dương Trực Nguyên được bảo cử, tỏ rõ tài năng nên liên tục được thăng chức, từ Lại khoa đô cấp sự trung lên Đô đình úy năm Canh Thân (1500), sau làm Đô ngự sử. Ngược lại, kẻ được bảo cử bất tài, lại tham ô, nhũng lạm sẽ bị xét xử theo luật pháp, như Vũ Nguyên Tiềm, Tạ Bưu ở trên.

Nhờ quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm, lệ này có tác dụng thiết thực bởi “người được bảo cử khi nhận chức vụ rồi, vừa phần phải biết sợ mà tuân theo pháp lệnh, vừa phải cảm cái tình tri ngộ của người bảo cử chịu trách nhiệm mà có những ràng buộc tinh thần, không dám làm điều bậy”, Việt Nam văn minh sử ghi. Lệ bảo cử kéo dài 45 năm từ năm Nhâm Dần (1482) cho đến hết thời Lê sơ. Vua Thánh Tông là vị vua áp dụng biện pháp bảo cử nhiều nhất cũng như đưa ra nhiều quy định cho từng vị trí bảo cử giúp lệ này phát huy tác dụng, “nhờ thế mà đời Hồng Đức đã được nhiều quan chức tốt”.

Về tính hiệu quả, lệ này tạo động lực cho người thực tài, liêm khiết cố gắng phục vụ để được đồng liêu và các cơ quan tuyển bổ bảo cử vào vị trí xứng đáng. Nhận xét về lệ bảo cử, Phan Huy Chú ghi: “Bấy giờ việc ấy làm thận trọng, mà trừng phạt lại nghiêm, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rốt cùng thu được hiệu quả là chọn được người”. (còn tiếp) 

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” – NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...
    1 6

    Hơn 500 nghệ sĩ tham gia đại nhạc kịch bán thực cảnh ‘Ký ức để lại’

    Đại nhạc kịch bán thực cảnh “Ký ức để lại” có sự tham gia của hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp, cùng 120 chiến sĩ Công an nhân dân, đội quân khuyển, kỵ binh và nhiều khí tài quân sự. “Ký ức để lại” là chương trình nghệ thuật chính luận dàn dựng theo hình...
    1 5

    Rừng cẩm liên thay lá ‘nhuộm trắng’ núi Minh Đạm

    Tháng Ba, rừng cẩm liên vào mùa thay lá, khoác lên núi Minh Đạm (Bà Rịa – Vũng Tàu) sắc trắng lạ mắt, nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Núi Minh Đạm nằm cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 15km, có độ cao 355 mét so với mực nước biển. Đây là...

Được quan tâm