Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), sáng 7/10 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những Cửa ô”.
Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa ô” mở cửa từ ngày 7/10-30/10/2024 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 9 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Thông qua các nguồn sử liệu, Ban Tổ chức trưng bày những bức ảnh nhằm giới thiệu lịch sử của các Cửa Ô Hà Nội gắn liền với lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, công tác tiếp quản Hà Nội của quân và dân Thủ đô được thể hiện một cách sinh động, cẩn trọng, khoa học và toàn vẹn; những thành tựu của Thủ đô Hà Nội với những “Thủ đô Anh hùng”, “Hà Nội thành phố Vì hòa bình” được tô điểm với dấu mốc lịch sử vẻ vang của Thủ đô trái tim của cả nước.
Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 03 chủ đề:
Chủ đề 1, Cửa Ô xưa: Giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa Ô của Thăng Long – Hà Nội; vai trò, công năng của các Cửa Ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các Cửa Ô theo từng giai đoạn quy hoạch thay đổi địa giới hành chính của thành phố Hà Nội dưới sự tác động của người Pháp; Những hoạt động trao đổi kinh tế (các khu chợ, khu phố buôn bán); những sự kiện lịch sử gắn liền với các Cửa Ô (Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất từ Cửa Ô Thanh Hà…) những giai thoại liên quan… Xác định dấu vết các Cửa Ô gắn liện với địa danh làng xã Hà Nội xưa và thay đổi hiện nay.
Chủ đề 2, Cửa Ô chiến thắng: Kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố; những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế…Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân giải phóng Thủ đô. Cả Hà Nội dồn về khu vực Cột cờ Hà Nội, tập trung ở sân vận động. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ.
Chủ đề 3, Cửa ô Hà Nội hôm nay: Chứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long – Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa.
Giai đoạn 1954-1975: Là giai đoạn Hà Nội khôi phục kinh tế, cải tạo chủ nghĩa xã hội và chống mỹ cứu nước. Năm 1961, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng các nông trường quốc doanh. Năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc từ 9 xí nghiệp ban đầu, Hà Nội đã có xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng lớn ra đời,..
Đặc biệt đến năm 1972 là sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến phá hoại miền Bắc và cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Ngày 23/12/1972, Hà Nội được UB thường vụ quốc hội tuyên dương công trạng “Thủ đô anh hùng”.
Giai đoạn 1975-1986: thời kỳ khôi phục, tái thiết kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo công thương nghiệp. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân của Thành phố phải kể đến như: Nhà máy Chế tạo công cụ số 1, một số công trình lớn được hoàn thành: Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Nhi Hà Nội. Nhiều công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương….
Giai đoạn 1986-2008: Hà Nội cùng cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội tiến hành công cuộc đổi mới đất nước: Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2008, Hà Nội vươn mình trong công cuộc đổi mởi, mở rộng địa giới hành chính, đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Giai đoạn từ năm 2008 – nay: Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu đảm bảo ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững. Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, Thành phố Thông minh. Năm 2019 Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Unessco.