Thúc đẩy năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng giảm thải carbon, tái cấu trúc nền kinh tế bền vững.
Tại Diễn đàn quốc tế Franconomics – 2024: Năng lượng tái tạo – kịch bản cho tương lai xanh” do khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm Trí tuệ môi trường (trường ĐH Vinuni) tổ chức, ông Olivier Brochet – Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: Pháp cam kết trở thành đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Hiện thực hoá cam kết này, thời gian qua, nhiều sáng kiến cụ thể đã được triển khai nhằm thúc đẩy quá trình giảm tỷ trọng sử dụng, tiêu thụ năng lượng hoá thạch trong nền kinh tế và phát triển năng lượng xanh.
Đáng chú ý là Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó, Chính phủ Pháp dành khoản tài trợ 500 triệu Eur để giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về trung hòa carbon, phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu hydrogen…)
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, phát triển dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đồng thời, đề xuất xây dựng nhà máy điện gas khí hoá lỏng – loại năng lượng trung gian mà Việt Nam có thể xem xét, tính toán cho kịch bản năng lượng để hướng tới Netzero.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện hàng năm của Việt Nam tăng nhanh nên việc xem xét, huy động thêm một số nguồn năng lượng, trước mắt là khí hoá lỏng hay hydrogen xanh trong lâu dài là cần thiết.
Ông Conan Hervé – Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam nhấn mạnh thêm, thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng carbon thấp, mỗi quốc gia khác nhau có xuất phát điểm và thách thức khác nhau dù cùng chung mục tiêu. Kịch bản phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính có thể giúp các quốc gia, trong đó có thể tránh được những hậu quả nặng nề của khí hậu cực đoan ngày càng trở nên phổ biến mà cơn bão Yagi vừa qua là một điển hình.
Đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Netzero vào năm 2050, ông Conan Hervé cho rằng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo được xem là một trong những giải pháp quan trọng và thiết yếu để giảm thải carbon, chuyển dịch năng lượng, góp phần thực hiện mục tiêu đầy thách thức trên. Những năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.
Bên cạnh việc bổ sung công suất phát điện từ năng lượng tái tạo, thông qua sự hợp tác và hỗ trợ tài chính của AFD, một số nhà máy thuỷ điện tại Việt Nam đã được đầu tư mở rộng, góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống điện trong bối cảnh tích hợp năng lượng tái tạo ngày càng sâu rộng.
Ông Conan Hervé đánh giá đó là những nền tảng bước đầu cho sự phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai, góp phần hỗ trợ chuyển dịch năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.