Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre).
Những dấu tích lịch sử
Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba Vát nhiều lần thay đổi nhưng ngôi đình bên cạnh vẫn còn lưu giữ chứng tích xưa. Ba Vát là nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương với quân Tây Sơn. Đồn binh thất thủ, Tân Chính vương bị bắt rồi bị giết. Vì vậy, đình Phước Mỹ Trung hiện có một chi tiết đặc biệt là thờ cả thần và thánh. Theo ông Nguyễn Hưng (79 tuổi, ngụ TT.Phước Mỹ Trung), “vị thánh được thờ ở đây chính là chú của vua, sắc phong hiện còn lưu giữ tại ngôi đình”.
Theo phúc trình ngày 13.12.1938 của Hương chức làng Phước Mỹ Trung thì “Thần thị Mục Vương, gọi là Hoàng thúc. Mục Vương chạy Tây Sơn lạc tới Ba Vát thì thăng hà. Năm 1802 Gia Long tức vị ngài được phong thánh. Ngày 29.11.1853 âm lịch, đời vua Tự Đức có sắc phong thần. Tờ sắc làng tôi sao lục ghim theo đây”.Phúc trình cho biết, mỗi năm đình có lệ cúng 2 lần vào ngày 11, 12 tháng 4 và rằm, 16 tháng chạp âm lịch. Nghi thức cúng lễ gồm một con heo làm thịt để sống, rượu trà, xôi bánh, trầu cau, nhang đèn, có học trò lễ hầu cúng đánh chiêng, mõ, trống, nhạc. Có 12 người đứng lễ, trong đó hương cả làm chánh bái, các hương chức làm bồi bái. Trước khi cúng, người đứng lễ phải tắm rửa sạch sẽ, mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đống, chân đi giày, không được say rượu, hút thuốc và phải cử… không được gần đàn bà.
Ép chúa nhường ngôi
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông) lên ngôi năm 12 tuổi dưới bàn tay sắp đặt của quyền thần Trương Phúc Loan, hiệu là Định Vương. Vì chúa còn quá nhỏ nên Trương thao túng, nắm hết quyền hành. Con trai Trương lấy công chúa, con gái thì gả cho hoàng tử. Từ đó gây mầm mống loạn lạc, mua quan bán tước, sưu cao thuế nặng, lòng người oán hận.
Năm Quý Tỵ (1773), Tây Sơn nổi dậy chiếm Quy Nhơn, dựng cờ “Phù Nguyễn, diệt Trương”. Ba anh em Hồ Nhạc, Hồ Huệ, Hồ Lữ đổi thành họ Nguyễn, tôn phù Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương để thu phục nhân tâm. Nhân lúc Đàng Trong rối ren, năm 1774 chúa Trịnh cho quân đánh chiếm Phú Xuân. Duệ Tông chạy vào Quảng Nam, lập Nguyễn Phúc Dương làm thế tử rồi cùng Nguyễn Phúc Ánh theo đường biển vào Gia Định.Tháng 4 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Phúc Dương thua trận ở Quảng Nam. Nhiều lần Tập Đình hầu muốn giết ông nhưng ông được Lý Tài (đạo quân Hòa Nghĩa) che chở. Sau đó ông được Nguyễn Nhạc đón về Quy Nhơn, đem con gái là Thọ Hương gả cho. Năm 1776, Nguyễn Nhạc đắp thêm thành Trà Bàn, xưng là Tây Sơn vương, đúc ấn vàng và đưa Nguyễn Phúc Dương tới giam lỏng ở chùa Thập Tháp. Cuối năm đó Nguyễn Phúc Dương lẻn trốn vào Gia Định.Sách Đại Nam thực lục chép, khi Đông cung Nguyễn Phúc Dương vào Nam, ông xin chúa Duệ Tông sai Nguyễn Danh Khoáng đi chiêu dụ Lý Tài. Tài nghi ngờ nên giữ Khoáng lại rồi kéo hết quân bản bộ về Sài Gòn. Quân của Đỗ Thanh Nhân trông thấy vỡ chạy, Tài rước Đông cung về Dầu Mít (Thủ Dầu Một). Tháng 11.1776, Lý Tài đưa Đông cung trở lại Bến Nghé, sai người tâu xin chúa ngự giá về chùa Kim Chương. Tài đưa Đông cung đến hành lễ, ép chúa nhường ngôi, xưng hiệu là Tân Chính vương, tôn chúa làm Thái Thượng vương, Lý Tài làm Bảo giá.
Thoát nạn diệt tộc
Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), khi Tây Sơn vào Gia Định, Tân Chính vương giao Lý Tài giữ Sài Gòn rồi tự dẫn quân đóng ở Trấn Biên. Lý Tài nhiều lần thua trận nên Tân Chính vương lui về Sài Gòn.
Trong khi đó, chúa Duệ Tông chạy tới Đăng Giang (Định Tường), được Nguyễn Phúc Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn tiếp ứng. Tháng 4.1777, chúa tới Long Hưng rồi qua Trấn Giang (Cần Thơ) hợp quân với Mạc Thiên Tứ. Thấy binh lực của Tứ ít và yếu, chúa bèn sai Đỗ Thanh Nhân lẻn đi Bình Thuận gọi Châu Văn Tiếp và Trần Văn Thức vào cứu viện. Ở một hướng khác, khi Tây Sơn đánh Tranh Giang, Tân Chính vương lui về giữ Trà Tân (Định Tường) rồi được Chưởng cơ Tống Phúc Thiệm đem thủy binh tới đón về Ba Vát.Theo Đại Nam thực lục, sau khi đánh tan viện binh Bình Thuận của Trần Văn Thức, tháng 7 năm đó Tây Sơn vây đồn Ba Vát. Bấy giờ các tướng đều lần lượt mất vì bệnh. Chỉ còn Chưởng cơ Tống Phúc Hòa đơn độc chống cự với Tây Sơn. Ngày 19.9.1777, Tân Chính vương và 18 quan theo hầu bị giết. Đúng 1 tháng sau, ngày 18.10.1777, tại Long Xuyên, chúa Duệ Tông cùng với Tôn Thất Đồng, Trương Phúc Thận, Lưu Thủ Lượng và Nguyễn Danh Khoáng cũng chịu chung số phận. Năm đó Duệ Tông mới 24 tuổi.Riêng Nguyễn Ánh thoát được nạn diệt tộc. Sách Gia Định thành thông chí chép: Năm 1777, Nguyễn Ánh cỡi thuyền thủ quyển theo Duệ Tông tới cảng Đốc Huỳnh, trong lúc Tây Sơn đánh úp. Chúa đang ở Long Xuyên cùng quan binh hộ tống đều bị bắt. Chỉ có thuyền thủ quyển lách riêng đi đến sông khác nên vô sự. (còn tiếp)