Sở hữu đến 9 di sản văn hoá phi vật thể, Tây Ninh được biết đến là miền đất có sắc màu văn hoá vô cùng đặc biệt. Ngay tại núi Bà Đen, các di sản văn hoá lâu đời này mỗi ngày đều được gìn giữ và phát huy, đưa Tây Ninh thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại Nam Bộ.
Cùng với Côn Đảo, Tây Ninh là điểm đến được khách Việt yêu thích cho các chuyến đi lễ bái kết hợp với trải nghiệm văn hoá. Có đến 21 dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất phải kể đến là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, Tà Mun…, Tây Ninh là một mảnh đất có sự pha trộn, giao thoa của rất nhiều sắc màu văn hoá. Ngoài hệ thống di tích dày đặc, tỉnh vùng biên này cũng sở hữu đến 9 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Các giá trị di tích lịch sử – văn hoá này luôn được gìn giữ và phát huy gắn liền với phát triển du lịch, và trở thành một “đặc sản” của miền đất Tây Ninh. Chỉ tính riêng tại núi Bà Đen – điểm đến mang tính biểu tượng của Tây Ninh, các di sản văn hoá lâu đời này mỗi ngày đều được nuôi dưỡng thông qua các chương trình giao lưu văn hoá, các show trình diễn nghệ thuật, hay các tuần và tháng tôn vinh di sản.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, di sản văn hoá muốn sống được thì phải có đời sống tại cộng đồng, và phải có không gian để thực hành và trình diễn. “Tại KDL núi Bà Đen, không gian thực hành các di sản sẽ góp phần truyền bá các giá trị di sản đến công chúng, đồng thời cũng thành động lực để bảo tồn các di sản trong đời sống thực tiễn” – ông cho biết.
Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tiêu biểu bậc nhất được trình diễn tại đây phải kể đến là múa trống Chhay dăm. Đây là bộ môn trình diễn đặc biệt quan trọng với người Khmer, đòi hỏi sự đồng điệu giữa các động tác vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, với các âm thanh rộn rã của tiếng trống. Vào những dịp Tết, những dịp mùa bội thu, người Khmer nhờ tiếng trống này để ăn mừng tại các các phum, sóc. Hiện nay, vào các ngày lễ, tết và các ngày cuối tuần, du khách lên núi Bà Đen có thể được tận mắt chứng kiến điệu múa trống điêu luyện này do chính các nghệ sĩ Khmer trình diễn.
Cùng với múa trống Chhay dăm, nhạc ngũ âm cũng là một di sản văn hoá phi vật thể của người Khmer thường xuyên được tái hiện trên đỉnh núi Bà Đen. Với người Khmer, các nhạc cụ này sẽ mang đến may mắn cho đồng bào, và cũng là lời chúc tốt đẹp trong các ngày lễ hội. Anh Lâm Tipo – nhạc công nhạc ngũ âm cho biết: “Kể từ khi nhạc ngũ âm được biểu diễn trên núi Bà Đen, thì bộ môn này được cộng đồng biết đến nhiều hơn, được mọi người yêu mến nhiều hơn và cũng được rất nhiều muốn tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống”.
Đờn ca tài tử với lịch sử hàng trăm năm cũng là một loại hình diễn tấu dân gian đặc trưng của người dân Nam Bộ và có một sức sống bền bỉ tại Tây Ninh. Di sản văn hoá phi vật thể này cũng được trình diễn trên núi Bà Đen bởi các nghệ nhân ưu tú người Tây Ninh trong các chương trình liên hoan và triển lãm nghệ thuật đờn ca tài tử, làm nên một sắc màu văn hoá vô cùng khác biệt cho ngọn núi cao nhất Nam Bộ.
Một di sản văn hoá nữa mang đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào khác của Tây Ninh là ẩm thực chay. Được hình thành từ rất lâu đời, nơi người dân theo đạo Cao Đài có thói quen ăn thập chay (mỗi tháng 10 ngày), ẩm thực chay đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của miền đất hành hương Tây Ninh. Tại núi Bà Đen, ẩm thực chay được thừa kế, gìn giữ và được sáng tạo với những hương vị đặc biệt để du khách cảm nhận những giá trị văn hóa lâu đời ở ngay trên đỉnh núi thiêng huyền thoại.
Không chỉ nuôi dưỡng các di sản văn hoá tại Tây Ninh, núi Bà Đen còn tái hiện rất nhiều di sản văn hoá của nhiều vùng đất cả trong nước và quốc tế. Mới đây, chương trình trình diễn, quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được tổ chức trên đỉnh núi Bà Đen, là nơi người dân Nam bộ được chìm đắm trong những làn điệu mộc mạc duyên dáng được lưu truyền từ ngàn đời nay ở vùng Kinh Bắc. Cũng tại đây, du khách được hướng dẫn cách làm tranh Đông Hồ – một di sản văn hoá có sức sống lâu bền phản ánh sinh động đời sống bình dị của người dân nơi thôn dã.
Tháng 12 tới đây, núi Bà Đen sẽ bước vào tháng di sản hội tụ rất nhiều di sản văn hoá vùng miền độc đáo. Đặc biệt, ngay cuối tháng 11, du khách sẽ được hoà vào không gian giao lưu văn hoá Việt– Nhật, với vô số các hoạt động và trải nghiệm văn hoá đến từ xứ sở mặt trời mọc. Một triển lãm đèn đăng được vẽ tay bởi hoạ sĩ tài năng cũng sẽ được tổ chức suốt tháng 12 với hàng ngàn ngọn đăng đủ kiểu dáng, màu sắc, nét vẽ khác nhau, làm nên không gian lung linh và huyền ảo cho ngọn núi cao nhất Nam Bộ.
Với các trải nghiệm văn hóa độc lạ, KDL núi Bà Đen đang trở thành điểm đến du lịch văn hoá đầy sức hút. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy di sản văn hoá là một xu thế mà UNESCO rất khuyến khích để lồng ghép quá trình phát triển với sự bảo tồn. “Núi Bà Đen được xây dựng và bồi đắp bởi các giá trị văn hoá di sản, thì nó đã vượt khuôn khổ của một KDL quốc gia, tiến tới là KDL có tầm cỡ quốc tế” – ông nói.